Điện ảnh Lâm Đồng và những bước thăng trầm

Trải qua nhiều bước thăng trầm theo từng thời kỳ, nhất là trước sự phát triển như vũ bão của nhiều loại hình giải trí, hoạt động điện ảnh cũng đứng trước bước đi thăng trầm... Đổi mới công nghệ kỹ thuật, tìm cách làm mới, tìm hướng phát triển mới luôn là đòi hỏi đặt ra để những người làm công tác điện ảnh hiện nay tiếp tục đóng góp làm phong phú đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Rạp 3/4 Đà Lạt đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua

Rạp 3/4 Đà Lạt đã ngưng hoạt động từ nhiều năm qua

Với nhiều người sinh ra vào những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, lớn lên trên quê mới Lâm Đồng, hoạt động chiếu phim lưu động luôn gắn liền với ký ức. Mỗi năm chỉ một đôi lần, những xóm núi heo hút bỗng náo nhiệt bởi sự có mặt của đội chiếu bóng lưu động. Từ 4 giờ chiều mọi nhà đã thu xếp công việc, nấu cơm ăn sớm để khi trời vừa tối là kịp kéo đến bãi đất trống nơi có căng màn hình lớn trắng tinh, máy móc cồng kềnh, máy nổ phát điện chiếu sáng cả khoảng trời. Trẻ con thì háo hức vì đông vui, người lớn thì dõi theo nội dung bộ phim, để những ngày hôm sau tiếp tục luận bàn từng tình tiết... Những ngày ấy, điện ảnh thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu, các đội chiếu bóng lưu động được coi là lực lượng xung kích đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào các dân tộc ở khắp vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Lâm Đồng từng có thời kỳ có 4 rạp chiếu bóng (Rạp 3/4, rạp chiếu bóng Giải phóng (135 Phan Đình Phùng), 2 rạp chiếu bóng mini (số 6 và số 57 Trương Công Định) vào những thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20. Nhiều bộ phim hay, các rạp chiếu hoạt động hết công suất, khán giả phải xếp hàng mua vé từ vài ngày trước. Cách đây hơn 20 năm, rạp 3/4 vẫn còn là địa chỉ văn hóa, là nơi hẹn hò của một bộ phận người trẻ Đà Lạt đến xem những bộ phim hay.

Thế rồi xuất hiện loại hình giải trí mới video với loại băng, đĩa, đầu thu HD, rồi sự bùng nổ internet và truyền thông kỹ thuật số, Rạp 3/4 là rạp công lập duy nhất của tỉnh do Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng quản lý dần thưa khách, hoạt động cầm chừng. Từ nhiều năm qua, các hãng phim và nhà phát hành phim đã ngừng cung cấp nguồn phim cho Trung tâm do máy móc thiết bị không đáp ứng được với công nghệ hiện đại ngày nay và do xuống cấp nên Rạp 3/4 đóng cửa hẳn. Không còn những ngày đi qua khu Hòa Bình xôn xao phim ảnh, khiến không ít người nuối tiếc về một thời vang bóng.

Thực hiện “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, từ 5 năm qua Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng đã được đầu tư đổi mới công nghệ, phương tiện máy móc mới, đổi mới phương thức phục vụ khán giả. Hàng năm, Trung tâm đã được đầu tư hệ thống máy vi tính, máy chiếu phim chuẩn HD, ổ cứng di động dung lượng lớn và phần mềm chuyên dụng phục vụ nhu cầu chiếu phim theo công nghệ hiện đại. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến phim. Không còn chiếu phim tại rạp, hoạt động chiếu phim lưu động được Trung tâm xác định là thế mạnh, phù hợp với đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Để hoạt động chiếu phim lưu động đi vào nền nếp, Trung tâm được tỉnh trang bị thêm 1 xe ô tô phục vụ công tác chiếu phim lưu động, đầu tư trang bị 3 bộ máy chiếu HD cho đội chiếu bóng lưu động. Nằm trong chương trình “đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến phim tới vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn”; Trung tâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp 1 hệ thống máy chiếu HD, 1 xe bán tải chuyên dụng phục vụ chiếu bóng lưu động.

3 đội chiếu bóng lưu động miền núi của Trung tâm đã bám sát địa bàn, đưa nhiều bộ phim hay về các thôn, xóm, buôn làng, phục vụ có hiệu quả các nguồn phim Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật kết hợp các phim tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả các xã trong tỉnh bình quân hàng năm được xem từ 2 - 3 buổi chiếu phim. Hàng năm, Trung tâm thực hiện hơn 540 buổi chiếu tại hơn 350 điểm chiếu thuộc 111 xã trên địa bàn tỉnh, phục vụ gần 100 ngàn lượt người xem. Riêng năm 2020, Trung tâm đã tổ chức 7 đợt chiếu phim phục vụ Nhân dân kết hợp công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kỷ niệm các ngày lễ. Thực hiện, biên tập 221,98 m2 pano cổ động, 48 tài liệu tuyên truyền xe loa, 32 tiểu phẩm tình huống tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Phục vụ 560 buổi chiếu bóng lưu động, trong đó: 214 buổi tuyên truyền xe loa và phát tờ rơi về phòng, chống dịch COVID-19; 346 buổi chiếu phim, phục vụ 154.970 lượt người xem, trong đó lượt người xem là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 75%.

Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động các rạp chiếu phim tư nhân để thấy rằng, điện ảnh vẫn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Cuộc sống đổi thay, bây giờ xem phim khác xưa, các rạp chiếu phim tư nhân với đầu tư hệ thống thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại vẫn thu hút khán giả, dù giá vé cao. Với việc xã hội hóa hoạt động chiếu phim, 2 cơ sở chiếu phim tư nhân là rạp của Công ty Ngôi sao Đà Lạt (tại Siêu thị BigC) và rạp Chi nhánh Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam tại Bảo Lộc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật giải trí ngày càng cao của Nhân dân ở hai thành phố và khu vực phụ cận. Cụ thể, năm 2020 thực hiện 15.928 buổi chiếu tại rạp, trong đó có 3.773 buổi chiếu phim Việt Nam, 12.155 buổi chiếu phim nước ngoài, thu hút 716.923 lượt người xem, đạt doanh thu khoảng 39,31 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, thời gian tới ngành sẽ đề xuất bố trí quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim với trang thiết bị kỹ thuật số hóa đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với nguồn cung cấp phim phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị chiếu phim kỹ thuật số phù hợp cho các Đội chiếu bóng miền núi để tăng số lượng buổi chiếu phim lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thu hút cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động xã hội hóa điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh. Đa dạng hình thức lồng ghép hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh. Tổ chức tuần phim trong các Ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật; kết hợp giữa điện ảnh và du lịch để quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng đến với công chúng yêu điện ảnh, người dân trong nước và quốc tế.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202106/dien-anh-lam-dong-va-nhung-buoc-thang-tram-3059728/