'Điểm tựa' của quân dân biên giới

Đội ngũ người có uy tín ở khu vực biên giới của nước ta luôn phát huy tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bằng những việc làm cụ thể, người có uy tín đã trở thành trung tâm đoàn kết, thắt chặt tình cảm quân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo bình yên trên địa bàn dân cư.

Ông Xeo Phò Um luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Ông Xeo Phò Um luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Nắm vững địa bàn, hiểu rõ lòng dân

Để phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, những người lính mang quân hàm xanh trên các tuyến biên giới luôn đề cao, phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp lòng dân. Bởi BĐBP hiểu rõ, người có uy tín được sinh ra, lớn lên, bám rừng núi biên giới để lao động sản xuất, chăm lo cuộc sống cho gia đình. Quanh năm suốt tháng mưu sinh ở biên giới, họ nắm rất rõ về đường đi, lối lại, điều kiện khí hậu ở biên giới và từng vị trí mốc giới của Tổ quốc. Không chỉ thông thạo về địa hình, thiên nhiên, người có uy tín còn hiểu rất rõ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, dân tộc mình.

Với kinh nghiệm, sự hiểu biết trong cuộc sống, người có uy tín đã giúp đỡ, chia sẻ với bà con nhân dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn, động viên, khuyến khích gia đình, dòng họ, nhân dân địa bàn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ biên giới. Không chỉ vậy, người có uy tín còn trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn trong thôn, bản, cộng đồng dân tộc, không để kẻ xấu lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực tế chứng minh, người có uy tín ở các địa phương biên giới là “thủ lĩnh” của phong trào, mô hình, do địa phương và BĐBP phát động như: "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, làng”; “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Thôn, xóm bình yên, gia đình hòa thuận”...

Nhiều năm qua, trong những buổi tuần tra biên giới của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An luôn có sự đồng hành của ông Xeo Phò Um (người có uy tín bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn) và các thành viên Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới của bản. Qua câu chuyện với những người lính Biên phòng, được biết, ông Xeo Phò Um rất tích cực phối hợp với địa phương, đồn Biên phòng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân bản về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Bằng uy tín của mình, ông đã vận động 57 hộ/293 nhân khẩu đồng bào dân tộc Khơ Mú của bản Khe Linh tham gia, duy trì hoạt động hiệu quả Tổ tự quản đường biên, cột mốc. Mỗi tháng hai lần, ông trực tiếp tham gia và đôn đốc lực lượng dân quân phối hợp với đồn Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới, cọc dấu, cột mốc.

Khi được hỏi, ông Xeo Phò Um chia sẻ: “Tôi luôn nhắc nhở con cháu rằng, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của mỗi người dân, chứ không phải riêng BĐBP. Muốn có cuộc sống bình yên thì nhân dân phải hỗ trợ, cung cấp những thông tin liên quan cho BĐBP, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, không để cho kẻ xấu có cơ hội phá hoại. Tôi trực tiếp tham gia, rồi vận động các con, thanh niên trong bản đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu tuần tra biên giới”.

Thiết thực tri ân người có uy tín

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của đội ngũ người có uy tín, Đảng, Nhà nước ta đã có những chính sách quan tâm đặc biệt để chăm lo cho đối tượng này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và được thay thế bởi Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 để triển khai thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021-2030 dành một dự án riêng triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho người có uy tín.

Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Keng Đu và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Lê Thạch

Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Keng Đu và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Lê Thạch

Ở khu vực biên giới, đội ngũ người có uy tín thực sự là “điểm tựa” của nhân dân và những người lính Biên phòng trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu người dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng vào tháng 11/2023, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP khẳng định: “Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giữ vai trò rất lớn trong việc phối hợp với BĐBP thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đội ngũ người có uy tín là nhân tố trung tâm trong thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới có các hoạt động thiết thực chăm lo, tri ân đối với đội ngũ người có uy tín”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, cùng với những chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, BĐBP tại các tỉnh, thành biên giới đã có nhiều hoạt động tri ân với đội ngũ người có uy tín tại địa phương. Thông qua đó, góp phần chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người có uy tín. Theo chủ trương chung của Bộ Tư lệnh BĐBP, hàng năm, BĐBP các tỉnh, thành biên giới đều tổ chức gặp mặt đại biểu người có uy tín tại địa phương. Thông qua đó, chỉ huy các đơn vị sẽ tri ân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của người có uy tín về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, nâng cao cuộc sống người dân.

Tại địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng thực sự như con cháu trong gia đình những người có uy tín. Những người lính mang quân hàm xanh thường xuyên qua lại, thăm hỏi, nắm bắt tình hình trên địa bàn. Các đơn vị cũng thường xuyên cử cán bộ quân y Biên phòng đến thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho người có uy tín. Ông Hoàng Xín Phủ, sinh năm 1954, dân tộc La Chí, người có uy tín ở xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Chính quyền địa phương, BĐBP rất quan tâm, chăm lo cuộc sống của nhân dân và người có uy tín trên địa bàn. Tình cảm quân dân luôn gắn bó, cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc giới, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cua-quan-dan-bien-gioi-post477034.html