Điểm sáng về giảm thiểu tảo hôn ở miền núi Khánh Hòa

Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở các huyện miền núi Khánh Hòa giảm đáng kể. Địa phương này đã có những cách làm hay về tuyên truyền và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sát với thực tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Mấu Hồng Thái (84 tuổi, người Raglai) ở thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn là người cao tuổi có uy tín. Ông Thái được người dân thôn Hòn Dung nể trọng bởi việc lớn nhỏ hay cần hòa giải bất cứ việc gì dân làng đều nhớ đến ông.

Trong phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, ông Thái răn dạy con cháu nhiều điều hay lẽ phải. Ông cho biết, ngoài các quy định của pháp luật về chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong làng luôn có hương ước, khi thanh niên chưa đủ 18 tuổi trở lên là không được kết hôn. Bất cứ thanh niên trong làng nếu tảo hôn sẽ bị phạt nặng.

“Công tác vận động không tảo hôn là khó khăn nhất. Thanh niên chưa đúng tuổi mà có dấu hiệu tảo hôn là mình phải vận động khéo léo, nhẹ nhàng, mềm dẻo. Khi đến những nhà đó thì bà con tin tưởng mình lắm. Mình nói chắc ăn, những sai sót của gia đình phải nhẹ nhàng. Trong làng có người tảo hôn thì phải phạt cặp gà, ché rượu cần theo lệ làng để cho chừa, nó sợ”, ông Hồng nói.

Ông Mấu Hồng Thái (84 tuổi, người Raglai) thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Mấu Hồng Thái (84 tuổi, người Raglai) thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Năm 2014, Huyện ủy Khánh Sơn đã có Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Các xã, thị trấn ở huyện này đều có kế hoạch triển khai cụ thể sát với thực tế địa phương. Công tác phòng chống tảo hôn được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các chi bộ, hội đoàn thể ở thôn, làng tham gia tích cực.

Tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại khu cộng đồng, đông dân cư.

Tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại khu cộng đồng, đông dân cư.

Tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn nhiều năm liền không có tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. UBND xã Sơn Hiệp đã phối hợp Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình thuộc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn thường xuyên mở các lớp phòng chống tảo hôn cho trẻ em từ 14 đến 19 tuổi; các cặp bố mẹ có con em trong độ tuổi đi học; học sinh có nguy cơ tảo hôn. Ngoài ra, xã Sơn Hiệp còn phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể của 4 thôn kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ cao về tảo hôn để tuyên truyền.

Ông Nguyễn Doãn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết: “Trong thời gian tới, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương phải coi công tác giáo dục giới tính cho các em. Đẩy mạnh phối hợp với phụ nữ cũng như đoàn thanh niên làm việc với các hộ gia đình cũng như nhà trường quản lý học sinh. Đặc biệt là con em đi học ở xa hoặc xa nhà thiếu vắng sự quản lý của gia đình thì quan tâm đối tượng này. Dưới các thôn thường xuyên phải có sự vào cuộc của bí thư chi bộ, người uy tín để tuyên truyền cho người lớn cũng như con cái của mình”.

Lồng ghép tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các hội nghị trên địa bàn huyện Khánh Sơn.

Lồng ghép tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các hội nghị trên địa bàn huyện Khánh Sơn.

Theo ông Đỗ Huy Hiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, tất cả các xã trên địa bàn không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để tảo hôn không tái diễn, chính quyền địa phương và phòng dân tộc huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền trực tiếp. Cụ thể, Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn cùng các địa vào từng trường học tuyên truyền. Tháng 12/2024, Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn đã mời một số báo cáo viên cùng các tổ chức hội trên địa bàn huyện tới các trường THCS, THPT trên địa bàn để tuyên truyền trực tiếp về chống tảo hôn; Tổ chức các cuộc thi chống tảo hôn cấp huyện.

“Nhà trường phát hiện các cháu không đi học báo với cha mẹ liền, các cô phụ trách cùng với tổ chức đoàn thể chính quyền địa phương phải tới từng nhà. Những cháu có yếu tố nghi ngờ bỏ học hoặc hay trốn học là đi tới từng nhà để tuyên truyền vận động đưa các cháu qua lại trường. Ở địa phương chia ra nắm địa bàn, các tổ chức chính trị chia ra nắm từng hộ”, ông Hiệp nói.

Một khu dân cư ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Một khu dân cư ở huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Khánh Sơn là huyện có địa hình khá phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều, đường sá đi lại khá khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn hạn chế, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại. Mặc dù có những khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo và sự cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ cơ sở nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực Y tế, dân số, kinh tế - xã hội... nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Qua các năm triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; số trường hợp tảo hôn giảm qua từng năm.

Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, việc triển khai thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” đã góp phần tuyên truyền rộng rãi hơn giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hiểu biết về các nội dung của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

“Giai đoạn từ năm 2020 đến nay tảo hôn trong cộng đồng dân cư người đồng bào dân tộc thiểu số rất ít. Công tác tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là các cơ quan chức năng, Trung tâm dân số, Trung tâm Y tế và Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn đã có tham mưu cho UBND huyện ra kế hoạch và hàng tháng đều có lịch xuống để làm công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt là các chiến dịch truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Vỹ nói.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/diem-sang-ve-giam-thieu-tao-hon-o-mien-nui-khanh-hoa-post1143802.vov