Điểm tựa cho những người yếu thế nơi chân sóng
Nguồn vốn của Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đang ngày càng trở thành 'điểm tựa' vững chắc, là động lực giúp những hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, người yếu thế ở những ngôi làng ven biển ổn định cuộc sống.
Chị Đỗ Thị Chanh là một trong những khách hàng thân thiết của TCVM Thanh Hóa.
Bám sát tầm nhìn, sứ mệnh của Tổ chức TCVM Thanh Hóa xuyên suốt qua các thời kỳ, Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Hoằng Hóa luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng địa bàn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng là những hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, yếu thế, doanh nghiệp vi mô... Sau nhiều nỗ lực, đến nay Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Hoằng Hóa hoạt động trên địa bàn 6 huyện, 70 xã, với 5.800 thành viên có dư nợ vốn vay; dư nợ gốc 147,2 tỷ đồng. Trong các địa bàn hoạt động của Chi nhánh Hoằng Hóa có 3 huyện ven biển là Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa.
Khách hàng vay vốn TCVM Thanh Hóa tại các địa bàn này phần lớn làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, buôn bán hải sản nhỏ lẻ, nghề thủ công, nông nghiệp. Đất đai thuộc vùng ven biển nên chỉ trồng được một số cây ngắn ngày kém hiệu quả. Trong khi đó, nghề đi biển luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng suy giảm, chi phí vận hành cho mỗi chuyến vươn khơi ngày một tăng cao... khiến cho thu nhập của người dân nơi đây giảm sút, bấp bênh. Cùng với đó, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, khả năng cập nhật các thông tin xã hội còn hạn chế, thiếu kiến thức kinh doanh, nhận thức và tiếp cận với các nguồn vốn vay thương mại còn nhiều hạn chế.
Nắm bắt được điều đó, Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Hoằng Hóa đã tập trung các nguồn lực triển khai, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là “cung cấp dịch vụ tín dụng đáp ứng nhu cầu của các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp ở vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa” thông qua hình thức vay vốn thân thiện, gần gũi.
Cán bộ, nhân viên của TCVM Thanh Hóa luôn tận tâm, sát sao nắm bắt thời gian, hoàn cảnh thích hợp để trực tiếp gặp gỡ tư vấn, hỗ trợ khách làm hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều khóa tập huấn, hướng dẫn về kiến thức quản lý và sử dụng nguồn tài chính của gia đình, phân biệt giữa “tín dụng đen” và gói tín dụng truyền thống được tổ chức. Cán bộ địa bàn kết hợp cùng với cán bộ phụ nữ các cấp luôn tuyên truyền hướng dẫn cho các thành viên vay vốn hiểu rõ sản phẩm của các gói tín dụng.
Chị Trương Thị Nương ở thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh Hoằng Hóa từ những ngày đầu thành lập để duy trì công việc chế biến nước mắm tại gia đình. Ngày ấy, hoàn cảnh gia đình chị Nương vô cùng khó khăn, chồng đi biển quanh năm, chị một mình xoay xở, vừa tất bật với công việc chế biến nước mắm vừa chăm sóc, nuôi con ăn học trong căn nhà cấp 4 lụp xụp. Từ ngày tiếp cận được với nguồn vốn vay và tham gia các khóa học về kinh doanh, quản lý tài chính do TCVM tổ chức, chị mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, sáng tạo hơn trong việc làm. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, thu nhập được cải thiện, quy mô nghề chế biến nước mắm được mở rộng. Chị Nương xúc động nói: “Nếu không có nguồn vốn vay của TCVM khi ấy, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có cơ hội, điều kiện như hôm nay”.
Chị Hoàng Thị Minh ở thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc là chi hội trưởng, điển hình trong hoạt động công tác hội phụ nữ thôn. Ngay từ những ngày đầu triển khai nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đến các thôn trong xã, chị đã mạnh dạn vay vốn để phát triển nghề buôn hải sản. Trước khi vay vốn, gia đình chị có hoàn cảnh khá khó khăn, chồng thường xuyên làm ăn xa, 3 con đang tuổi ăn tuổi học, việc tiếp cận các nguồn vốn vay thương mại hạn chế. Có vốn vay từ Tổ chức TCVM, chị mạnh dạn thu mua hải sản về sơ chế, chế biến. Đến nay, công việc ngày càng mở rộng không chỉ giúp chị cải thiện thu nhập mà còn tạo việc làm cho một số chị em trong thôn.
Tổ chức TCVM Thanh Hóa - Chi nhánh TP Thanh Hóa có 3/4 địa bàn hoạt động ở khu vực có biển, đó là: Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn. Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp trên, sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chi nhánh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Dư nợ hiện đạt hơn 198 tỷ đồng, vượt 111,2% so với cuối năm 2022; khách hàng tham gia vay vốn đạt 8.550 người, vượt 105,2% so với năm 2022. Vốn vay lãi suất ưu đãi dành cho các hộ nghèo, cận nghèo có 194 khách hàng với số tiền giải ngân trong năm 2023 lên đến 6,6 tỷ đồng... Song song với hoạt động cho vay vốn, chi nhánh còn triển khai các hoạt động phi tài chính như: Tổ chức các lớp tập huấn các kỹ năng vay vốn thông minh - tiết kiệm đúng cách; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng kinh doanh truyền thống và kinh doanh online; tham gia các hoạt động an sinh xã hội...
Mỗi khách hàng vay vốn của TCVM Thanh Hóa đều có một câu chuyện, hoàn cảnh. Chị Đỗ Thị Chanh ở thôn Bắc, xã Quảng Nham, Quảng Xương là một trong những khách hàng thân thiết của TCVM Thanh Hóa. Cuộc sống của bà mẹ đơn thân chẳng dễ dàng gì với biết bao mối lo toan, bận tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2011, chị vay vốn Tổ chức TCVM Thanh Hóa, đầu tư buôn bán hải sản. Từ nguồn vốn vay này cùng với bản tính chăm chỉ, chịu khó, tiết kiệm, công việc của chị ngày càng thuận lợi, vơi bớt khó khăn. Hiện chị là Chi hội trưởng - cụm trưởng cụm vay vốn tại thôn Bắc luôn nhiệt tình giúp đỡ nhiều chị em được tiếp cận nguồn vốn vay.
Dù bức tranh kinh tế - xã hội vùng ven biển đã “thay da đổi thịt” nhưng đời sống của nhiều người dân nơi đây vẫn còn nhọc nhằn, thiếu khó. Nguồn vốn vay của TCVM Thanh Hóa đã và đang mở ra cơ hội cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, yếu thế được tiếp cận dịch vụ tài chính thân thiện, cởi mở, góp phần tạo nên “điểm tựa”, động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, khẳng định giá trị bản thân.