Điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) đã duy trì đa dạng các loại hình dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh, là 'bà đỡ' tận tâm cho các thành viên.

Hằng năm, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong dành gần 5 tỉ đồng cho các thành viên vay vốn nội bộ để phát triển sản xuất. Ảnh: THÁI NGỌC

Hằng năm, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong dành gần 5 tỉ đồng cho các thành viên vay vốn nội bộ để phát triển sản xuất. Ảnh: THÁI NGỌC

Khép kín các dịch vụ cho nông dân

Chúng tôi đến HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (gọi tắt HTX Hòa Phong) khi ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX này đang bận rộn duyệt dịch vụ vay nội bộ cho các thành viên. Đây là dịch vụ mà hiện rất hiếm HTX trên địa bàn tỉnh còn duy trì hoặc nếu có thì vốn đầu tư cho vay cũng không nhiều như tại đây vì khó thu hồi.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, hằng năm, HTX dành gần 5 tỉ đồng cho vay vốn nội bộ nhằm giúp thành viên đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát triển đa ngành nghề, giải quyết được nhu cầu lao động, có việc làm ổn định, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. “Dịch vụ này được HTX thực hiện từ năm 1995 cho đến nay. Mỗi năm có đến 400-500 thành viên được vay vốn nội bộ, thời gian vay 12 tháng, với lãi suất như Ngân hàng NN&PTNT; còn từ 1/7/2024 áp dụng lãi suất như Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ 0,75%/tháng. Riêng năm 2023, HTX cho vay nội bộ khoảng 4,4 tỉ đồng”, ông Đông cho hay.

Nông dân Nguyễn Văn Thanh, một thành viên HTX ở thôn Mỹ Thạnh Trung 2 cho biết: HTX như “bà đỡ” của nông dân bởi ai thiếu vốn đều có thể đến vay với thủ tục đơn giản, chỉ cần có sổ đỏ nông nghiệp. Dù mức vay không cao, tối đa chỉ được 20 triệu đồng, nhưng nguồn vốn này giúp chúng tôi mua thêm con bò, thức ăn phục vụ chăn nuôi để phát triển kinh tế, cũng như vượt qua lúc khó khăn.

Lúa là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Hòa Phong với diện tích 577ha. Để giúp các thành viên sản xuất giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng, HTX đã triển khai 5 dịch vụ từ khâu làm đất, cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng cho đến thu hoạch. Nhờ đó, mỗi vụ, khâu làm đất bằng máy tại địa phương đạt trên 90% diện tích, phục vụ đúng thời gian gieo sạ cho thành viên; trên 85% diện tích được sử dụng lúa giống cấp xác nhận để gieo sạ. Ngoài ra, HTX còn quản lý hơn 64km kênh mương, với đội thủy nông gồm 24 người, thực hiện điều tiết nước tưới tiêu chủ động để canh tác 2 vụ lúa/năm.

Về dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, theo Giám đốc HTX Hòa Phong, hiện đã có đại lý tại các thôn, nên HTX đầu tư ứng trước các loại vật tư phân bón để các thành viên sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới thu tiền; đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng và số lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên.

Ông Lê Chí Tâm, một đại lý ở thôn Mỹ Thạnh Trung 2 cho biết: Những năm qua, nông dân trong thôn rất hài lòng với dịch vụ cho ứng vật tư trước, trả tiền sau của HTX. Vì vậy có đến 90% nông dân sử dụng dịch vụ này. Riêng đại lý mỗi năm cung ứng cho nông dân trung bình khoảng 40 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại.

Đặc biệt, HTX còn có dịch vụ khuyến nông. Hiện CLB khuyến nông gồm 70 thành viên, tổ chức họp định kỳ theo quý để trao đổi trong công tác sản xuất nông nghiệp và các mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, sạ hàng sạ thưa được thành viên nắm bắt để canh tác, giúp giảm sâu bệnh, đạt năng suất và không ảnh hưởng môi trường.

Quyết tâm khôi phục làng nghề

Ngoài lúa, dâu tằm cũng là cây trồng chủ lực ở xã Hòa Phong. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã này đã tồn tại hơn 30 năm và duy nhất tại Phú Yên. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi thời tiết thay đổi, giá cả thị trường biến động, nghề trồng dâu nuôi tằm không còn mang lại thu nhập cao cho bà con ở đây, dẫn đến nhiều hộ buộc phải bỏ nghề, tìm tới các loại cây trồng khác.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, đứng trước thực trạng đó, với quyết tâm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm cho các thành viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn, trồng và nhân rộng giống dâu tằm mới với diện tích 1,1ha. Dự kiến thu hoạch lá nuôi tằm vụ đầu tiên vào cuối tháng 9 này. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho hơn 30 thành viên đi tham quan học nuôi tằm theo kỹ thuật mới của ngành dâu tằm.

“Sau khi học tập xong, chúng tôi sẽ làm mô hình điểm ngay tại HTX để bà con tham quan, học tập. Đây là mô hình nuôi theo phương pháp mới, cho năng suất kén cao gấp đôi so với trước đây. Dự kiến, đến cuối năm 2025, khi việc nuôi tằm theo phương pháp mới ổn định, HTX sẽ nhân rộng mô hình ra toàn xã. Khi đó, HTX sẽ tự chủ về việc cung cấp tằm giống, cũng như liên kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con”, ông Đông khẳng định.

“HĐND huyện đã phê chuẩn hỗ trợ kinh phí 1,2 tỉ đồng để HTX đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm tập trung với diện tích 200m2. Sắp tới, khi làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây sản xuất ổn định, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX triển khai mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm tại làng nghề, giúp tăng thu nhập cho người dân”, bà Đinh Thị Kim Tuyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết.

HĐND huyện đã phê chuẩn hỗ trợ kinh phí 1,2 tỉ đồng để HTX đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm tập trung với diện tích 200m2. Sắp tới, khi làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây sản xuất ổn định, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX triển khai mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm tại làng nghề, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Bà Đinh Thị Kim Tuyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong

THÁI NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320411/diem-sang-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the.html