Điểm tựa bình yên

Cuối tuần, căn nhà của Đại úy Nguyễn Ngọc Tân, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội vui vẻ, nhộn nhịp hơn khi cả gia đình được sum vầy, chuẩn bị cho chuyến về thăm ông bà nội, ngoại sau ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi).

Tuy cùng làm ở thành phố nhưng các con ít được gặp bố bởi do tính chất công việc, anh Tân thường xuyên làm nhiệm vụ. Vợ anh - chị Bùi Thị Huyền, giáo viên Trường Mầm non Sisu Steam (Vinhomes Smartcity Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) dường như cũng “đã quen” với điều đó. Vì vậy, mỗi khi các con thắc mắc vì sao bố ít khi có mặt ở nhà, chị luôn nhẹ nhàng giải thích cho con nghe, để con càng yêu thương bố nhiều hơn.

Chị Bùi Thị Huyền và hai con. Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Bùi Thị Huyền và hai con. Ảnh do nhân vật cung cấp

Năm 2020, anh chị quen nhau tình cờ qua mạng xã hội Facebook. Sau một thời gian trò chuyện, họ hẹn gặp mặt tại hồ Gươm (Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên về chàng sĩ quan trẻ thật khác so với những gì nàng tưởng tượng và từng nói chuyện qua điện thoại. Tân đẹp trai, phong trần, có nụ cười rất cuốn hút. Buổi tối hôm đó, cả hai đi bộ quanh hồ, Tân rất kiệm lời; thay vào đó, chị Huyền chủ động hỏi thăm công việc, cuộc sống và cuốn anh vào câu chuyện của mình. Về đến nhà, anh nhắn tin thú nhận, khi đứng trước hàng quân tự tin bao nhiêu thì đứng trước Huyền anh lại bối rối, hồi hộp bấy nhiêu.

Cảm nhận được sự chân thành của Tân, trái tim Huyền cũng rung lên những nhịp đập xao xuyến. Đơn vị Tân cách nhà Huyền 13km. Cuối tuần, được nghỉ tranh thủ anh tìm lý do để đến thăm chị. Tuần nào Tân bận, Huyền lại đến đơn vị thăm anh. Tình cảm của cả hai cứ thế ngày càng phát triển và ngày 1-1-2021, họ chính thức về chung một nhà.

Cuộc sống vợ chồng trẻ có những khó khăn, vất vả nhất định. Nhất là khoảng thời gian chị mang thai, mặc dù nhà cách đơn vị không xa lắm nhưng anh Tân ít khi được về bởi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chị Huyền trở dạ sớm hơn so với dự sinh, chỉ kịp gọi điện thông báo cho anh, chị tự bắt taxi vào nhập viện. Trường hợp khẩn cấp, bác sĩ chỉ định chị phải mổ cấp cứu để bắt thai, cũng vừa lúc anh có mặt kịp thời ký giấy mổ theo yêu cầu của bệnh viện. Nghe bác sĩ thông báo mẹ tròn con vuông, anh lại vội vàng trở về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Những ngày sau đó, mình chị trong viện vừa tự lo cho mình vừa chăm con nên tủi thân vô cùng... Các y sĩ, bác sĩ của khoa và những bệnh nhân xung quanh biết chồng chị là bộ đội nên rất thông cảm, mỗi người một chân một tay đỡ đần mẹ con chị, khiến chị vừa cảm thấy xúc động pha lẫn niềm tự hào.

Khi con được 17 ngày tuổi, giãn cách xã hội được gỡ bỏ cũng là lúc anh được về nhà. Nhìn thấy anh, chị tủi thân bật khóc nức nở khiến anh chỉ biết lóng ngóng ôm chị và con thật chặt vào lòng. Do yêu cầu nhiệm vụ, chuyện anh có mặt ở nhà cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tháng 8-2024, chị sinh cháu gái thứ hai Nguyễn Ngọc Nguyên Chi. Lần này anh được về phép 9 ngày để chăm vợ, thêm sự hỗ trợ của hai bên nội ngoại và có kinh nghiệm chăm con hơn nên chị thấy đỡ vất vả phần nào.

Nói về tổ ấm gia đình, chị Huyền tâm sự: “So với các chị em hậu phương khác, tôi vẫn thấy mình may mắn hơn rất nhiều, bởi đơn vị anh cách nhà không xa. Nếu anh không về thăm nhà do yêu cầu nhiệm vụ, mẹ con tôi có thể tranh thủ đến thăm anh và đồng đội. Với tôi, hạnh phúc là được thấy các con khôn lớn từng ngày và bên cạnh luôn có chồng yêu thương, thấu hiểu”.

TRẦN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-tua-binh-yen-797316