Điểm tựa vững vàng của mỗi quân nhân

Với các cán bộ, chiến sĩ, quân nhân tại ngũ trong LLVT Quân khu 5, những tiện ích, ưu việt mà tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại thực sự là điểm tựa vững vàng, giúp họ luôn an tâm công tác, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đầu năm 2020, đang trong thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Hạ sĩ Hoàng Thanh Sơn (Đại đội 10, Tiểu đoàn 301, Trung đoàn 994, Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông) bàng hoàng khi biết tin mẹ ruột bất ngờ lên cơn tai biến, bị liệt nửa người và hôn mê sâu, phải nằm viện điều trị dài ngày. Hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn lại gặp biến cố bất ngờ, may nhờ tấm thẻ BHYT dành cho thân nhân quân nhân, phần lớn chi phí, thuốc men, điều trị của mẹ Sơn đều được quỹ BHYT chi trả, nên Sơn rất yên tâm. Nhận thức sâu sắc những giá trị to lớn mà thẻ BHYT mang lại, Hoàng Thanh Sơn dự định, sau khi xuất ngũ, anh vẫn tiếp tục tham gia BHYT, cho cả mình và các thành viên trong gia đình để được theo dõi, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cũng như phòng lúc rủi ro, bệnh tật.

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông tuyên truyền cho bộ đội về ý nghĩa, lợi ích của bảo hiểm y tế.

Cán bộ Bộ CHQS tỉnh Đắc Nông tuyên truyền cho bộ đội về ý nghĩa, lợi ích của bảo hiểm y tế.

Ở Tiểu đoàn 301, nhiều cán bộ, chiến sĩ khác cũng được hưởng lợi rất nhiều từ BHYT dành cho quân nhân tại ngũ và thân nhân, gia đình họ. Ví như Trung úy Bùi Thanh Phương, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 9. Bố Phương bị bệnh teo não phải nằm viện điều trị suốt mấy năm nay, song nhờ chính sách ưu việt từ BHYT dành cho thân nhân quân nhân tại ngũ, nên gia đình không còn áp lực về chi phí để chữa trị bệnh cho bố Phương. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương cho biết: “Các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng thông tin, do bố tôi mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên phải dùng thuốc đặc trị nên chi phí điều trị khá lớn, mỗi năm có thể lên đến vài chục triệu đồng. Thẻ BHYT thực sự là cứu cánh, chỗ dựa vững vàng, tin cậy của gia đình tôi trong lúc khó khăn này”.

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Đặng Hồng Long, Chính trị viên Tiểu đoàn 301 cho biết: “Hằng năm, sau khi tiếp nhận tân binh, chúng tôi sẽ hướng dẫn chiến sĩ kê khai đầy đủ thông tin của bản thân và bố mẹ, vợ con để đăng ký làm thẻ BHYT, đồng thời tuyên truyền, phổ biến để bộ đội hiểu rõ về ý nghĩa, hiệu quả, lợi ích của việc tham gia BHYT. Khi nhận thẻ, nếu phát hiện có sai sót, đơn vị sẽ tổng hợp danh sách, đề nghị cơ quan chức năng cấp đổi trong thời gian nhanh nhất, để bộ đội gửi về cho gia đình, người thân. Với các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 301, thẻ BHYT thực sự là điểm tựa, nguồn cổ vũ, động viên, giúp họ yên tâm học tập, công tác, vươn lên”.

Thượng tá, Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Thảo, Chính ủy Bệnh viện Quân y 17 cho biết: “Là bệnh viện tuyến cuối của Quân khu 5, mỗi năm chúng tôi tiếp nhận, thăm khám, điều trị cho hàng nghìn lượt quân nhân và bố mẹ, vợ con của họ, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh nan y, bệnh nặng, chi phí điều trị rất tốn kém. Nếu không có thẻ BHYT, có lẽ nhiều gia đình trong số đó sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm chi phí điều trị. Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y như từ mẫu”, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện thường xuyên quán triệt, giáo dục, nâng cao y đức, y thuật cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên trong bệnh viện. Dù khám, chữa bệnh dịch vụ hay khám, chữa bệnh BHYT, đơn vị đều tiếp đón, chăm sóc, điều trị rất tận tình, chu đáo; từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, qua đó chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn quân khu”.

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/diem-tua-vung-vang-cua-moi-quan-nhan-660860