Điểm tựa cho phụ nữ, trẻ em vùng cao

Tại một số địa phương miền núi trong tỉnh, các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ, góp phần tạo nên một môi trường sống an toàn và văn minh hơn cho phụ nữ và trẻ em nơi đây.

Nhiều năm trước, thôn Nguyên, xã Thanh Bồng là địa phương xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình. Chuyên viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Bồng Hồ Thị Bé (nguyên Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Hiệp cũ) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia. Khi uống rượu vào, nhiều người không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực. Cộng thêm nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong nhiều người, thậm chí ở ngay cả trong giới nữ, dẫn đến tình trạng cam chịu, sợ hãi và chấp nhận.

Trước thực trạng đó, chị Hồ Thị Bé đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà bình yên”, là cầu nối uy tín được chị em phụ nữ tin tưởng chia sẻ vấn đề bản thân đang gặp phải, để có cách hóa giải mâu thuẫn trong gia đình. Nhờ có sự gần gũi, sát sao với cuộc sống của chị em phụ nữ nên chị Bé kịp thời phát hiện nhiều trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, bạo lực gia đình. Từ đó, sớm có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ, hòa giải, không để lại hậu quả đáng tiếc.

Chị Hồ Thị Bé (ngoài cùng, bên trái) chia sẻ về kiến thức bình đẳng giới cho chị em phụ nữ.

Chị Hồ Thị Bé (ngoài cùng, bên trái) chia sẻ về kiến thức bình đẳng giới cho chị em phụ nữ.

Qua các buổi tuyên truyền, tư vấn hòa giải mâu thuẫn, chị Bé đã giúp hội viên, người dân nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ, hành vi, thực hiện tốt phòng, chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ năm 2021 đến nay, những vụ xích mích tại thôn Nguyên giảm đáng kể, không còn tình trạng bạo lực gia đình.

Chị Hồ Thị Sương, ở thôn Nguyên, xã Thanh Bồng chia sẻ, được tham gia các buổi tuyên truyền từ mô hình “Ngôi nhà bình yên”, tôi được tiếp cận các quy định pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như cách cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.

Có được gia đình êm ấm như hôm nay, gia đình chị P.T.B, ở thôn Huy Ba 2, xã Ba Động đã trải qua không ít khó khăn. Mặc dù 2 vợ chồng mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí chồng chị có hành vi bạo lực suốt thời gian dài, nhưng chị B không dám kể với ai, một phần vì cảm giác mặc cảm với hàng xóm, láng giềng.

Nguyên nhân từ việc bất đồng quan điểm, chồng chị B nghĩ rằng việc nội trợ, nấu ăn là của người vợ, người chồng chỉ đi làm về rồi ăn uống, nghỉ ngơi. Nên thời gian rảnh, chồng chị B đi uống rượu, đến lúc say thì anh không làm chủ được lời nói, hành vi của mình.

Sau khi nắm bắt thông tin gia đình chị B thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình, các thành viên của mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” ở thôn Huy Ba 2, xã Ba Động đã đến nhà, khuyên nhủ, hòa giải, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chị B chia sẻ, nhờ sự động viên, hỗ trợ từ các thành viên “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, vợ chồng tôi đã hiểu nhau hơn. Chồng tôi hạn chế uống rượu, chú tâm làm ăn phát triển kinh tế, không còn tình trạng bạo lực gia đình.

“Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là một trong những mô hình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mô hình với sự tham gia của nhiều lực lượng ở cơ sở gồm: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng các chi hội...

Trưởng thôn Huy Ba 2 Phạm Văn Đặc cho biết, mô hình “Địa chỉ tin cậy cộng đồng” đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt là giải quyết vấn đề lánh nạn trước mắt cho người bị bạo lực. Các thành viên sẽ giúp đỡ từ việc tư vấn pháp lý đến hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị bạo hành. Với người chồng có hành vi bạo lực, chúng tôi sẽ gặp, tuyên truyền riêng. Nếu không hợp tác, chúng tôi phối hợp với công an xã để có giải pháp mạnh hơn, áp dụng những quy định, hương ước riêng. Vừa răn đe, vừa mềm mỏng, mục đích là hóa giải mâu thuẫn, vợ chồng tiếp tục chung sống hạnh phúc, nuôi dạy con cái.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/diem-tua-cho-phu-nu-tre-em-vung-cao-54638.htm