'Điểm tựa' của làng Mook Đen 1
Hơn 70 năm gắn bó với vùng biên giới, già làng Siu Thiu trở thành 'điểm tựa' vững chắc của người dân làng Mook Đen 1, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Ở làng Mook Đen 1, già làng Siu Thiu được người dân rất mực kính trọng bởi ông luôn là người tiên phong trong mọi việc của làng. Hình ảnh ông đến từng nhà bảo ban người dân khi đi ngủ nhớ đóng cửa hay nhắc nhở thanh niên không tụ tập quá khuya, không uống nhiều rượu để ngày mai còn lao động đã trở nên quen thuộc với người dân trong làng.
Khi chúng tôi đến thăm nhà, già làng Siu Thiu cất vội chiếc gùi đang đan dở để ra đón khách. Ông kể: “Mấy ngày này, tôi đến thăm mấy thanh niên trong làng chuẩn bị lên đường nhập ngũ, động viên các cháu cố gắng hoàn thành tốt nghĩa vụ. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nên luôn mong muốn đóng góp sức mình để xây dựng làng ngày càng phát triển, người dân có cuộc sống ấm no. Khi còn công tác ở xã, tôi luôn hết mình, nỗ lực trong công việc. Giờ già rồi, tôi tận dụng những hiểu biết của mình để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Tôi cũng cố gắng phát huy vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.
Nhắc đến ông Siu Thiu, nhiều người dân trong làng thường kể cho nhau nghe về những đóng góp của ông để ngôi làng trở nên văn minh và ấm no. Trước đây, mỗi khi trong làng có người chết hoặc đám cưới đều tổ chức ăn uống kéo dài mấy ngày gây tốn kém, lãng phí, chưa kể nhiều người uống rượu rồi mâu thuẫn với nhau dẫn đến mất đoàn kết. Trước thực trạng đó, ông đã cùng Ban Công tác Mặt trận, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Nhờ đó, người dân trong làng không còn tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình như trước. Hay như chuyện ông vận động người dân chuyển từ cây điều sang trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.
Ông tâm sự: “Muốn mọi người nghe và tin theo thì bản thân tôi và gia đình phải gương mẫu đi đầu. Trước đây, tôi trồng 2 ha điều nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thế là tôi chuyển sang trồng cà phê. Tôi cũng cải tạo vườn nhà để trồng rau, cây ăn quả, con đường phía trước nhà thì trồng hoa. Thấy hiệu quả nên bà con làm theo. Mọi lời nói đều không có hiệu quả nếu không có việc làm để chứng minh”.
Không chỉ gương mẫu trong vận động quần chúng, phát triển kinh tế gia đình, ông Siu Thiu còn tham gia tổ tự quản an ninh trật tự của làng và luôn sát cánh cùng lực lượng Biên phòng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ông cùng tổ tự quản an ninh trật tự của làng thường xuyên tuần tra, bảo vệ địa bàn, cảm hóa, giúp đỡ những thanh-thiếu niên chậm tiến. Trò chuyện với chúng tôi, ông luôn tâm niệm, muốn phát triển kinh tế thì địa bàn phải ổn định, đám trẻ chậm tiến phải được chỉ bảo, giúp đỡ để nhanh tiến bộ.
Làng Mook Đen 1 có 242 hộ với hơn 1 ngàn khẩu, đa số là người dân tộc thiểu số, địa bàn của làng trải dài theo quốc lộ 19 nên việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông hết sức quan trọng. Chính vì thế, ông cùng tổ tự quản an ninh trật tự của làng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật.
Nhận xét về già làng Mook Đen 1, bà Lê Thị Khánh Hòa-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom-cho biết: Ông Siu Thiu được dân làng và chính quyền địa phương quý mến, tôn trọng, là tấm gương sáng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông thực hiện rất tốt các nhiệm vụ được Đảng ủy, chính quyền địa phương giao. Ông đã góp phần đưa làng Mook Đen 1 trở thành làng văn hóa, bản thân ông đã nhận được nhiều giấy khen của các cấp.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/diem-tua-cua-lang-mook-den-1-post266824.html