Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 24/7: Hà Nội chính thức ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới

Long An tìm nhà đầu tư vào 2 dự án nhà ở xã hội; Chủ 'biệt phủ đẹp nhất Cà Mau' vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Bình Thuận không có dự án nộp tiền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm; Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhiều điểm nghẽn;... là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý.

Hà Nội chính thức ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định số 45/2024/QĐ-UBND về việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024. Quyết định này sẽ làm căn cứ tính thu tiền thuê đất, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê, thu tiền sử dụng đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Hà Nội chính thức ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới/Ảnh minh họa

Hà Nội chính thức ban hành hệ số điều chỉnh giá đất mới/Ảnh minh họa

Cụ thể, chi tiết hệ số điều chỉnh giá đất như sau:

Đất nông nghiệp, lâm nghiệp và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản: Hệ số điều chỉnh là 1,0.

Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ:

Các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng: Hệ số 1,40 (phi nông nghiệp), 1,70 (thương mại dịch vụ).

Các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ: Hệ số 1,35 (phi nông nghiệp), 1,60 (thương mại dịch vụ).

Các quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm: Hệ số 1,28 (phi nông nghiệp), 1,50 (thương mại dịch vụ).

Hệ số điều chỉnh giá đất ở vượt hạn mức:

4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng: Hệ số cao nhất là 2,00.

Quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ: Hệ số 1,75.

Quận Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm: Hệ số 1,70.

Các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, các xã giáp ranh nội thành, thị trấn các huyện: Hệ số 1,65.

Các xã còn lại thuộc các huyện: Hệ số 1,50.

Các xã của thị xã Sơn Tây, thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ: Hệ số 1,35.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/7/2024, thay thế Quyết định số 35/2023/QĐ-UBND ngày 22/12/2023. Quyết định số 46/2024/QĐ-UBND ngày 18/7/2024 cũng được ban hành, làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá, thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất và các mục đích khác theo quy định pháp luật.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tại kỳ họp thứ 17 vào ngày 2/7.

Long An tìm nhà đầu tư vào 2 dự án nhà ở xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An vừa thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đầu tư thực hiện 2 dự án nhà ở xã hội, theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Mục tiêu đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo quy định pháp luật về nhà ở. Chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, dự án nhà ở xã hội tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa có diện tích 9,62 ha, trong đó diện tích xây dựng nhà ở là 3,5 ha với khoảng 2.991 căn hộ chung cư và quy mô dân số khoảng 7.505 người. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 3.935 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là 3.551 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng hơn 383 tỷ đồng.

Còn với dự án nhà ở xã hội tại xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa có diện tích 9,53 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở là 3 ha, được quy hoạch khoảng 2.895 căn hộ chung cư với quy mô dân số khoảng 7.283 người. Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 3.708 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án 3.478 tỷ đồng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 230 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án 4 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất).

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cũng yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các nhà đầu tư đến hết ngày 29/8/2024.

Chủ “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Đến ngày 23/7, ông H.A.T., chủ nhân của căn “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau”, vẫn chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất dù thời hạn đã hết.

Chủ “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Chủ “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tại buổi họp báo và giao ban báo chí quý II/2024, ông Tăng Vũ Em, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết ông H.A.T. chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo Quyết định số 7309.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh và clip về quá trình xây dựng biệt phủ của ông T., nằm trên phần đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

UBND TP Cà Mau cho biết, công trình của ông T. được xây dựng trên hai thửa đất nuôi trồng thủy sản, bao gồm khối nhà chính diện tích 294,79 m² và nhà cặp hàng rào diện tích 339,74 m². Sau khi phát hiện vi phạm, chính quyền đã yêu cầu tạm ngừng thi công và ông T. đã gửi đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

UBND TP Cà Mau từng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 583 m² theo Quyết định 195/QĐ-UBND nhưng sau đó hủy bỏ quyết định này. Do đó, yêu cầu của ông T. không có cơ sở. UBND TP Cà Mau đề nghị ông T. thực hiện thủ tục về đất đai theo Quyết định số 7309 với diện tích 2.261,58 m². Nếu không, ông T. phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, đặc biệt là diện tích 1.303,22 m² không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của thành phố.

Bình Thuận không có dự án nộp tiền sử dụng đất trong 6 tháng đầu năm

Tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh Bình Thuận cho biết nguồn thu từ tiền thuê đất đạt 213 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán. Tuy nhiên, nguồn thu từ tiền sử dụng đất ở cấp tỉnh không có dự án nào phát sinh, trong khi ở cấp huyện đạt gần 315 tỷ đồng, chủ yếu từ các hộ gia đình và cá nhân.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của Bình Thuận tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 12,99%, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của ngành sản xuất và phân phối điện, cùng với sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 53.452 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 423,9 triệu USD, tăng 4,78% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đến ngày 20/7 là 6.000 tỷ đồng, bằng 60,01% dự toán, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 tăng 8-8,5%, Bình Thuận xây dựng hai kịch bản:

Đạt 8% với tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm là 8,8% và đạt 8,5% với tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm là 9,7%.

Ông Nguyễn Đức Hải Tùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng, tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Bình Thuận sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như cảng hàng không Phan Thiết, các tuyến đường ĐT.719, ĐT.719B, kè sông Cà Ty, công viên sinh thái ngập nước Hùng Vương, hồ chứa nước Ka Pét và các dự án chung cư.

Địa phương này cũng tập trung vào việc xác định giá đất cụ thể để các chủ đầu tư nộp tiền thuê đất và tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản, môi trường và kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai theo quy định.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhiều điểm nghẽn

Mới đây, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì cuộc họp giữa Đoàn giám sát của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, số lượng nhà ở xã hội hiện tại thiếu hụt xa so với nhu cầu, hầu hết các địa phương không đạt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, và việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp nhiều điểm nghẽn. Các vấn đề bao gồm thiếu quỹ đất, khó khăn trong việc bố trí và sử dụng quỹ đất, thiếu vốn đầu tư từ ngân sách, và các thủ tục hành chính phức tạp.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị các bộ, ngành sớm quy định điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội và đơn giản hóa quy trình xin cấp phép đầu tư cho các dự án bất động sản.

Thực tế cho thấy, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế: nguồn cung còn hạn chế, giá nhà ở xã hội còn cao so với thu nhập của người dân, quản lý Nhà nước về nhà ở xã hội còn yếu kém, tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp, và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách chưa đủ.

Theo Chỉ thị 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đảm bảo 100% người có công với cách mạng và gia đình họ được chăm lo tốt về nhà ở, đồng thời thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-247-ha-noi-chinh-thuc-ban-hanh-he-so-dieu-chinh-gia-dat-moi-714786.html