Điểm trường khó khăn càng thêm yêu nghề
BHG - Nói về sự vất vả của nghề giáo viên, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những thầy cô giáo nơi non cao. Đặc biệt là hình ảnh những đảng viên là giáo viên cắm bản, những người hàng ngày phải vượt qua bao khó khăn, thiếu thốn để cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho sự nghiệp trồng người. Những ngày mùa đông này, chúng tôi có dịp được trò chuyện với những đảng viên gieo chữ ở những điểm trường thuộc diện khó khăn, vùng biên giới Hà Giang, được Bộ GD&ĐT công nhận là nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc.
Cô giáo Mường ở điểm trường Há Pia
Sinh ra ở tỉnh Hòa Bình, gần 11 năm trước, cái duyên đã đưa cô giáo người Mường Bùi Thị Khen, sinh năm 1986, đến với Hà Giang. Cô Khen nhận công tác ở xã Sủng Trái, một trong những xã khó khăn nhất ở huyện Đồng Văn. Nhớ lại những ngày đầu, cô Khen cho biết: Ban đầu đến với quê đá Sủng Trái, mọi thứ vất vả lắm, thiếu nước sinh hoạt, không điện, dân cư thưa và… rất buồn, đặc biệt là vào mùa đông, những ngày sương mưa kín trời, đứng cách nhau 1 - 2m mà nhìn không rõ mặt người. Trên này bà con chủ yếu là đồng bào Mông, rất ít nói tiếng phổ thông, vì thế việc vận động học sinh đến lớp không dễ. Để vận động được học sinh đến trường và có thể giữ chân các em, dạy được các em, em phải nỗ lực học tiếng Mông. Từ đó, em gắn bó 10 năm với điểm trường Há Pia, nơi mà phải 5 năm sau khi em đến mới có điện.
Hơn 10 năm dạy ở Trường PTDT Ban trú Tiểu học Sủng Trái, là 10 mùa đông gắn với điểm Há Pia lặng lẽ, bao thế hệ học trò đã qua, cô Bùi Thị Khen đã thực sự thành người con của bản. Cô xây dựng tổ ấm rồi cùng chồng vượt qua bao khó khăn. Hỏi về cuộc sống, cô Khen nói, nhiều người vẫn bảo rằng làm cô giáo vùng cao lương cao lắm, họ cứ tưởng là được 15 triệu/ 1 tháng. Nhưng sự thực, như em dạy ở xã vùng 3 với 10 năm công tác, lương cũng chỉ có 8,5 triệu đồng/ tháng. Ở những chỗ có điều kiện thì ngoài giờ lên lớp, nhiều người còn có cơ hội làm thêm việc này, việc kia, nhưng ở trên này thì chỉ có cô, trò, điểm trường và giáo án. Đôi lúc em cũng có ý nghĩ chuyển nghề, nhưng ngày tháng qua đi, được chồng luôn ủng hộ và được các cấp, ngành động viên, dù vất vả, nhưng khi nhìn lại những kết quả mình đã làm, em cũng thấy vui và muốn phấn đấu tốt hơn nữa.
Dạy và học ở một nơi khó khăn, với gần 100% học sinh là con em đồng bào Mông, với tình yêu nghề, cô Khen luôn chịu khó nghiên cứu, tìm tòi những biện pháp dạy học hiệu quả, đặc biệt là phương pháp dạy môn Toán cho học sinh dân tộc ít người lớp 1. Vượt lên tất cả, cô giáo, đảng viên Bùi Thị Khen luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với 10 năm gieo chữ ở điểm trường Há Pia, cô Khen được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc.
Hạnh phúc ở điểm trường Thèn Pả
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, năm 2008, cô giáo người Tày Vi Thị Dinh, sinh năm 1986, ở xã Bằng Hành, Bắc Quang, nhận quyết định công tác tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Thượng Phùng, Mèo Vạc. Thượng Phùng là xã biên giới, địa hình núi đá, chia cắt mạnh, tại đây cô Dinh được phân công về điểm trường Thèn Pả, cách trung tâm xã 12km. Cô giáo Dinh tâm sự, nơi đây vào mùa đông thường gió rét, sương mù dày đặc, có những ngày còn xuất hiện băng giá, nhiệt độ xuống thấp khiến đời sống sinh hoạt của thầy cô và các em học sinh vô cùng khó khăn. Cho đến năm học này, em đã dạy ở điểm trường Thèn Pả được 14 năm rồi đấy.
Hạnh phúc đến với cô Dinh, khi tại điểm trường Thèn Pả khó khăn - nơi tình yêu nảy nở, cô lập gia đình với thầy giáo Mai Đức Tiệp, người dạy cùng điểm trường và đến nay cô thầy đã có một tổ ấm tại điểm trường với 2 đứa con. Có lẽ chính tổ ấm gia đình và tình yêu nghề đã giữ chân cô Dinh, thầy Tiệp coi điểm trường như là nhà. Với 14 năm dạy học tại điểm trường Thèn Pả là 14 mùa đông, 2 đảng viên Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp vượt qua muôn vàn thử thách ở nơi thiếu nước và thiếu thốn đủ thứ, nơi mà cái ăn, cái uống phải mua dự trữ cả tuần, thậm chí cả tháng, cùng với đó là muôn bàn khó khăn khi lúc con cái ốm đau...
