Điểm tựa cho nhân dân vùng biển

Huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau) là địa bàn có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế thủy sản và biển; thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh. Trên địa bàn có nhiều cửa sông thông ra biển, trong đó, cửa Cái Đôi Vàm mỗi ngày có gần 100 phương tiện lớn, nhỏ hoạt động khai thác thủy sản ra vào làm ăn, giao thương hàng hóa. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân trên địa bàn luôn ổn định và phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm trao đổi với ngư dân về tình hình trên biển. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm trao đổi với ngư dân về tình hình trên biển. Ảnh: Lê Khoa

Vượt khó bám biển

Những năm gần đây, thời tiết ở khu vực huyện Phú Tân diễn biến bất thường, thường xuyên xuất hiện giông lốc, áp thấp nhiệt đới; nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, giá cả các mặt hàng thủy sản lên xuống bấp bênh; chi phí và nhiên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn lao động khan hiếm, nhưng không vì thế mà ngư dân vùng biển này chịu lùi bước. Nhiều hộ dân ở các xã ven biển của huyện Phú Tân đã mạnh dạn đầu tư vốn đóng mới, nâng cấp phương tiện và mua sắm ngư lưới cụ, chuyển đổi ngành nghề khai thác biển.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 525 phương tiện đang hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên các vùng biển bằng các nghề câu mực, giã cào, lưới ba, lưới sáu, đóng đáy... Ngoài ra, còn có 312 phương tiện công suất dưới 20CV hoạt động các nghề truyền thống gần bờ.

Điển hình như gia đình ông Lưu Văn Quặn (Tám Quặn), ngụ tại khóm 3, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân có 3 phương tiện đang hoạt động nghề câu mực. Hơn 10 năm trước, thế hệ của ông Quặn được xem là thời hoàng kim của nghề đánh bắt thủy sản, vì nguồn lợi thủy sản vô cùng phong phú. Mỗi chuyến đi biển về, tàu nào cũng đầy ắp tôm cá, nhưng sự hào phóng của biển không còn nữa vì công tác quản lý và ý thức đánh bắt, khai thác của ngư dân đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Anh Lưu Tấn Tài, con trai ông Tám Quặn được kế thừa nghề đi biển của cha và hiện đang làm chủ phương tiện CM 97812 TS chia sẻ, những năm trước đây, nhà nhà đóng tàu đi biển vì sản lượng đánh bắt cao, bán có giá, chi phí thấp... Hiện nay, nghề biển tuy gặp khó khăn nhưng vẫn là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thời điểm, giá nhiên liệu tăng cao, lao động đi biển không có, hoặc có nhiều chủ tàu bị ngư phủ vay mượn tiền rồi bỏ trốn, nhưng không vì thế mà nghề đánh bắt, khai thác thủy sản ngừng trệ.

Anh Tài cho biết thêm: Để duy trì và hoạt động hiệu quả, nhiều chủ phương tiện đã chủ động đầu tư nâng cấp phương tiện với công suất lớn, mua sắm thêm ngư cụ, chia tiền công cao hơn với lao động để duy trì hoạt động liên tục. Tuy nhiên, ngư dân vùng biển Cái Đôi Vàm gặp rất nhiều khó khăn, đó là cửa biển bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào mắc cạn hoặc không thể vào bên trong, phải neo đậu bên ngoài, rất nguy hiểm khi có sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, người mua hàng cũng hạ bớt giá sản phẩm vì phải mất thêm công đoạn trung chuyển thủy sản từ bên ngoài cửa biển vào bờ.

Từ điều kiện thuận lợi ra vào làm ăn trên biển, địa bàn các xã, thị trấn ven biển của huyện Phú Tân đã thu hút một lượng lớn lao động phổ thông từ nhiều địa phương khác về cư trú làm ăn, trong đó có không ít đối tượng lợi dụng tình hình để trộm cắp tài sản, ngư lưới cụ của ngư dân, sử dụng kích điện, thuốc nổ đánh bắt thủy sản...

Đồng hành với ngư dân

Trung tá Nguyễn Việt Khái, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm cho biết, đơn vị phụ trách địa bàn 3 xã gồm Tân Hải, Phú Tân, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân thuộc khu vực biên giới biển. Những năm qua, tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Phú Tân nói riêng luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới biển của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

“Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm đã phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự và chính quyền địa phương các tổ an ninh tự quản trên địa bàn và trên biển. Đặc biệt, thành lập các đội tàu thuyền an toàn, trung đội dân quân tự vệ biển đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền vùng biển; bảo vệ ngư dân trong quá trình lao động sản xuất, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển và thông báo kịp thời cho các cơ quan chức năng về tình hình vi phạm an ninh trật tự trên biển” - Trung tá Nguyễn Việt Khái thông tin thêm.

Đến nay, Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm đã xây dựng được 4 đội tàu thuyền an toàn gồm 34 phương tiện. Hằng tháng, sau khi hết con nước đi biển, ngư dân về bến thì cán bộ Biên phòng đều đến nhà tổ trưởng để gặp gỡ thăm hỏi, nắm bắt thông tin về quá trình hoạt động của ngư dân trên biển, đồng thời thông báo những chủ trương, quy định mới của Nhà nước cho ngư dân nắm. Đặc biệt, đơn vị vận động bà con lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cam kết không đánh bắt sang vùng biển nước ngoài và tích cực tham gia bảo vệ nguồn tài nguyên biển... Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 11-2020, Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm và các đội tàu thuyền an toàn đã phối hợp tổ chức cứu vớt 11 ngư dân gặp nạn trên biển đưa vào bờ an toàn.

Điển hình, vào 17 giờ, ngày 18-9, trên khu vực cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân xảy ra mưa giông do ảnh hưởng của bão số 5, tàu cá CM 99740 TS của ông Nguyễn Văn Phỉnh, ngụ tại khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm bị trôi dạt, mắc cạn sát bìa rừng phòng hộ thuộc địa phận thị trấn Cái Đôi Vàm. Sau khi nhận được tin và được sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau, Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm đã cử 12 cán bộ, chiến sĩ, đồng thời huy động thêm 4 tàu đánh cá của ngư dân địa phương ra biển hỗ trợ cứu hộ tàu mắc cạn. Sau hơn 2 ngày nỗ lực, lực lượng cứu hộ đã đưa người và phương tiện vào bờ an toàn.

Sự chung tay của Đồn Biên phòng Cái Đôi Vàm thực sự là điểm tựa vững chắc để người dân biển phát triển kinh tế-xã hội, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cho-nhan-dan-vung-bien-post436091.html