Điểm thi cao chót vót của những học sinh con em dân tộc khiến ai cũng nể phục
Chỉ riêng lớp 12 C2 của trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông 2, Nghệ An có 28 bạn thì điểm thi khối C đều trên 21 điểm, cao nhất 27,75 điểm.
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, nhiều tấm gương là con em dân tộc thiểu số nhưng đạt thành tích cao trong kỳ thi quốc gia khiến cộng đồng khâm phục.
Một trong số đó phải kể đến những học sinh của trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông 2 Nghệ An.
Năm nay được xem là năm bội thu của ngôi trường của con em dân tộc trên mềm quê nghèo nhưng hiếu học này vì trong kỳ thi năm nay, lớp 12A1 có 26 em trên 20 điểm thi khối A trong đó có 5 em trên 24 điểm, em cao nhất đạt đến đến 27,9 điểm.
Lớp 12C2, tất cả 28 em có điểm thi khối C trên 21, trong đó có 5 em 26 điểm. Em cao điểm nhất là 27,75 điểm; em cao thứ 2 đạt 26,75 điểm.
Lớp 12C1, có 26 em/tổng số 28 có điểm thi trên 20 điểm, trong đó có 16 em trên 24 điểm. Em cao nhất đạt 26,75 điểm.
Nếu tính điểm cộng vì các em là người dân tộc thiểu số, có thể nói danh xưng thủ khoa cả nước khối A và khối C sẽ bị soán ngôi.
Bởi, các em được cộng điểm ưu tiên 3 điểm khi tham gia xét tuyển đại học.
Em Hà Mạnh Hùng, người dân tộc Thái là thủ khoa khối A của trường với số điểm là 27,9 điểm.
Nguyện vọng của nam sinh nghèo này là bước vào cánh cửa trường đại học Bách khoa Hà Nội và sau này thành kỹ sư IT giỏi.
Cô học trò nghèo người Thái - Lục Thị Doanh thủ khoa khối C của trường cũng với số điểm rất cao 27,75 điểm.
Thủ khoa cả nước quyết theo nghề y để chữa bệnh cứu người
Được biết, trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông số 2 Nghệ An được thành lập năm 2010, vùng tuyển sinh của trường là học sinh vùng 135 (Vùng miền núi đặc biệt khó khăn) thuộc các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu.
Để đạt được thành tích như vậy là một sự nỗ lực vươn lên của các thầy và trò trong suốt 3 năm học phổ thông.
Theo chia sẻ của thầy giáo Mai Văn Đạt, Bí thư đoàn trường thì với điều kiện kinh tế gia đình nhiều thiếu thốn, xuất thân ở các vùng khó khăn nên điểm đầu vào các em rất thấp, nhiều em lần đầu tiên phải sống xa nhà dẫn đến việc học tập của các em gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, ngay từ khi mới và lớp 10, nhà trường phải tổ chức ôn tập lại kiến thức cho các em, tổ chức nhiều câu lạc bộ tự học (hầu hết các em chưa có phương pháp tự học khi vào cấp 3) để định hướng phương pháp học cho các em.
Từ những câu lạc bộ trên, các em học sinh đã hình thành cho mình một phương pháp tự học riêng cùng với việc tham gia tích cực vào các tổ, đội, nhóm học tập.
Ngoài ra, học sinh nhà trường luôn có một quyết tâm và một động lực phấn đấu rất tốt. Ngoài thời gian học trên lớp, các em tranh thủ đọc thêm tài liệu tại thư viện, tham khảo các tài liệu khác sau các giờ học chính khóa. Điều đặc biệt, các em học sinh không học thêm bất cứ một buổi nào ngoài trường.
Cũng theo chia sẻ của thầy Đạt, bên cạnh đó, xác định muốn có được kết quả học tập tốt thì phải xây dựng một môi trường kỷ cương, nề nếp và thân thiện.
Nhà trường qui định tuyệt đối học sinh không được sử dụng điện thoại di động vào bất cứ thời gian nào đã được phụ huynh cũng như học sinh đồng tình ủng hộ.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích giúp các em giải trí sau những giờ học căng thẳng bằng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các câu lạc bộ…
Nhà trường xây dựng một môi trường học tập rất thân thiện được học sinh biết đến bằng câu nói: trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em.
Vượt qua những khó khăn về điều kiện kinh tế gia đình, về xuất phát điểm thấp của mình, bằng sự nỗ lực rất lớn của học sinh và sự tận tâm, tận tình của các thầy cô giáo để các em đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
Thành tích của các em là minh chứng cho một nỗ lực quyết tâm của học sinh cũng như những bước đi đúng đắn của Nhà trường.