Điểm tựa của trẻ em kém may mắn

Tại TP HCM, có những người ngày ngày vẫn đang kiên trì, nỗ lực vì tương lai của trẻ em kém may mắn. Họ là những nhân viên xã hội của Dự án Phòng chống buôn bán trẻ em thuộc tổ chức Planète Enfants & Développement Vietnam (PE&D)

Dự án gồm 3 mục tiêu cụ thể: Tăng cường năng lực cho các mái ấm (cơ sở bảo trợ xã hội) để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ hoặc là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em; Cải thiện khả năng tái hòa nhập kinh tế - xã hội của trẻ em có nguy cơ hoặc là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em; Ngăn chặn nạn buôn bán trẻ em và sự kỳ thị đối với các nạn nhân trong cộng đồng nhằm phòng tránh nạn buôn người tái diễn.

Câu chuyện đau lòng

6 năm làm nhân viên xã hội, anh Trần Duy Hòa đã nhiều lần tiếp xúc, ghi nhận các trường hợp trẻ dưới 16 tuổi là nạn nhân của tình trạng buôn bán trẻ em, xâm hại tình dục.

Trong rất nhiều hồ sơ, anh Hòa nhớ nhất là trường hợp em H. (tên nhân vật đã được thay đổi; 14 tuổi, quê Bình Dương). Thiếu đi tình thương của gia đình, H. bỏ nhà và sống lang thang trên đường phố TP HCM. Nhiều đêm ngủ tại Công viên Phú Lâm (quận 6), em bị xâm hại tình dục. Sau đó, em bị đối tượng xấu dụ dỗ, chở đến một trung tâm giới thiệu việc làm. Tại đây, người này bán H. cho một nhóm người lạ mặt. Ngay sau đó, em được chở xuống tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa lên làm việc trên tàu đánh cá. Chủ tàu hứa sẽ trả cho H. 16 triệu đồng. Suốt thời gian làm việc, em bị đánh đập nhiều lần và cưỡng bức lao động nặng nhọc. "Đến kỳ hạn trả lương, chủ tàu liên tục gây khó dễ. Cuối cùng, lấy lý do H. không đáp ứng công việc, chù tàu chở em vào bờ và quỵt lương" - anh Hòa cho biết.

Không có việc làm nuôi sống bản thân, H. tiếp tục lang thang cho đến khi được đưa vào Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề thanh thiếu niên TP HCM. Tại đây, H. được anh Hòa hỗ trợ, tư vấn nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng sống, xây dựng kế hoạch tái hòa nhập xã hội.

Anh Trần Duy Hòa đồng hành với các em trong quá trình hòa nhập cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Anh Trần Duy Hòa đồng hành với các em trong quá trình hòa nhập cộng đồng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi các em được đưa vào trung tâm, anh Hòa tiếp cận, phân loại trường hợp nào thuộc diện được dự án quan tâm, đồng hành. Cùng với đồng nghiệp, anh Hòa hỗ trợ các em hoàn tất giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, các em cũng được khám sức khỏe thể chất và khảo sát sức khỏe tâm lý. Nếu có dấu hiệu tổn thương, cần điều trị, anh Hòa liên hệ, phối hợp với các chuyên gia tâm lý đến kiểm tra, trị liệu.

"Chữa lành" vết thương lòng

Hiện, dự án Phòng chống buôn bán trẻ em phối hợp cùng Trung tâm Công tác xã hội, Giáo dục và Dạy nghề thanh thiếu niên TP HCM tiếp nhận, đồng hành cùng hơn 40 em là nạn nhân của buôn bán trẻ em và có nguy cơ cao về buôn bán trẻ em, bóc lột sức lao động, bạo hành, xâm hại.

Hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của các em, từ khi tiếp nhận, anh Hòa và các đồng nghiệp hết mực yêu thương, đùm bọc để không một đứa trẻ nào phải cảm thấy thiệt thòi. Dù vậy, theo anh Hòa, do các em sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, thiếu thốn về tình cảm, nên việc cảm hóa các em gặp không ít khó khăn.

T.M.M (tên nhân vật đã được thay đổi; 15 tuổi, quê Hà Giang) bị đưa vào làm việc trong xưởng may gia công tư nhân với lời hứa sẽ nhận 18 triệu đồng/năm. Mặc dù phải làm việc liên tục từ 7 giờ 30 phút đến 22 giờ mỗi ngày nhưng gần hết năm, M. bị chủ làm khó, quỵt lương, đuổi khỏi cơ sở.

Ban đầu, M. còn lo sợ nên chưa có ý định chia sẻ, cung cấp thông tin. Sau nhiều tháng nỗ lực bằng nhiều cách thức tiếp cận khác nhau, anh Hòa kết hợp với chính quyền địa phương đưa em về đến tận nhà.

Với sự động viên, hỗ trợ của các nhân viên xã hội, đặc biệt là sự sẻ chia đến từ những người đồng cảnh ngộ ở trung tâm, bằng nỗ lực tự thân, tháng 2-2024, M. đã đoàn tụ cùng gia đình với một nghề nghiệp ổn định. "Chúng tôi luôn xem các em như người thân trong gia đình của mình để đồng cảm và sẻ chia, hỗ trợ tốt nhất. Để rồi mỗi lần nhận cuộc gọi các em có công việc ổn định, tôi và các đồng nghiệp đều vui mừng" - anh Hòa bộc bạch.

Có thể thấy, sự ân cần, quan tâm, chăm sóc của các nhân viên xã hội đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn; giúp các em xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích, có trách nhiệm với xã hội.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/diem-tua-cua-tre-em-kem-may-man-196240608175223799.htm