Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Với mục tiêu trở thành điểm về nguồn hấp dẫn người dân, Bảo tàng tỉnh đã đa dạng hóa các hoạt động, đổi mới cách triển khai. Nhờ đó, các hoạt động tại đây đã thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành điểm đến thu hút nhiều bạn trẻ trong dịp hè.
Bảo tàng tỉnh một ngày đầu tuần tháng 7 đã chuẩn bị sẵn sàng để đón những đoàn khách. Trong khuôn viên bảo tàng, cán bộ giới thiệu và dẫn khách tham quan tại các không gian trưng bày. Nơi đây có 9 phòng trưng bày, được sắp xếp theo các chuyên đề, nội dung, như: Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử, Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ (từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX), truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa giai đoạn 1945-1975, Thanh Hóa trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa...
Theo đoàn cán bộ giáo viên, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện của Trường THCS Dân Lý (Triệu Sơn) đi tham quan các phòng trưng bày, các em học sinh đều chăm chú lắng nghe những lời giới thiệu của cán bộ bảo tàng. Nhiều em tỏ ra bất ngờ và thích thú quan sát những hiện vật. Em Lê Mai Phương, học sinh lớp 9, Trường THCS Dân Lý, cho biết: "Đây là lần đầu tiên em được đi tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh. Những hiện vật cùng những lời giới thiệu của cán bộ bảo tàng đã củng cố và cụ thể thêm những kiến thức em đã được học trong sách vở. Qua đó, em càng hiểu, tự hào về lịch sử dân tộc cũng như trân trọng lịch sử và biết ơn những đóng góp của thế hệ cha ông đã xây dựng, đấu tranh bảo vệ đất nước".
Trường THCS Dân Lý thường xuyên tổ chức các đoàn tham quan, học tập tại các điểm đến là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Trong chuyến tham quan học tập hè năm nay, nhà trường đã lựa chọn Bảo tàng tỉnh là điểm đến với mong muốn các giáo viên, học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử. Hiệu trưởng Trường THCS Dân Lý Lê Quốc Tuấn cho biết: “Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường luôn xác định học tập, trải nghiệm tại các địa chỉ đỏ là việc làm quan trọng để bổ sung kiến thức và giúp các em hiểu rõ hơn, nhớ kỹ hơn về lịch sử dân tộc. Tham quan, học tập tại Bảo tàng tỉnh là một chuyến đi bổ ích. Những bài thuyết minh gắn liền với các hiện vật lịch sử, được trưng bày khoa học theo từng chủ đề, giai đoạn lịch sử đã giúp các em hiểu cụ thể, khái quát hơn về quá trình xây dựng, đấu tranh bảo vệ đất nước của cha ông. Điều này đã giúp khơi gợi hứng thú với môn lịch sử và văn hóa, lịch sử dân tộc, các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử của các em học sinh”.
Chị Lê Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng tỉnh) cho biết: "Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa là một trong những bảo tàng có quy mô với nhiều hiện vật quý, được quan tâm đầu tư. Các hoạt động của bảo tàng cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của học sinh và Nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Để trở thành một điểm đến giáo dục lịch sử, văn hóa, di sản, bảo tàng đã đa dạng hóa các hoạt động, trong dịp hè năm 2024, ngoài phục vụ người dân và du khách đến tham quan, bảo tàng đã triển khai chương trình giáo dục cuối tuần. Các chương trình được xây dựng theo từng chủ đề gắn liền với các nhân vật, sự kiện lịch sử và sự kiện của đất nước. Đồng thời, các chương trình được xây dựng ý tưởng sao cho gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu, hấp dẫn các bạn nhỏ; hình thức truyền tải đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh".
Để thuận tiện cho các phụ huynh, nhà trường theo dõi và đăng ký tham gia, Bảo tàng tỉnh đã đăng nội dung, chủ đề các chương trình giáo dục lên trang facebook, fanpage. Các hoạt động của bảo tàng nói chung và chương trình giáo dục được đăng tải thường xuyên cùng với đường link đăng ký tham gia. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động của bảo tàng đã góp phần giúp người dân hiểu rõ hơn về các hoạt động của bảo tàng, đưa bảo tàng đến gần với người dân hơn.
Trong tháng 6 và tháng 7, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện được 9 chương trình giáo dục với các chủ đề như: Theo dấu chân người tiền sử, hậu phương Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên phủ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, câu chuyện về những người anh hùng - tìm hiểu về anh Kim Đồng... Các chương trình đã thu hút đông đảo các bậc phụ huynh, nhà trường đăng ký tham gia. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, bảo tàng đã phục vụ hơn 24.700 lượt khách tham quan bảo tàng và trưng bày.
Chị Hoàng Thị Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để trở thành điểm về nguồn hấp dẫn của người dân, đặc biệt là các bạn nhỏ, Bảo tàng tỉnh đã chủ động đấu mối với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các trường học về việc đưa học sinh đến tham quan, học tập. Đồng thời, bảo tàng chủ động xây dựng các chuyên đề, chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi, cấp học, mỗi địa phương, đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng tham quan. Cùng với đó, với phương châm lấy sự phong phú của hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, bảo tàng đã nỗ lực sưu tập các hiện vật, phân loại theo các chủ đề, trưng bày một cách khoa học, hợp lý để người dân tham quan, tìm hiểu dễ nhớ, ấn tượng.
Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật mà còn là điểm đến giáo dục lịch sử, văn hóa đã và đang từng bước khẳng định sự đổi mới, chuyển mình phù hợp với hiện tại. Với việc làm mới mình, bảo tàng không những đã góp phần làm phong phú hình thức dạy học lịch sử, khơi dậy đam mê với lịch sử, văn hóa dân tộc mà còn cho học sinh và du khách nhiều trải nghiệm, cách tiếp cận về văn hóa, lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, bản lĩnh, ý thức vươn lên cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-ve-nguon-y-nghia-trong-dip-he-32245.htm