'Điểm tựa' giúp bà con vùng cao phát triển sinh kế
Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách tại A Lưới đã có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Những đồng vốn nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Ảnh: Ngân hàng CSXH huyện A Lưới
Không chỉ giúp bà con thoát nghèo, nguồn vốn này còn tạo động lực để họ mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Vươn lên từ những đồng vốn nhỏ
Gia đình ông Hồ Văn Phúc (thôn A La, xã Hồng Thái) từng nằm trong diện hộ nghèo, cuộc sống phụ thuộc chủ yếu vào vài hecta rừng trồng và sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, bước ngoặt đến với gia đình ông vào năm 2021 khi được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo.
“Trước đây, do thiếu vốn nên dù có đất, tôi cũng không thể đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ khoản vay này, tôi đầu tư cải tạo 1ha rừng, nuôi thêm lợn, gà, nhờ đó mà có thêm thu nhập”, ông Phúc chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, năm 2024, sau khi đã trả hết nợ gốc, ông tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi bò và đào ao thả cá. Giờ đây, kinh tế gia đình ông đã ổn định hơn trước và có điều kiện lo cho con cái học hành. Ông Phúc phấn khởi: “Có vốn, có kế hoạch làm ăn thì không lo đói nghèo nữa. Tôi đang tính toán phát triển thêm mô hình chăn nuôi để nâng cao thu nhập trong những năm tới”.
Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Thầu (thôn Kaleng A Bung, xã Quảng Nhâm) cũng là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2020, bà vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn. Kiên trì, chăm chỉ, sau 3 năm, bà đã hoàn trả đủ khoản vay và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mua cặp bò giống, tận dụng đất vườn nuôi thêm gà thịt.
“Trước đây, nhà tôi nghèo lắm, làm gì cũng thiếu vốn. Nhờ có NHCSXH hỗ trợ, tôi mới có điều kiện đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Bây giờ, ngoài chăn nuôi, gia đình tôi còn có thu nhập từ làm rừng, đủ để lo cho hai đứa con ăn học. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng vốn vay đúng mục đích, cố gắng trả lãi đầy đủ và hoàn trả gốc đúng hạn", bà Thầu cho biết.
Đòn bẩy để phát triển kinh tế
Theo ông Đặng Văn Tấn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện A Lưới, tính đến cuối tháng 2 năm 2025, tổng dư nợ trên địa bàn đã đạt hơn 596 tỷ đồng, với 10.502 hộ đang vay vốn.
“Chúng tôi triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách như: Vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, nhà ở xã hội, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… Những chương trình này đã góp phần giảm thiểu tình trạng vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp bà con có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống”, ông Đặng Văn Tấn thông tin.
Để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện A Lưới phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và tổ tiết kiệm – vay vốn để tư vấn, hỗ trợ bà con lập phương án sản xuất trước khi vay vốn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân. Đồng thời, rà soát những hộ có nhu cầu vay vốn để đề xuất bổ sung thêm các chương trình tín dụng phù hợp với đặc thù của địa phương, giúp bà con phát triển sinh kế bền vững, thoát nghèo một cách chủ động”, ông Tấn khẳng định.
Với sự đồng hành của NHCSXH, nhiều hộ nghèo tại A Lưới đã và đang dần ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Những đồng vốn nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, trở thành "điểm tựa" vững chắc để người dân từng bước vươn lên, tự tin phát triển kinh tế.