Điểm trùng hợp giữa các nạn nhân trong vụ tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ
Vào thời điểm cư dân thành phố Baltimore ở Mỹ đang ngủ say, một tàu hàng cỡ lớn trôi dạt do đột ngột mất động cơ, đâm vào cầu Francis Scott Key và khiến nó đổ sập chỉ trong thoáng chốc.
Một trong số 6 nạn nhân trong vụ sập cầu ở Mỹ
Nếu vụ tai nạn xảy ra vào ban ngày, đó có thể sẽ là thảm kịch vì có tới hàng trăm xe hơi và xe tải thường xuyên di chuyển qua cây cầu. Ngoài ra, cảnh sát Mỹ đã sớm đưa ra cảnh báo, chặn các phương tiện còn di chuyển gần khu vực cầu vào ban đêm.
Nhưng thảm kịch vẫn gây ra mất mát về người. Ít nhất 6 người được cho là đã thiệt mạng. Họ là các công nhân xây dựng đang làm công việc bảo trì cây cầu. Đây là kiểu công việc mà ít người ở Mỹ chú ý đến và phải làm vào ban đêm, ở thời điểm ít người qua lại.
Theo CNN, tất cả 6 nạn nhân đều là người nhập cư, đến Mỹ từ Mexico và các nước Trung Á với hi vọng tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi năm, ước tính có hàng triệu người đổ xô đến biên giới, tìm cách được nhập cư vào Mỹ.
Một bộ phận người nhập cư chấp nhận làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm mà người dân ở Mỹ không muốn làm.
Tính đến ngày 28/3, thi thể của hai trong số 6 công nhân xây dựng đã được nhà chức trách tìm thấy. Cuộc tìm kiếm đã dừng lại và 4 người còn lại được cho là đã chết.
Sự cố gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động kinh tế ở bang Maryland, khiến cảng Baltimore phải ngừng hoạt động.
Một trong số những người thiệt mạng là Miguel Luna, người nhập cư đến từ El Salvador. Anh đã sống ở bang Maryland trong 19 năm. Một nạn nhân khác, Maynor Yassir Suazo Sandoval, là người Honduras đã tới Mỹ được 18 năm, có con trai 18 tuổi và con gái 5 tuổi. Những nạn nhân còn lại là người Guatemala và Mexico.
Ở thời điểm vụ tai nạn xảy ra, có 7 người rơi xuống vùng nước lạnh giá và chỉ một người được kịp thời giải cứu. Thông thường, người di cư làm những công việc mà người khác không muốn làm. Đó là những công việc có mức lương thấp và điều kiện tồi tệ nhất. Một số làm như vậy để có tiền nuôi gia đình ở Mỹ, đặt nền móng cho các con cháu có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhiều người gửi tiền về quê hương để hỗ trợ người thân sống ở các nước có nền kinh tế kém phát triển hơn. Theo ngân hàng trung ương Mexico, những người lao động nhập cư Mexico đã chuyển hơn 60 tỷ USD kiều hối từ Mỹ về quê hương vào năm 2023.