'Điểm tựa' vững vàng của đồng bào các dân tộc nơi biên giới Ka Lăng

Gần 25 năm công tác trong BĐBP, trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, song Trung tá Phùng Nhù Giá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương làm được nhiều việc làm ý nghĩa, chăm lo cuộc sống cho đồng bào các dân tộc nơi biên giới, góp phần giữ bình yên vùng phên dậu của Tổ quốc.

Trung tá Phùng Nhù Giá, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu. Ảnh: Đức Duẩn

Trung tá Phùng Nhù Giá, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu. Ảnh: Đức Duẩn

Là người con của đồng bào dân tộc Hà Nhì, ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, ngay từ khi còn nhỏ, thấy quê hương mình còn nghèo nàn, lạc hậu, đồng bào dân tộc mình còn khó khăn, thiếu thốn, anh Phùng Nhù Giá đã quyết tâm học tập để trở thành người cán bộ giúp cho đồng bào mình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ quê hương bình yên, giàu đẹp. Đặc biệt, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh gắn bó mật thiết với đồng bào nơi anh sinh sống đã in đậm trong tâm hồn cậu bé Giá. Năm 2000, ước mơ đó đã trở thành hiện thực, anh Phùng Nhù Giá nhập ngũ và được cử đi đào tạo tại Học viện Biên phòng (hệ cử tuyển).

Năm 2007, tốt nghiệp ra trường, anh Phùng Nhù Giá bắt đầu trải qua các cương vị công tác như: Đội trưởng Trinh sát, Trợ lý thanh niên, Chính trị viên phó, Chính trị viên; được “thử lửa” ở những vùng đặc biệt khó khăn như: Đồn Biên phòng Pa Tần, Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử, Đồn Biên phòng Ka Lăng... Đây là những đơn vị có địa bàn chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, La Hủ, Hà Nhì sinh sống. Hiện tại, Trung tá Phùng Nhù Giá đang là Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng. Anh cho biết: “Đồn Biên phòng Ka Lăng được giao quản lý, bảo vệ gần 30km đường biên giới trên địa bàn 2 xã Ka Lăng và Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, có đông đồng bào dân tộc La Hủ, Hà Nhì sinh sống”.

Trung tá Phùng Nhù Giá xác định, để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, công tác vận động quần chúng rất quan trọng, vì vậy, ở vị trí công tác nào, anh cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Với vai trò là báo cáo viên pháp luật cấp huyện, anh đã thực hiện gần 40 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến biên giới quốc gia; trực tiếp tham gia biên soạn nhiều tài liệu, tuyên truyền hàng trăm buổi cho nhân dân trên địa bàn.

Anh cũng là người trực tiếp tham mưu cho chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn 10 ban tuyên vận cấp xã, 47 tổ tuyên vận thôn, bản khu vực biên giới; phát huy vai trò của 3 đồng chí cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã, 14 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 14 chi bộ bản, 23 đảng viên phụ trách 102 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Trung tá Phùng Nhù Giá cùng với cấp ủy, chỉ huy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ luôn đồng hành, hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải thực hiện tốt việc “3 bám, 4 cùng”, đó là bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào. Chỉ có như vậy mới nắm chắc được địa bàn, phong tục tập quán và quan trọng nhất là phải hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư từng hộ dân trên địa bàn mình phụ trách, từ đó, mới có cách tiếp cận, tuyên truyền, vận động nhân dân một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng đã cử các cán bộ xuống dân cầm tay chỉ việc giúp bà con nắm chắc về khoa học kỹ thuật. Rồi tuyên truyền cho bà con cải thiện quá trình canh tác cũng như nâng cao hiệu quả, năng suất trong quá trình sản xuất” - Trung tá Phùng Nhù Giá chia sẻ.

Ông Khoàng Xì Chừ, Chủ tịch UBND xã Ka Lăng đánh giá: “Nhờ sự hiểu biết, nhiệt tình, tận tâm của Trung tá Phùng Nhù Giá cùng tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng đã từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân địa phương tự chủ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng thôn, bản biên giới ngày một khởi sắc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Trung tá Phùng Nhù Giá (thứ 5, từ trái sang) tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Trung tá Phùng Nhù Giá (thứ 5, từ trái sang) tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Với tinh thần “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, Trung tá Phùng Nhù Giá đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, phong trào, cuộc vận động, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo như: “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”; Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”; các mô hình “Chăn nuôi gia súc tập trung”; “Trồng thảo quả ra sát biên giới gắn với công tác quản lý, bảo vệ biên giới”; “Chăn nuôi bò sinh sản tập trung”; “Trồng sâm Lai Châu”; “Trồng cây sa nhân”; “Trồng cây ớt trung đoàn”...

Cùng với đó, Trung tá Phùng Nhù Giá còn chỉ đạo đơn vị phối hợp với địa phương vận động nhân dân phát triển phong trào xây dựng khu dân cư đạt chuẩn văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa. Hiện nay, xã Ka Lăng có trên 89% tổng số hộ và 100% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Cùng với Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ka Lăng, Trung tá Phùng Nhù Giá đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nhà văn hóa trong đồng bào các dân tộc; duy trì, phát triển các lễ, hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới do đơn vị quản lý.

Với những thành tích đã đạt được, Trung tá Phùng Nhù Giá đã được tuyên dương tại chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024. Trung tá Phùng Nhù Giá còn được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023); được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng 2 Bằng khen; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ tặng 1 Bằng khen, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-vung-vang-cua-dong-bao-cac-dan-toc-noi-bien-gioi-ka-lang-post480242.html