Điểm tựa vững chắc cho ngư dân giữa trùng khơi
Bảo vệ an toàn cho ngư dân khai thác hải sản trên biển là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của bộ đội Trường Sa. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên quần đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế xã hội. Họ đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển làm chủ ngư trường truyền thống của Tổ quốc.
'Điểm tựa áo trắng' nơi đầu sóng
Thời điểm chúng tôi đến Bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, sức khỏe của ngư dân Phan Kiệt, 40 tuổi (quê ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là lao động trên tàu cá ĐNa 90990 TS đã ổn định. Theo chia sẻ của anh Kiệt, trong quá trình khai thác trên vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 40 hải lý, anh bị dây cước câu cuốn vào tay và làm đứt rời hoàn toàn cánh tay phải, chảy nhiều máu. Tình hình cấp bách, không thể tự xử lý vết thương cho nên các ngư dân trên tàu đã điện đàm đề nghị bộ đội Trường Sa giúp đỡ. Được lực lượng Quân y cấp cứu kịp thời, anh Kiệt đã qua cơn nguy kịch.
Trước đây, anh Kiệt cùng bà con ngư dân cũng đã từng đưa nhiều đồng nghiệp lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để được khám, chữa bệnh hoặc cấp cứu trong trường hợp không may khi đang đánh cá ngoài khơi. "Có các bác sĩ Hải quân, ngư dân chúng tôi rất yên tâm. Các anh chính là chỗ dựa quan trọng để chúng tôi tự tin vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", anh Phan Kiệt cho biết.
Bệnh xá đảo Song Tử Tây hiện có 11 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như: khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, chụp X-quang, xét nghiệm... Để phục vụ cho những ngư dân vùng biển, ngoài các phòng chức năng như một bệnh viện trong đất liền, bệnh xá còn có thêm phòng điều áp nhằm điều tiết áp lực, là việc rất cần thiết cho việc chữa trị các thợ lặn dưới đáy biển sâu.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Văn Quốc, Bệnh xá trưởng cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lượng ngư dân ra khơi ngày càng nhiều, nên số ca mắc bệnh hoặc bị tai nạn trên biển cũng tăng lên. Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, bệnh xá đảo Song Tử Tây đã tổ chức khám, điều trị và cấp cứu cho 250 lượt ngư dân. Những ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng vận chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng máy bay trực thăng và tàu quân sự. Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, bệnh xá đảo Song Tử Tây đã khám, điều trị cho hơn 1.000 lượt ngư dân, cấp cứu cho hơn 100 ngư dân.
Bác sĩ Lê Văn Quốc cho biết thêm: "Một người bệnh khi đang lênh đênh trên biển có tâm lý hoảng sợ hơn nhiều so với bệnh nhân ở đất liền. Do vậy, ngoài việc hỗ trợ cấp cứu kịp thời, bác sĩ còn phải biết động viên tinh thần người bệnh. Qua đó, giúp họ yên tâm điều trị. Những y, bác sĩ ra đảo công tác, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn hơn đất liền, nhưng với lòng nhiệt tình trong công việc, ý thức chuyên môn cũng như kỷ luật của Quân đội, họ đã thực sự chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và đồng đội".
Để ngư dân vững tin bám biển
Thượng tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng, đảo Trường Sa chia sẻ: ngoài công tác bảo đảm an toàn cho các ngư dân vươn khơi, bám biển, bộ đội Trường Sa còn làm tốt công tác hướng dẫn cho tàu, thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các âu tàu, hỗ trợ cho ngư dân nghiệp vụ đi biển, cách tự cứu chữa bệnh khi độc hành trên biển và các kỹ năng tồn tại trên biển khi gặp tai nạn, sự cố. Cùng với lực lượng y tế chuyên trách, bộ đội trên đảo thường xuyên hỗ trợ ngư dân khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ; đồng thời, tập trung cứu hộ, bảo vệ ngư dân trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ các đảo cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, về an toàn hàng hải đến người dân; gặp gỡ, trao đổi thông tin về trật tự vùng biển với ngư dân; hướng dẫn ngư dân không dùng các vật liệu, ngư cụ để đánh bắt, khai thác hải sản trái phép; không vi phạm vùng biển nước ngoài… Thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật, đã giúp ngư dân có thêm kiến thức về Luật Biển Việt Nam và Hiệp định về hợp tác nghề cá, các quy định khi hành nghề trên biển; về đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là khu vực nhạy cảm, vùng biển cấm khai thác. Qua đó, giúp ngư dân thêm tự tin vươn khơi bám biển.
Ông Võ Thanh Toàn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 95353 TS đang khắc phục, sửa chữa máy chính tại âu tàu đảo Trường Sa cho biết, những khi có sự cố hoặc gặp thời tiết xấu, tất cả các tàu cá vào âu tàu đều được nhân viên của Trung tâm hậu cần kỹ thuật hỗ trợ và kiểm tra, buộc chằng tàu cẩn thận, chuẩn bị đệm va, sắp xếp tàu cá neo đậu hợp lý. Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ cho ngư dân. Sau khi thời tiết ổn định các bác sĩ, y tá thăm khám, nắm bắt tình hình sức khỏe của bà con ngư dân, đơn vị cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm để bà con ngư dân tiếp tục đánh bắt hải sản. Những âu tàu trên huyện đảo Trường Sa có sức chứa hàng trăm tàu, thuyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân vào tránh trú mỗi khi biển động, sóng to, gió lớn.
Thượng tá Trịnh Xuân Huân, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 cho biết: Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Công tác bảo vệ, hỗ trợ các ngư dân khai thác hải sản trên biển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.
Với phương châm "Lo cho ngư dân như người thân của mình", "Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim", cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn sẵn sàng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân; qua đó, tô thắm thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân". Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã và đang thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển; vừa khai thác thủy sản, vừa bảo vệ và gìn giữ bờ cõi quê hương.