Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi - Bài 2: Bảo đảm toàn diện, đồng bộ

Xuất phát từ vị trí, vai trò của Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, những năm qua, công tác bảo đảm quân y tại khu vực này đã được ngành quân y tổ chức thực hiện theo hướng toàn diện, đồng bộ. Qua đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên các đảo, nhà giàn; vừa tạo cơ sở để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Bảo đảm quân y sẵn sàng chiến đấu và quân y thường xuyên

Theo Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, ngành quân y được giao nhiệm vụ bảo đảm quân y cho toàn bộ các đảo và điểm đóng quân thuộc Quần đảo Trường Sa và hệ thống Nhà giàn DK1. Các đảo diện tích nhỏ, ở cách xa nhau, xa đất liền, điều kiện cơ sở vật chất nói chung, vật tư, trang thiết bị y tế nói riêng còn những khó khăn nhất định. Nhận thức rõ ý nghĩa của công tác bảo đảm quân y khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1, lực lượng quân y đã đoàn kết, gắn bó, quyết tâm, tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt công tác bảo đảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân.

 Thầy thuốc quân y Vùng 4 Hải quân phối hợp tổ chức cấp cứu người dân. Ảnh: THANH TÂM

Thầy thuốc quân y Vùng 4 Hải quân phối hợp tổ chức cấp cứu người dân. Ảnh: THANH TÂM

Trong đó, lực lượng quân y nơi đây luôn xác định, bảo đảm quân y sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ hàng đầu của công tác bảo đảm quân y khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1. Với nhận thức đúng đắn đó, thời gian qua, lực lượng quân y Vùng 4 Hải quân thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác xây dựng kế hoạch quân y sẵn sàng chiến đấu đối với các kíp quân y thay phiên, trước khi thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), Cục Hậu cần (Quân chủng Hải quân) định kỳ tổ chức hiệp đồng với Quân khu 3, 4, 5, 7, 9, sẵn sàng tăng cường lực lượng quân y cho Quân chủng Hải quân. Trong 5 năm (2019-2024), các bệnh viện đã luân phiên 288 lượt y, bác sĩ, điều dưỡng viên tại các bệnh xá đảo. Quân chủng Hải quân luân phiên 28 lượt bác sĩ, 233 lượt y sĩ ra công tác tại khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1.

Cùng với đó, hệ thống hầm quân y tại các đảo thường xuyên được củng cố, tăng cường năng lực, bảo đảm đủ khả năng thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh ở đảo. Các loại thuốc, trang bị, vật tư quân y phục vụ sẵn sàng chiến đấu trên các đảo, nhà giàn luôn được Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) bảo đảm đúng, đủ chủng loại, số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu với từng đảo, nhà giàn cụ thể.

Bám sát đặc điểm khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1, hoạt động bảo đảm quân y thường xuyên cũng được thực hiện có nền nếp, hiệu quả. Tập trung vào các mặt, như: Vệ sinh phòng dịch và vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; điều trị dự phòng; củng cố tiềm lực quân y; tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân; phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân các tỉnh ven biển; tiếp nhận, cấp cứu ngư dân gặp nạn. Đồng thời, lực lượng quân y tại các đảo luôn giám sát chặt chẽ nguồn truyền nhiễm, mầm bệnh, yếu tố nguy cơ và vec-tơ truyền bệnh. Tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dại, uốn ván, bại liệt, viêm màng não, Covid-19, lao... cho bộ đội và nhân dân trên các đảo. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1 đã không có dịch bệnh lớn xảy ra; không có cán bộ, chiến sĩ và người dân mắc Covid-19.

Đặc biệt, các hoạt động khám bệnh, cấp cứu, điều trị, vận chuyển trên khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1 đã được thực hiện có hiệu quả, với tinh thần “Tất cả vì sức khỏe của bộ đội và người dân”. Chỉ tính trong giai đoạn 2019-2024, lực lượng Quân y khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1 đã trực tiếp tiến hành cấp cứu cho gần 920 lượt người bệnh; vận chuyển vào bờ 95 lượt người bệnh bằng tàu biển và máy bay quân sự; khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 37.400 lượt người; thu dung, điều trị trên 1.730 lượt người bệnh; phẫu thuật 5.382 ca.

Ngư dân La Thanh Lối (41 tuổi, quê tại phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) xúc động cho biết: “Đầu tháng 5 vừa qua, trong khi đang khai thác hải sản trên biển, tôi bị viêm ruột thừa cấp. Nếu không được các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa phẫu thuật kịp thời, thì chưa chắc tôi đã giữ được tính mạng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất của mình đến đội ngũ quân y đảo Song Tử Tây, những người đã tận tình cứu giúp khi tôi trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó”.

Tăng cường thiết bị, phương tiện đồng bộ, hiện đại

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Quần đảo Trường Sa - Nhà giàn DK1 có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước, Quân đội, ngành Y tế luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho quân, dân ở Quần đảo Trường Sa - Nhà giàn DK1. Trong đó, lực lượng quân y đã thực sự là lực lượng xung kích, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ khám, chữa bệnh, thu dung, điều trị, là chỗ dựa của bộ đội và ngư dân trong quá trình bám biển, giữ đảo.

 Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: THANH TÂM

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được trang bị nhiều máy móc hiện đại. Ảnh: THANH TÂM

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần, những năm qua, công tác bảo đảm quân y khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1 đã được thực hiện có hiệu quả, trên cơ sở tăng cường nhiều trang thiết bị, phương tiện y tế hiện đại. Điển hình là hệ thống hội chẩn từ xa Telemedicine, được lắp đặt để kết nối trực tiếp quân y các đảo, nhà giàn với Bệnh viện Quân y 175. Hệ thống Telemedicine vận hành, các y sĩ, bác sĩ ở Trường Sa đã được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời trong xử lý các ca bệnh phức tạp, các chấn thương nặng như: Chấn thương vùng đầu, mổ ruột thừa, mổ ổ bụng... Đến nay, đã có 522 lượt bệnh nhân được điều trị kịp thời, hiệu quả, nhờ việc phối hợp hội chẩn, chỉ đạo chuyên môn qua hệ thống Telemedicine giữa các bệnh viện với 8 bệnh xá trên Quần đảo Trường Sa và Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa.

Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nông Hữu Thọ, Bệnh viện Quân y 175, Trung tâm Y tế Trường Sa cho biết: “Xa đất liền hàng trăm hải lý, hệ thống Telemedicine là phương tiện hỗ trợ quan trọng nhất với ê-kíp chiến sĩ quân y tại đảo. Hệ thống vừa giúp chúng tôi có thể hội chẩn tại chỗ, bảo đảm kịp thời cấp cứu bệnh nhân, lại vừa giúp y, bác sĩ tại các xã đảo ở Trường Sa được hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức cấp cứu kịp thời, chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh”.

Cùng với hệ thống Telemedicine, các bệnh xá trên Quần đảo Trường Sa hiện nay đều được trang bị những phương tiện, thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, như: Máy X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu, hỗ trợ hô hấp… Đặc biệt, Quân chủng Hải quân đã đưa vào sử dụng Tàu quân y 561, được ví như “bệnh viện di động trên biển”. Binh đoàn 18 đưa vào sử dụng trực thăng chuyên dụng, để vận chuyển người bệnh từ Trường Sa vào đất liền. Qua đó, trực tiếp giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa; "thu hẹp" khoảng cách địa lý giữa đất liền và khu vực Quần đảo Trường Sa - DK1. (còn nữa)

QUANG ĐẠO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/diem-tua-vung-chac-giua-trung-khoi-bai-2-bao-dam-toan-dien-dong-bo-794113