Điểm yếu Nga 'hớ hênh', Syria sắp tuột khỏi tay: Cơ hội của Mỹ là đây?
Cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới giữa ông Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ là cơ hội rất lớn để Washington có được một chỗ đứng vững chắc ở Syria.
Cơ hội Syria cho Mỹ
Theo Foreign Policy, cuộc gặp thượng đỉnh vào tuần tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva là bối cảnh tối ưu để Washington bắt đầu tiến hành một thỏa thuận về Syria.
Nga từ lâu muốn được Mỹ công nhận về vị thế địa chính trị sau khi giúp đỡ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đảo ngược tình thế cuộc chiến.
Việc ông Biden tổ chức cuộc gặp lần này được coi như một sự ghi nhận đối với Nga, điều có thể mở đường cho sự kết hợp Mỹ-Nga trong tương lai về vấn đề Syria, không còn chỉ là các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vốn diễn ra sau cánh cửa đóng kín.
Cây bút Lina Khatib của Foreign Policy nhận định, Washington có thể tự tin điều phối cuộc xung đột Syria nếu nước này đẩy mạnh các cuộc đàm phán song phương với Moscow.
Quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng về nhiều mặt - bao gồm Ukraine, bất đồng về chính trị và cáo buộc can thiệp bầu cử. Mặc dù đứng ở hai bên đối lập trong cuộc xung đột Syria, một thỏa hiệp Mỹ-Nga vẫn có khả năng xảy ra.
Để đạt được điều đó, Mỹ phải theo đuổi phương pháp tiếp cận cây gậy-củ cà rốt, lợi dụng những điểm yếu cũng như khao khát của Nga mà không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của chính mình.
Nga không đi theo tiến trình hòa bình Syria do phương Tây dẫn đầu, vì không có áp lực chính trị hoặc quân sự đáng kể nào buộc nước này phải thỏa hiệp.
Moscow tự thiết lập giải pháp chính trị của riêng mình cho quốc gia Trung Đông, với mục tiêu thúc đẩy các nước chấp nhận chính quyền Assad là người chiến thắng trên thực tế trong cuộc xung đột Syria và tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Việc phương Tây cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria trong thập kỷ qua đã giúp Nga cảm thấy cách tiếp cận của mình là hợp lý.
Thời gian càng trôi qua, Nga sẽ càng lôi kéo các quốc gia khác bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad và Syria càng trở thành công cụ để gia tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Chính quyền Biden có các phương tiện để ngăn chặn kịch bản này xảy ra. Để làm được như vậy, nước này cần phát triển ý chí chính trị để bắt sóng với Nga và đạt được một thỏa thuận về Syria ngay từ bây giờ.
Trừng phạt sẽ tiếp diễn
Tuy nhiên, theo The Conversation, Nhà Trắng không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc họp ngày 16/6, trong khi Tổng thống Biden cảnh báo sẽ gây thêm áp lực nếu Nga không thay đổi hành động của mình.
Trong cuộc điện đàm với ông Putin, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng, "chúng tôi có thể làm nhiều hơn nữa với các lệnh trừng phạt, nhưng tôi đã không chọn như vậy”.
Điều này đặt ra những suy đoán về việc Mỹ sẵn sàng có những biện pháp mạnh tay hơn nếu thượng đỉnh sắp tới không gặt hái được thành quả.
Các chuyên gia nghiên cứu về năng lượng toàn cầu nhấn mạnh dầu mỏ và khí đốt vừa là sức mạnh, vừa là gót chân Achilles của Nga. Đây vẫn là mấu chốt để Mỹ trừng phạt Nga.
Kể từ đầu những năm 2000, Nga đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu trên toàn cầu. Giá trị tài nguyên này chiếm hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội của Nga và xuất khẩu năng lượng chiếm khoảng một nửa doanh thu.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu dầu và khí đốt đã khiến nền kinh tế của Nga dễ bị tổn thương trước những biến động của giá năng lượng toàn cầu.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga sau khủng hoảng Ukraine vào năm 2014. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu nhắm vào các công ty và cơ quan chính phủ không thuộc Nga cung cấp tài chính, hàng hóa, dịch vụ và công nghệ giúp Nga thăm dò và phát triển dự trữ dầu mới.
Giới phân tích đã chia rẽ trong việc đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt này. Một số cho rằng tác động của chúng là không hiệu quả, khi sản lượng dầu tiếp tục tăng chứng minh rằng các công ty Nga đã thích nghi với các áp đặt từ bên ngoài.
Tuy nhiên, các nhà quan sát khác chỉ ra nền kinh tế giảm hơn 1/3 từ 2,3 nghìn tỷ USD xuống 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2020 là minh chứng cho thấy Nga đã tổn thương.
Nhưng bất kể tác động thế nào, áp lực của phương Tây rõ ràng chưa đủ để ngăn cản Nga vươn lên và tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Chính vì vậy, chính quyền Biden có thể sẽ chọn hướng đi mới dữ dội hơn.
Ví dụ, các biện pháp trừng phạt sắp tới có thể được áp dụng đối với bất kỳ công ty nào không phải của Nga đang giúp phát triển trữ lượng dầu hoặc khí đốt mới ở khu vực Đông Siberi. Những dự án này - như dự án Vostok Oil - đóng vai trò thiết yếu đối với sự gia tăng sản lượng nói chung của Nga kể từ năm 2014.
Việc gây áp lực lên các khoản đầu tư nước ngoài sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của Nga nhằm chống lại tình thế sụt giảm sản lượng.
Một mục tiêu khác để gia tăng các biện pháp trừng phạt là dự án dầu khí khổng lồ gần đảo Sakhalin, vùng Viễn Đông của Nga, trung tâm của kế hoạch mở rộng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, chính quyền Biden có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với tất cả hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ, bao gồm các linh kiện và bộ phận đặc trưng cho các công ty dầu khí Nga.
Điều này sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc phát triển các mỏ dầu đá phiến, một trong những nguồn cung cấp lớn nhất cho tăng trưởng sản xuất trong tương lai.