Điểm sáng vắc xin trong cuộc chiến chống Covid-19

Chỉ hơn 1 năm kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay, thế giới đã thống kê số ca nhiễm vi rút Sars - CoV - 2 gây bệnh Covid - 19 đã lên tới hơn 63 triệu người. Con số trên một phần cho thấy 'vi rút thế kỷ' này có sức tàn phá lớn đến mức nào. Tuy nhiên, những tiến bộ đột phá trong phát triển vắc xin ngừa vi rút Sars-CoV-2 vừa qua như 'ánh sáng ở phía cuối đường hầm dài u tối' mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch Covid-19.

Đầu tiên phải kể tới những kết quả mang tính đột phá trong bào chế vắc xin ngừa vi rút Sars-CoV-2. Tập đoàn Công nghệ sinh học Moderna của Mỹ vừa thông báo vắc xin thử nghiệm của hãng đã phát huy hiệu quả tới 94,5%.

 Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Gütersloh, Đức

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Gütersloh, Đức

Trước đó, vắc xin do tập đoàn Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển cũng đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 90%. Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắc xin trên toàn thế giới trong năm nay và tối đa 1,3 tỷ liều năm 2021. Trong khi đó, với hiệu quả có thể đạt tới 90% chỉ với một liều sử dụng, Anh thông báo sẽ đưa vắc xin do liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford phát triển vào tiêm chủng đại trà trước mùa xuân năm tới.

Mới nhất, Bộ Y tế Nga cũng cho biết kết quả phân tích những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin Sputnik V của Nga đã cho hiệu quả lên tới 95%. Trung Quốc đồng thời đang thử nghiệm giai đoạn ba 5 loại vắc xin tiềm năng do nước này tự bào chế. Quá trình phát triển vắc xin và thuốc điều trị tại Thái Lan hay Hàn Quốc đều đạt những tiến bộ đáng kể.

Những kết quả khả quan trên cho phép các nước tính tới kế hoạch sớm đưa vắc xin vào sử dụng. Mỹ thông báo có thể phân phối vắc xin sau ngày 10/12, khi liên doanh Pfizer và BioNTech đã đệ đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của hãng. Nga, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin đại trà từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận với công ty Moderna về việc cung cấp 160 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19.

Quan trọng hơn, các nước trên thế giới đã thể hiện cam kết mạnh mẽ hợp tác và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau đối phó với Covid-19. Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu trong vấn đề này, với cam kết "nỗ lực hết sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắc xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), quan chức 21 nền kinh tế thành viên đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác luân chuyển các mặt hàng thiết yếu, như thuốc men và thiết bị y tế. Trước đó, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhanh chóng thành lập Quỹ ứng phó với Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, từ chiến lược chung về xét nghiệm và tiêm chủng cho tới ứng dụng cảnh báo Covid-19 trên điện thoại di động hoạt động trên toàn EU. Cam kết chính trị mạnh mẽ của các nước bảo đảm việc phân phối vắc xin một cách công bằng đã thắp sáng hy vọng, rằng mọi quốc gia và vùng lãnh thổ đều được hưởng lợi ích từ những thành tựu phát triển vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví những tiến bộ đột phá trong phát triển vắc xin ngừa vi rút Sars-CoV-2 vừa qua như "ánh sáng ở phía cuối đường hầm dài u tối" mà thế giới đang lần theo để thoát khỏi đại dịch Covid-19. Hơn 1 năm chống chọi với Covid-19, thế giới đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vắc xin và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả thời gian qua, cùng với tinh thần "chung sức, đồng lòng", không để ai bị lãng quên.

Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, nhất là trong giai đoạn mùa đông và mùa xuân sắp tới, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống Covid-19.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/diem-sang-vac-xin-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-83395.html