Điểm yếu của du lịch Đà Nẵng
Du lịch Đà Nẵng vẫn mang tính mùa vụ khi tăng trưởng chủ yếu nhờ vào mùa cao điểm của khách nội địa, thu hút khách quốc tế chưa xứng tiềm năng.
Dữ liệu thống kê cho biết, nửa đầu năm nay, ngành du lịch Đà Nẵng phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khách quốc tế tăng tới hơn 40%, khách nội địa tăng gần 18%. So với giai đoạn trước Covid-19, con số tăng trưởng lên tới gần 90%.
Điều này cho thấy du lịch Đà Nẵng đã phục hồi hoàn toàn và có tăng trưởng mạnh so với 2019, đặc biệt, khách nội địa tăng cao hơn ba lần. Tuy vậy, công suất phòng bình quân vẫn còn thấp.
Tính đến cuối năm ngoái, Đà Nẵng có hơn 46 ngàn phòng lưu trú và với lượng khách cao nhất vào tháng 8 đạt 800 ngàn lượt, công suất phòng bình quân chỉ đạt 30%, có tháng thấp điểm bình quân chỉ đạt 13%.
Số lượng khách du lịch lưu trú tại địa điểm này cũng còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng mong muốn của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, số liệu khách du lịch lưu trú theo từng tháng năm ngoái đã cho thấy xu hướng khách du lịch theo mùa vụ rất rõ nét với tăng trưởng theo hình “cầu vồng”.
Các tháng có mức tăng trưởng nhẹ là tháng 3 – 5 và tập trung cao điểm nhất là vào mùa hè từ tháng 6 – 8. Trong khi đó, sáu tháng còn lại đều tụt giảm sâu khi mùa du lịch nội địa kết thúc.
Mặc dù số lượng chuyến bay kết nối với các nước và vùng lãnh thổ đến Đà Nẵng tăng đều, mạnh nhất là Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, nhưng trở ngại khách quan lớn với du lịch Đà Nẵng trong nỗ lực thu hút khách quốc tế vẫn còn nhiều.
Đơn cử như ngành hàng không vẫn thiếu máy bay, vẫn chưa có chính sách thu hút khách từ các thị trường lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga.
Dữ liệu cũng cho thấy sự chênh lệch giữa khách nội địa với khách quốc tế lớn, có nhiều tháng, số lượng khách nội địa gấp 2 – 3 lần khách quốc tế.
Những người làm du lịch tại Đà Nẵng cũng nhận biết rõ ràng rằng, Đà Nẵng vẫn là điểm thu hút khách nội địa mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Khách quốc tế vẫn là “mỏ vàng” chưa được khai thác đủ mạnh mẽ.
Nhiều khoảng trống
Là cửa ngõ hàng không quốc tế của miền Trung, nhiều chuyến bay quốc tế được kết nối tới Đà Nẵng từ các thị trường châu Á sau khi du lịch quốc tế phục hồi.
Lượng khách quốc tế đa dạng với nhiều quốc tịch, nhiều nhu cầu khác nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phân khúc khách hàng.
Bên cạnh các thị trường khách có thị hiếu du lịch tương đồng nhau với Việt Nam như khách du lịch gốc Hoa hay Lào, Campuchia, vẫn có nhiều khách quốc tế có nhu cầu ẩm thực khác như khách Hồi giáo đến từ Malaysia, Indonesia hay khách Ấn Độ.
Dòng khách này có khẩu vị ẩm thực hoàn toàn khác so với ẩm thực Việt, tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines cũng có nhu cầu mua sắm hàng hóa khác nhau ngoài những đặc sản miền Trung. Do vậy, nếu doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu mua sắm này cũng có thể tận dụng cơ hội mới.
Rất nhiều nhu cầu khách quốc tế cần được khai thác nếu cộng đồng doanh nghiệp nhạy bén tối ưu hóa nhu cầu du khách.
Lễ hội và sự kiện du lịch, hội nghị hội thảo (MICE) cũng là một trong những công cụ để kích cầu hiệu quả và khắc phục tính mùa vụ trong ngành du lịch.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, năm ngoái, thành phố tổ chức khoảng 20 sự kiện du lịch, lễ hội và chương trình kích cầu du lịch “Tận hưởng Đà Nẵng 2023” với quy mô lớn. Tuy nhiên, các sự kiện tổ chức nhiều vào mùa hè, trong khi các tháng còn lại có quy mô nhỏ và thưa thớt.
