Điểm tương đồng thú vị giữa ẩm thực và thể thao

Để có thành tích cao, vận động viên phải nỗ lực luyện tập, cẩn trọng trong từng độn g tác. Để dành được thiện cảm từ thực khách, người kinh doanh nhà hàng cũng phải chú ý từng chi tiết nhỏ.

 Giữa việc kinh doanh nhà hàng và luyện tập thể thao có khá nhiều điểm chung thú vị. Ảnh: R.T.

Giữa việc kinh doanh nhà hàng và luyện tập thể thao có khá nhiều điểm chung thú vị. Ảnh: R.T.

Trong một buổi phát sóng Olympic, tôi đã xem được cuộc phỏng vấn với các tuyển thủ thi đấu. Ngay cả những tuyển thủ từng đoạt được huy chương vàng, dù có luyện tập rất chăm chỉ đi chăng nữa, chúng ta vẫn thường nghe thấy họ nói rằng trước ngày thi đấu họ hay bị mất ngủ.

So sánh bản thân với những tuyển thủ Olympic thì hơi quá, nhưng tôi ngày xưa cũng từng lo lắng về chuyện kinh doanh của ngày hôm sau đến nỗi mất ngủ.

Trong thể thao, để giành được chiến thắng trong những trận thi đấu, các tuyển thủ đã phải rèn luyện rất khắc nghiệt. Hàng ngày họ đều nghiêm túc suy nghĩ về việc làm thế nào giành được chiến thắng, vinh quang. Chúng ta cũng vậy, cũng phải nghĩ hết cách này đến cách khác để chuẩn bị cho việc kinh doanh, sao cho cửa hàng có thể giành được “chiến thắng” trong kinh doanh.

Làm thế nào để vượt được đối thủ?

Không giống như giới thể thao chỉ có một đáp án duy nhất, quán nhậu chúng ta có đến hàng trăm nghìn cách khác nhau để chiến thắng.

Chỉ riêng việc phục vụ cà chua đã có mấy cách: để nguyên quả hay thái ra, hay là chần nước sôi rồi lột vỏ? Gia vị dùng kèm sẽ là muối hay là mayonnaise? Ngay cả rau củ dùng trong món Bagna càuda [1] cũng thế, bạn sẽ phục vụ đồ ăn theo cách thông thường hay sẽ cho rau củ vào một chiếc xô nhỏ rồi mang ra? Bạn có thể nghĩ ra rất nhiều phương pháp.

“Phương pháp để cửa hàng mình thắng là gì?” Một khi đã mở cửa hàng thì dù là ai cũng không thể tránh khỏi cảm giác bất an. Tôi còn bất an, lo lắng quá nên vô tình nhổ tóc trên đầu, đến mức trên đầu tôi có một chỗ hói cỡ đồng xu 10 yên. Nhưng chính vì đang mở cửa hàng nên tôi lại cảm thấy “bất an” là một điều tốt.

Nếu bạn có lo lắng, có tận tâm, bạn mới chăm chỉ tìm cách giải quyết

Nhưng nếu đến cuối vẫn có chuyện không suôn sẻ xảy ra, vậy hãy suy nghĩ xem tại sao mình thất bại.

Trong giới thể thao, ngay cả những cầu thủ có năng lực cũng có lúc thua cuộc. Và sau những trận thua, họ sẽ phân tích tại sao mình lại thua.

Là do xử lí tình huống không tốt, hay là do kĩ thuật không đủ? Quả nhiên mọi sự thất bại đều có lí do của nó. Việc kinh doanh cũng giống thế. Nếu bạn có thể giải quyết từng lí do thất bại một, bạn sẽ ngày càng gần với “chiến thắng”.

Có một tuyển thủ Olympic đã từng nói rằng: “Nếu có thể nếm mùi thất bại trước kì thi Olympic thì tôi sẽ có thể trở nên mạnh mẽ hơn nữa!” Với chúng ta cũng vậy, chúng ta sẽ có thể xây dựng một cửa hàng ngày càng tốt hơn thông qua những lần “thua cuộc”. Ngay từ đầu không thể nào quán sẽ đông khách ngay được, nhưng nhờ việc tích lũy những kinh nghiệm “thất bại”, nhất định chúng sẽ dẫn chúng ta đến với “chiến thắng”.

Vấn đề là, chúng ta thường chỉ chăm chăm vào cảm giác thỏa mãn khi được làm chủ khi đã tự đứng ra mở một cửa hàng, mà đánh mất ý chí chiến đấu. Việc mở được cửa hàng chẳng qua là bạn đang ở vạch xuất phát mà thôi.

Với những nhân viên không có ý chí chiến đấu, tôi không hề cảm thấy một chút năng lượng nào toát ra từ cách viết thực đơn của họ. Có khí thế trong khi viết thì chữ có hơi sai một chút cũng không sao, còn nếu thực đơn chỉ là những dòng chữ được xếp lại với nhau, cửa hàng đó sẽ không thể “chiến đấu” được.

Chẳng phải khi nhìn thấy nhiệt huyết của những tuyển thủ quyết giành chiến thắng trong Olympic, chúng ta đều thấy rất ấn tượng đúng không? Vậy tại sao chúng ta không thử làm như thế khi viết thực đơn của quán? Nếu bạn không đủ nhiệt huyết, không đủ nỗ lực, như những tuyển thủ Olympic, vậy bạn định làm gì để gây ấn tượng với khách hàng đến quán?

Ngay trong chuỗi cửa hàng của tôi, nhìn thực đơn là sẽ thấy ngay cửa hàng nào đang mất đi khí thế. Tinh thần khác hẳn nhau. Những nhân viên làm việc dưới trướng của cửa hàng trưởng ở những quán như thế thật đáng thương!

Mọi kinh nghiệm các bạn có được khi làm việc tại cửa hàng bây giờ sẽ trở thành sức mạnh để các bạn mở quán trong tương lai. Vậy mà giờ đây, những kinh nghiệm đó lại không có ích gì cả.

[1] Bagna càuda: Là một món ăn được làm từ tỏi và cá cơm, có nguồn gốc ở vùng Piemonte, Italy.

Takashi Uno/ Bách Việt Books & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/diem-tuong-dong-thu-vi-giua-am-thuc-va-the-thao-post1493353.html