Cô Dinh tâm sự, ở điểm trường Thèn Pả, hầu như 100% học sinh là người Mông, như năm học này, điểm có 60 em đều là người Mông. Ở đây, ngoài việc phải nỗ lực vận động các em đến trường, còn phải coi trẻ như con để giữ chân các em ở lại lớp học cái chữ. Do hạn chế về khả năng giao tiếp tiếng phổ thông, nên việc tiếp cận kiến thức của các em còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, vợ chồng em đã học tiếng Mông và luôn linh hoạt để tìm các biện pháp phù hợp nhất nhằm truyền đạt kiến thức, giúp các em tiếp thu bài học hiệu quả.
Với những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với điểm trường Thèn Pả, 2 đảng viên Vi Thị Dinh và Mai Đức Tiệp vinh dự được Bộ GD&ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc. Vừa qua, nhân kỷ niệm 40 năm, ngày Nhà giáo Việt Nam, 2 vợ chồng cô và thầy còn vinh dự cùng với gần 40 thầy cô giáo toàn quốc được diện kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thủ đô Hà Nội.
Vượt khó, yêu nghề nơi điểm trường Tả Ván
Thôn biên giới Tả Ván, xã Xín Chải, Vị Xuyên là thôn có 100 hộ đồng bào Dao sinh sống. Điểm trường mầm non nơi đây có một đảng viên giàu nghị lực, yêu nghề, đó là cô giáo có thân hình nhỏ bé, Nguyễn Thị Thu Hường, sinh năm 1987 tại Sơn Dương, Tuyên Quang. Được biết, do hoàn cảnh gia đình, cô Hường một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống khá vất vả. Cô giáo Trần Kim Ngân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Xín Chải cho biết: Không vì hoàn cảnh gia đình mà cô Hường quên đi trách nhiệm công việc. Cô hiện tại là Chi ủy viên Chi bộ, Thư ký Hội đồng nhà trường, Tổ trưởng chuyên môn và là một giáo viên có năng lực, yêu nghề và nhiệt huyết.
Cô Hường cho biết: Trước nhiều khó khăn ở thôn biên giới Tả Ván, học sinh nơi đây đa phần chưa nói sõi tiếng phổ thông, chưa tự tin giao tiếp với bạn bè, trách nhiệm của những người đảng viên, giáo viên như em lại càng phải nâng lên, tâm huyết với công việc để có thể giúp các con tự tin hòa nhập, trang bị đủ kỹ năng để các con vững vàng bước vào tiểu học. Để làm được điều này, em cùng đồng nghiệp ở điểm trường Tả Ván đã không quản ngại đi vận động phụ huynh quan tâm, cho con ra lớp, khi về nhà chú ý rèn thêm kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
Được biết, Tả Ván là điểm trường khó khăn nhất trong các điểm trường mầm non ở Xín Chải. Vào ngày mưa, để lên điểm các cô giáo phải mất gần 1 tiếng đồng hồ. Vừa rồi xã kết hợp với nhà trường xin được tài trợ xây dựng 1 lớp học cấp 4. Điểm trường còn mới và nhiều thiếu thốn, chưa có điều kiện trang trí cũng như cải tạo khuân viên, cô Hường không quản ngại, tự nguyện xin lên điểm Tả Ván cùng đồng nghiệp cải tạo khuân viên cũng như trang trí môi trường lớp học thân thiện, lôi cuốn các em học sinh đến trường. Với sự năng động, sáng tạo của cô Hường, cô đã mạnh dạn đăng ký đề tài sáng kiến, đưa ra 1 số giải pháp khắc phục khó khăn tại điểm trường, tổ chức sáng tạo tiết dạy lấy trẻ làm trung tâm, tận dụng những nguyên vật liệu như lau sậy, chít, tre, nứa, đá... để sáng tạo ra những đồ dùng dạy học gần gũi với trẻ. Những nỗ lực của cô Hường được đồng nghiệp, nhà trường, Sở GD&ĐT đánh giá cao.
Nhiệt huyết, yêu nghề, đảng viên Nguyễn Thị Thu Hường đã 2 lần được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; cô được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước ngành Giáo dục, giai đoạn 2015-2020. Tận tâm với nghề, cô xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc toàn quốc.
Hà Giang còn rất nhiều những điểm trường biên giới trong mây, nơi vùng sâu, vùng xa, ở nơi đó có rất nhiều cô thầy vẫn ngày đêm vượt khó, lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Vì thế, chúng ta càng thêm trân trọng những người thầy, những đảng viên gieo chữ trên non.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202211/diem-truong-kho-khan-cang-them-yeu-nghe-1606fe0/