Một trong các nguyên nhân là bởi các sự kiện du lịch này hầu như chỉ tập trung vào “nguyên liệu địa phương có” mà chưa để ý đến đặc thù “mà du khách cần”.
Hầu hết các lễ hội được tập trung vào mùa khách nội địa, đặc biệt là mùa hè, trong khi sự kiện mùa thấp điểm lại rất thưa thớt, thiếu ấn tượng và quy mô nhỏ lẻ.
Ngoài hai tháng mùa mưa có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức sự kiện ngoài trời, các tháng còn lại có thể là cao điểm cho các thị trường khách quốc tế chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư đúng tầm.
Đơn cử, Lễ hội Té Nước của người Thái, Lào, Campuchia vào tháng 4 thì Đà Nẵng gần như không có hoạt động nào. Hay Tết Trung thu là thời điểm nhu cầu du lịch của người Hàn Quốc rất cao, nhưng hoạt động này chỉ tự phát từ người dân, mà chưa được quan tâm đầu tư nâng tâm lên thành sự kiện thu hút khách Hàn trong giai đoạn này.
Hay thời điểm Golden Week là kỳ nghỉ vàng của người Nhật vào tháng 9, cũng là tháng thấp điểm nhất trong năm, thì cũng không có hoạt động nào thu hút lượng khách này.
Chưa kể tháng 12, dịp Noel và năm mới là cao điểm các nước châu Âu nghỉ đông, Đà Nẵng cũng chưa có nhiều hoạt động chủ đề nào quy mô lớn với định hướng thu hút dòng khách này.
Nhìn chung, sự kiện du lịch tại Đà Nẵng vẫn chưa chú trọng vào từng đặc thù của mỗi quốc tịch, đa phần hướng tới khách nội địa.
Lễ hội, sự kiện là công cụ kích cầu hiệu quả, cần được quan tâm và đầu tư vào những tháng thấp điểm. Điều này sẽ giúp đảm bảo việc kéo khách du lịch quốc tế trong các tháng thấp điểm và làm hạn chế tính mùa vụ du lịch qua các tháng trong năm.
Du lịch MICE cũng là hình thức tốt để thu hút lượng du khách từ các thị trường lớn.
Du lịch là lĩnh vực đa ngành, góp phần vào phát triển kinh tế chung của địa phương. Do đó, Đà Nẵng nên mạnh dạn giao, hoặc “đặt hàng” cho mỗi sở, ban, ngành đăng cai tổ chức sự kiện lớn trong năm, quy mô quốc gia hoặc tầm quốc tế, có thể đảm bảo tháng nào cũng có sự kiện tại thành phố này, góp phần thu khách MICE, khẳng định Đà Nẵng là thành phố của các sự kiện kinh tế, ngoại giao, chính trị, thể thao, văn hóa và du lịch.
Đảm bảo du lịch Đà Nẵng bền vững, bao trùm
Để du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững, cần đảm bảo rằng người dân là chủ thể, theo đó, lợi ích từ du lịch sẽ mang lại cơ hội nghề nghiệp, việc làm rộng rãi cho người dân.
Hiện các cơ sở dịch vụ du lịch Đà Nẵng đang tập trung ở khu vực Hải Châu, Sơn Trà, trong khi các quận, huyện khác như Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Vang hay Hòa Liên vẫn thưa thớt dù không thiếu tài nguyên du lịch.
Các địa điểm này đều có thể khai thác phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng hay du lịch làng nghề. Các giá trị bản địa ở các địa phương này hầu như chưa được khai khác và đóng gói để trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm giá trị.
Theo đó, chính quyền cần xây dựng chính sách khuyến khích, định hướng đầu tư vào các mảng du lịch mới tại các địa phương này, từ đó cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hay người dân.
Điều này vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho các nguồn khách khác nhau, vừa tạo dư địa để phát triển các lễ hội truyền thống, khai thác giá trị bản địa, góp phần hạn chế tính mùa vụ trong du lịch tại địa phương.
*Bài viết thể hiện quan điểm tác giả Nguyễn Sơn Thủy, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Học viện AIT Thái Lan, Giám đốc công ty lữ hành Visit Indochina.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/diem-yeu-cua-du-lich-da-nang-d36558.html