Điểm tựa cho lao động nữ

Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo của đội ngũ cán bộ nữ công, đời sống vật chất tinh thần cũng như quyền lợi của lao động nữ được quan tâm, chăm lo.

Công đoàn các cấp trong tỉnh tập huấn công tác nữ công

Công đoàn các cấp trong tỉnh tập huấn công tác nữ công

Đảm nhận vai trò Trưởng ban Nữ công quần chúng, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH B’Lao Sport, khu công nghiệp Phong Điền từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Ngọc Ái Trâm luôn làm tròn vai. Với chuyên môn là nhân viên y tế và phụ trách về quan hệ lao động, bản thân bà Trâm chịu khó học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp. Bà dành nhiều thời gian lắng nghe, quan tâm đến các lợi ích của lao động nữ, đảm bảo cho cán bộ, công nhân nữ hưởng đủ các chế độ khám thai định kỳ, chế độ thai sản, các chế độ con nhỏ, không tổ chức tăng ca cho lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy. Bà đồng hành giải đáp mọi thắc mắc, tư vấn sức khỏe cho lao động nữ trong thời gian mang thai.

Trưởng ban Nữ công quần chúng Nguyễn Ngọc Ái Trâm còn tích cực tham mưu, thương lượng chăm lo và cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho lao động nữ, trong đó tập trung các vấn đề liên quan bếp ăn tập thể, nhà vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Công đoàn thường tổ chức phần ăn thêm như bánh bông lan, sữa chua, sữa trái cây cho toàn bộ đoàn viên, người lao động. Chị Nguyễn Thị Quyên, công nhân công ty cho biết, từ những việc làm của Ban Nữ công quần chúng, lao động nữ chúng tôi được hưởng thêm nhiều chế độ phúc lợi và được trang bị kiến thức, hiểu biết về bình đẳng giới, về lao động cưỡng bức, chính sách về quấy rối hoặc lạm dụng, phân biệt đối xử để bảo vệ quyền lợi bản thân tại nơi làm việc. Vào những ngày lễ lớn của phụ nữ, chị em đều được gặp mặt, giao lưu và tặng quà.

Vừa là Trưởng ban Nữ công quần chúng vừa là Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, bà Lê Thị Thu Nam có nhiều hoạt động vì quyền lợi cho lao động nữ. Bà Nam cho biết, thời gian qua, Ban Nữ công và Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã vận động đoàn viên, người lao động đóng góp xây dựng “Quỹ Mái ấm công đoàn” được 600 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 35 “Mái ấm công đoàn” cho các đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, trong đó đa phần là nhà ở cho lao động nữ. Tổ chức những hội thi, hội diễn văn nghệ tạo sân chơi, chăm lo đời sống tinh thần cho nữ công nhân lao động. Đồng thời, vận động được hàng trăm triệu đồng để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ cho nữ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc, giáo dục con em. “Bản thân tôi chủ động hướng dẫn ban nữ công quần chúng, công đoàn cơ sở thành lập câu lạc bộ sức khỏe sinh sản và pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, giúp ban nữ công quần chúng, công đoàn cơ sở linh hoạt được thời gian tổ chức sinh hoạt phù hợp với đặc thù làm việc theo ca của công nhân lao động nữ”, bà Nam chia sẻ.

Chị Nguyễn Ngọc Ái Trâm và chị Lê Thị Thu Nam là hai trong 75 cán bộ nữ công tiêu biểu được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tuyên dương nhân dịp 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Họ đại diện cho đội ngũ cán bộ nữ công trên địa bàn tỉnh luôn trăn trở có những mô hình hay, cách làm sáng tạo để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho lao động nữ.

Theo bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cán bộ nữ công là hạt nhân của ban nữ công quần chúng. Họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tham mưu xây dựng, kiểm tra, giám sát chính sách pháp luật về những vấn đề liên quan đến lao động nữ như các chính sách về lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, nuôi con nhỏ.

Thời gian qua, các ban nữ công quần chúng trên địa bàn tỉnh vận động đội ngũ lao động nữ thực hiện có hiệu quả phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; thành lập các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, trang bị kiến thức kỹ năng sinh sản cho lao động nữ, tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật lao động liên quan đến lao động nữ và trẻ em. Phối hợp các đơn vị, cá nhân nhà hảo tâm để lao động nữ được hưởng phúc lợi là khám bệnh miễn phí, tặng áo dài cho lao động nữ.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt cũng cho biết, để cán bộ nữ công nói riêng, ban nữ công quần chúng nói chung chăm lo bảo vệ tốt hơn cho lao động nữ trong tình hình mới, LĐLĐ tỉnh đang chỉ đạo công đoàn các cấp nâng cao chất lượng hoạt động ban nữ công quần chúng, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, duy trì, phát triển các mô hình hỗ trợ lao động nữ hiệu quả. Về phía LĐLĐ tỉnh, sẽ tập huấn cho đội ngũ cán bộ nữ công cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở kỹ năng tổ chức hoạt động quần chúng, kỹ năng đại diện cho lao động nữ, nhất là tại các doanh nghiệp. Qua đó, giúp các ban nữ công quần chúng có kỹ năng thương lượng với người sử dụng lao động, thỏa thuận được các điều có lợi hơn cho lao động nữ.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/diem-tua-cho-lao-dong-nu-143391.html