Điểm tựa giúp trẻ mồ côi vươn lên trong cuộc sống
Sau hơn 2 năm thực hiện, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, thấu cảm, yêu thương, chia sẻ, Chương trình 'Mẹ đỡ đầu' đã thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện rõ nét tinh thần tương thân, tương ái của cán bộ, hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm... trong việc đỡ đầu, vận động đỡ đầu hỗ trợ chăm sóc trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điểm tựa giúp các em vươn lên trong cuộc sống.
Theo số liệu rà soát từ các cấp hội phụ nữ, hiện toàn tỉnh có hơn 1.500 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 6 cháu mồ côi cả bố và mẹ do COVID-19). Đến nay, các cấp hội đã vận động các nguồn lực đỡ đầu được 625 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền và quà trị giá gần 1,2 tỉ đồng, mức hỗ trợ từ 1,2 - 2,4 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, các cấp hội đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; lựa chọn hình thức, cách thức hỗ trợ, nhận đỡ đầu phù hợp nhằm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi đặc biệt khó khăn; làm tốt vai trò kết nối giữa “mẹ đỡ đầu” và các con, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu nuôi dưỡng trẻ trong khuôn khổ chương trình, đảm bảo các cháu được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ.
Không chỉ chăm lo về vật chất, các cấp hội còn quan tâm về mặt tinh thần của các em, thường xuyên thăm hỏi, động viên, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lớp kỹ năng, trò chơi dân gian nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, hè, tết Trung thu, ngày Gia đình Việt Nam 28/6... Qua đó, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để các em vui chơi, giải trí, phòng tránh các tệ nạn xã hội...
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được các cấp hội phụ nữ tiến hành theo trình tự thống nhất, chặt chẽ, khoa học với hình thức nhận đỡ đầu gián tiếp, trực tiếp, thường xuyên thăm hỏi động viên, nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe, học tập, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các cháu. Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai việc khảo sát, đánh giá thực trạng, nắm nhu cầu, xác minh hoàn cảnh thực tế và cập nhật danh sách, thông tin của trẻ mồ côi; đồng thời, tìm kiếm, vận động và kết nối "mẹ đỡ đầu”.
Em Võ Như Bảo Nam, thôn Trấm, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong chia sẻ: “Bố mất do tai nạn giao thông năm 2019, hoàn cảnh gia đình con thuộc hộ nghèo, mẹ bị bệnh tâm thần. Gia đình có 3 mẹ con, cuộc sống khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng của mẹ, giờ có thêm sự hỗ trợ này giúp gia đình đỡ vất vả hơn, con đỡ một phần nào chi phí học tập. Con sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ của con, “mẹ đỡ đầu” và mọi người đã hỗ trợ, yêu thương”.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu - lan tỏa yêu thương”, tại chương trình các cấp hội đã nhận đỡ đầu 54 cháu với số tiền 391 triệu đồng. Một số hội LHPN như: Hội LHPN huyện Hải Lăng chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên công đoàn, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai; Hội LHPN huyện Triệu Phong kết nối với Hội Phụ nữ Công an tỉnh, Công ty TNHH thiết bị Minh Tâm, Hà Nội thăm và tặng quà cho 4 học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Triệu Giang, Triệu Trạch và Triệu Hòa với số tiền 20 triệu đồng.
Ngay sau khi phát động chương trình, đã có nhiều tổ chức, cá nhân, kết nối, nhận làm “mẹ đỡ đầu”, điển hình như: Cảnh sát biển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong đã nhận đỡ đầu 3 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hội LHPN thành phố Đông Hà đã kết nối với các tổ chức, cá nhân chăm sóc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi (Chùa Kiều Đàm nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi)...
Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hiệu quả, bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết: “Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ chú trọng việc rà soát, kết nối, bồi dưỡng nâng cao năng lực của “mẹ đỡ đầu” và vận động nguồn lực để thực hiện chương trình như: tuyên truyền rộng rãi tính nhân văn của chương trình; thực hiện rà soát, khảo sát đối tượng, đảm bảo tiêu chí đỡ đầu, giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng. Phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ”.
Những hoạt động của các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã đồng hành chăm sóc, chia sẻ, giáo dục các cháu mồ côi đặc biệt khó khăn đến tuổi trưởng thành, giúp các cháu cảm nhận được tình yêu thương từ “gia đình”, các cháu sẽ tự tin hơn, bản lĩnh hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.