Điểm tựa niềm tin
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Nghị quyết 02 của Chính phủ về về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 sẽ có tác động tích cực đến việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp - điều mà các doanh nhân, doanh nghiệp đang thực sự chờ đợi.
Nhanh chóng vào cuộc
Ngày 5/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Nghị quyết 02 đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Đặc biệt, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng số lượng doanh nghiệp (DN) có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN.
Đáng lưu ý, Nghị quyết 02 đặt mục tiêu số DN gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng bắt tay vào cuộc theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Đỗ Thành Long - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho biết, bộ đã đề ra chương trình hành động thực hiện nghị quyết với những đổi mới. Theo đó, chỉ đưa vào những nhiệm vụ trọng tâm, có sản phẩm cụ thể. Không liệt kê, đưa ra các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và được xác định quan trọng, căn cốt nhất là công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo.
Việc có một cơ chế đầu tư và tài chính thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của hoạt động KHCN là một trong những mong mỏi lớn nhất của cộng đồng các nhà quản lý, các nhà khoa học.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN cũng sẽ tập trung triển khai các chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực KHCN, như: Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng KHCN vũ trụ đến năm 2030.
Với Bộ Công Thương, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02, bộ này yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành quan triệt, bám sát những nhiệm vụ, giải pháp được giao, chủ động và tích cực triển khai thực hiện với nỗ lực cao nhất để phấn đấu hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao cho ngành công thương năm 2024.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia. Tăng cường ứng dụng CNTT, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính.
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Ngoài ra, hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Không khí cải cách rất tích cực
Đánh giá về sự vào cuộc của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, các kế hoạch hành động được các đơn vị gửi về Bộ KH&ĐT có nội dung khá chi tiết với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành. Điều này cho thấy sự tham gia tích cực của các bộ, ngành vào việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 02.
Không khí cải cách rất tích cực, đặc biệt sau khi các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị của Chính phủ với chính quyền địa phương.
“Các bộ, ngành và địa phương nhận thức rất rõ tầm quan trọng của Nghị quyết 01, Nghị quyết 02. Theo đó, đã ban hành rất kịp thời kế hoạch thực hiện chi tiết, các mục tiêu cụ thể. Tinh thần quan tâm, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho DN của các địa phương rất tích cực”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, những địa phương làm tốt trước đây hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh thì kế hoạch hành động rất tốt, điển hình như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng…
Đồng sức đồng lòng để gỡ vướng
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng Nghị quyết 02 sẽ có tác động tích cực đối với việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho DN - điều mà các DN đang thực sự chờ đợi.
Ở góc độ DN, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 bày tỏ, tinh thần của Nghị quyết là tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Vấn đề là việc triển khai nghị quyết này ở các bộ, ban, ngành liên quan như thế nào. Cộng đồng DN kỳ vọng sự vào cuộc tích cực và có hiệu quả của các đơn vị để giúp DN phục hồi và phát triển.
Từ góc nhìn chuyên gia, GS, TS Nguyễn Thường Lạng - chuyên gia kinh tế ĐH Kinh tế quốc dân chia sẻ, hoạt động thực thi bao giờ cũng khó vì liên quan đến các bộ, ngành, địa phương.
“Tuy vậy, tôi cho rằng, nếu các bên đồng sức đồng lòng, có ý chí thống nhất, chương trình hành động thống nhất, kế hoạch bài bản thì chắc chắn những sai sót, vướng mắc sẽ được tháo gỡ”, chuyên gia nêu.
Kỳ vọng với sự đổi mới, quyết tâm, nỗ lực trong triển khai các nhiệm vụ trên của các bộ, ngành, và địa phương trên cả nước ngay từ đầu năm, Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ sẽ được thực hiện thắng lợi, củng cố niềm tin của cộng đồng DN để DN có thể “tăng tốc”, phát triển bền vững trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/diem-tua-niem-tin/20240202053328130