Điểm xét tốt nghiệp từ 2025 chỉ nên sử dụng kết quả thi, tránh 'làm đẹp' học bạ
Theo một số CSGD, phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn phù hợp với những mục tiêu của chương trình GDPT2018; đảm bảo tính toàn diện và cân bằng.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về phương án tổ chức môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Các phương án được đưa ra lựa chọn là: 3+2, 4+2 và có thêm đề xuất phương án 2+2.
Thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn đủ cơ sở để đánh giá
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) cho biết, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến giáo dục con người toàn diện, vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Theo đó, chương trình đảm bảo phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chỉ chú trọng kiến thức.
Chính vì vậy, thầy Tùng chia sẻ, mong muốn lựa chọn phương án thi 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn (1 trong 2 môn là môn Lịch sử).
Theo kết quả khảo sát của Trường trung học phổ thông M.V. Lô-mô-nô-xốp, phần lớn cán bộ, giáo viên đều chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Cụ thể, theo bảng khảo sát sau:
Lý giải cho điều này, vị Hiệu trưởng cho biết: “Thứ nhất, đối với phương án với 5 môn thi (3 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn), không quá nhiều nhưng vẫn đảm bảo đủ 3 môn cơ bản. Điều này giúp giảm tải áp lực cho học sinh và tiết kiệm kinh phí cho cả xã hội. Thứ hai, ở phương án này, học sinh được lựa chọn khả năng, năng lực của mình ở môn đã học, tạo được sự cân bằng giữa các học sinh có thiên hướng khối tự nhiên và khối xã hội”.
Thầy Tùng chia sẻ thêm, do số môn thi tốt nghiệp sẽ ít hơn 1/2 số môn học, nên nếu cho rằng điều này ảnh hưởng đến việc học lệch của học sinh là chưa chuẩn xác. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là theo hướng cho học sinh lựa chọn theo năng lực của mình. Và sẽ còn một số trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh, nên có thể nói, việc lựa chọn môn thi không làm ảnh hưởng đến vấn đề học lệch của học sinh.
Theo thầy Tùng, với phương án thi như vậy, cách xét điểm tốt nghiệp chỉ nên sử dụng kết quả của kỳ thi và không cần xét điểm học bạ, tránh việc có những “học bạ đẹp” nhưng kết quả thi lại xa vời so với kết quả môn học đó trong học bạ.
“Việc sử dụng cả kết quả trong quá trình học là tốt, nhưng hiện nay đâu đó vẫn có tình trạng “làm đẹp” học bạ, điều này làm xấu hình ảnh của giáo dục cũng như không công bằng với nhiều học sinh khác”, thầy Tùng chia sẻ.
Về việc chuẩn bị cho học sinh khối 11 năm nay - khóa đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025, thầy Tùng cho biết: Hiện tại, nhà trường thực hiện tốt các yêu cầu chuẩn kiến thức, chuẩn kĩ năng cho học sinh theo chương trình mới. Bên cạnh đó, nhà trường cũng ổn định tâm lý cho học sinh và phụ huynh về kỳ thi tốt nghiệp 2025, việc ra đề sẽ sát với kiến thức, kĩ năng, năng lực của học sinh.
Song song với chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà trường mời chuyên gia hướng dẫn, trao đổi với giáo viên và học sinh về 2 kỳ thi đang thịnh hành là đánh giá năng lực (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đánh giá tư duy (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Qua đó, giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt trong cả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lẫn định hướng vào các trường đại học.
Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh lại có quan điểm ngược lại về cách tính điểm tốt nghiệp.
Ông Sơn cho rằng, vẫn nên giữ ổn định cách tính điểm công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay, dựa trên điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình môn học (điểm học bạ). Như vậy, học sinh cần phải học tập tốt để có kết quả học bạ tốt để tham gia xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Từ đó, vị Phó Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh, việc lựa chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn vẫn đủ cơ sở để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bởi lẽ, điểm học bạ của học sinh cũng góp phần vào điểm xét tốt nghiệp.
Phương án 3+2 đảm bảo tính toàn diện, cân bằng
Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Phùng Đăng Dũng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Hữu nghị 80 (Sơn Tây, Hà Nội) cũng cho rằng, việc lựa chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn là phù hợp vì đảm bảo được tính toàn diện, cân bằng giữa tổ hợp xã hội và tự nhiên. Ngoài ra, với phương án này cũng không gây áp lực cho học sinh vì phải học quá nhiều môn; đồng thời tránh việc thời gian thi cử kéo dài.
Thầy Dũng nói: “Cấp trung học phổ thông là giai đoạn định hướng nghề nghiệp; học sinh lựa chọn môn học phù hợp với sở trường, năng lực bản thân cho định hướng công việc tương lai. Chính vì vậy, việc lựa chọn phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông với số môn bắt buộc và tự chọn như vậy không làm ảnh hưởng đến vấn đề học lệch của học sinh mà ngược lại còn theo đúng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Trước đề xuất về phương án thi trung học phổ thông, thầy Dũng thông tin, Trường Hữu Nghị 80 đã triển khai tiến hành khảo sát, đánh giá xu hướng lựa chọn các môn thi của học sinh để tổ chức các hoạt động giảng dạy cho phù hợp.
Nhà trường đã tổ chức phân loại, đánh giá năng lực của học sinh để tổ chức các lớp phụ đạo đạt hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, trường cũng tiến hành xây dựng ngân hàng câu hỏi để tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng yêu cầu cần đạt của môn học nằm trong các môn thi bắt buộc và lựa chọn.
Phương án 4+2: Thi 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3+2: Thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Ngoài ra, trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang, đã có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2. Cụ thể, các thí sinh thi 2 môn Toán, Ngữ văn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử.