Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông thuộc Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Namtừng bước đưa công tác quản lý tàu cá đi vào nền nếp, thông qua việc thực hiện nghiêm túc các quy định về kiểm soát hoạt động khai thác hải sản, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành pháp luật.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông kiểm tra nhật ký hành trình khai thác trước khi rời cảng cá Phú Lạc. Ảnh: XUÂN ĐIỀN
Nỗ lực quản lý tàu cá, chống khai thác IUU
Trên mỗi hải trình vươn khơi bám biển, sự đồng hành của những người lính biên phòng là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm niềm tin cho ngư dân, chung tay phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phú Yên hiện có 3.090 tàu cá được đăng ký trong hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó 681 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Tỉ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt mức cao, với 672/681 tàu đã hoàn thành đúng quy định. Số tàu còn lại chủ yếu do thiết bị hư hỏng hoặc vừa mới được cấp giấy đăng ký, đang tiếp tục xử lý và rà soát theo quy định.
Những ngày qua, tại cảng cá Phú Lạc (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa), nơi tập trung số lượng lớn tàu cá ra vào mỗi ngày, Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông đảm nhiệm vai trò then chốt trong công tác kiểm soát phương tiện và con người. Các nhiệm vụ như giám sát tàu xuất bến, kiểm tra sản lượng thủy sản khi tàu nhập cảng, thu nhận nhật ký khai thác... đều được trạm thực hiện nghiêm túc, nền nếp. Khối lượng công việc lớn, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chính xác, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn phải thường trực 24/24, sử dụng thành thạo các thiết bị chuyên dụng, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chính tinh thần trách nhiệm ấy đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn kỷ cương trong hoạt động khai thác thủy sản, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi an toàn, hiệu quả.
Để chuẩn bị cho đợt làm việc lần thứ 5 của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đặt ra yêu cầu cấp thiết với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép hoạt động); đồng thời siết chặt việc quản lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình và đảm bảo công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản minh bạch, rõ ràng.
Trước yêu cầu cấp bách đó, Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông đã chủ động triển khai một loạt giải pháp kiểm soát đồng bộ và quyết liệt. Mỗi tàu cá khi xuất, nhập bến đều phải ký cam kết không vi phạm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Những biện pháp này không chỉ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu vi phạm trên biển, mà còn từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, tạo tiền đề quan trọng để ngành Thủy sản Việt Nam sớm được EC gỡ bỏ thẻ vàng.
Thắt chặt tình quân dân
Song song với việc tăng cường kiểm tra, giám sát tại cửa biển, Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông còn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng và địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân, xem đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là chìa khóa để ngư dân yên tâm làm ăn trên biển, làm giàu chính đáng. Các buổi trực tiếp gặp gỡ ngư dân được tổ chức thường xuyên không chỉ để nắm bắt tình hình khai thác, mà còn truyền đạt thông tin về Luật Biển Việt Nam, các quy định đánh bắt an toàn, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Trung úy Nguyễn Tiến Khanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, khẳng định: Thời gian tới, Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng trang bị kiến thức về chống khai thác IUU, cùng với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát tàu cá xuất nhập bến, đặt ưu tiên hàng đầu đến việc duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên mỗi tàu.
Bằng tinh thần nhiệt huyết, sự tận tâm và đặt lợi ích của ngư dân lên hàng đầu, cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông đã trở thành cầu nối vững chắc, tạo dựng niềm tin trong lòng bà con ngư dân.
Trung úy Nguyễn Tiến Khanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông
Không dừng lại ở đó, trạm còn lên kế hoạch tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi định kỳ với bà con để nắm bắt tâm tư, khó khăn trong quá trình đánh bắt xa bờ, từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời. Mục tiêu của trạm là vừa đảm bảo thực hiện đúng chức năng quản lý, vừa làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Theo ngư dân Bùi Văn Sơn, chủ phương tiện PY96677TS, các anh biên phòng ở trạm Đà Nông làm việc tận tình, chỉ dẫn cặn kẽ từng li từng tí, từ việc khai báo, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đến ký cam kết không vi phạm các quy định về đánh bắt. Thủ tục giấy tờ giờ làm cũng nhanh gọn lẹ. Cứ mỗi lần có gì không hiểu là các anh ấy lại giảng giải cặn kẽ, lại còn thân tình, không gây khó dễ cho ai.
Ông Sơn khẳng định vai trò quan trọng của người lính biên phòng: “Đối với anh em tụi tui, các anh biên phòng chẳng khác nào người nhà. Đâu chỉ có mỗi việc canh chừng, kiểm soát thôi đâu, lúc nào tàu thuyền có sự cố hay cần hỗ trợ gì, các anh ấy có mặt liền, chẳng quản ngại nắng mưa. Có các anh ở đây, bà con yên tâm ra khơi bám biển, có chỗ dựa tinh thần vững chắc. Tụi tui biết ơn các anh nhiều lắm”. Lời chia sẻ ấy đã khắc họa rõ nét hình ảnh người lính biên phòng Đà Nông không chỉ là những người thực thi nhiệm vụ mà còn là những người bạn tin cậy của ngư dân trên mỗi chuyến biển.
“Bằng tinh thần nhiệt huyết, sự tận tâm và đặt lợi ích của ngư dân lên hàng đầu, cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Nông đã trở thành cầu nối vững chắc, tạo dựng niềm tin trong lòng bà con ngư dân”, trung úy Khanh chia sẻ. Anh nhấn mạnh thêm: “Chính sự gần gũi, trách nhiệm và đồng hành chia sẻ đã thắt chặt tình quân - dân nơi đầu sóng ngọn gió, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững song hành với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.