Điện ảnh Thái Lan nhìn từ cơn sốt 'Gia tài của ngoại'

Trước khi 'Gia tài của ngoại' gây sốt, hầu hết các đầu phim 'made in Thailand' từng ra rạp tại Việt Nam đều đạt doanh thu khả quan, thậm chí thắng lớn. Trong chiến lược quảng bá 'quyền lực mềm' Thái Lan, Chính phủ nước này đang tham vọng điều gì ở ngành công nghiệp điện ảnh?

“Gia tài của ngoại” khuấy đảo phòng vé châu Á

Theo thống kê của Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), tính đến sáng 18/6, bộ phim “How to make millions before grandma dies” (tựa Việt: “Gia tài của ngoại”) đạt doanh thu hơn 55,9 tỷ đồng, sau 10 ngày ra rạp. Tính riêng trong ngày 17/6, phim bỏ túi hơn 336 triệu đồng với 4.729 vé bán ra/ 1.768 suất chiếu. Phim từng trụ top 1 phòng vé ở Việt Nam khá lâu trước khi tụt xuống vị trí số 2, nhường chỗ cho “Inside out 2”.

Một cảnh trong phim “Gia tài của ngoại”.

Một cảnh trong phim “Gia tài của ngoại”.

Tại quê nhà Thái Lan, phim phát hành từ tháng 4/2024 và nhanh chóng vượt qua nhiều bom tấn của Hollywood, thống trị phòng vé, đạt doanh thu 94,7 triệu baht (hơn 65,4 tỷ đồng) trong tuần đầu ra mắt. Tác phẩm trở thành phim Thái có doanh thu mở màn cao nhất năm 2024 và cao thứ hai trong lịch sử điện ảnh xứ chùa vàng. Sau 21 ngày ra rạp, phim cán mốc 300 triệu baht (hơn 207,4 tỷ đồng), trở thành phim có doanh thu cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay. Không chỉ vậy, phim còn gây sốt ở thị trường châu Á. Tại Indonesia, phim đã vượt qua 2 triệu lượt xem, trở thành tựa phim châu Á có doanh thu lớn thứ hai tại phòng vé Indonesia từ trước đến nay, sau “Exhuma: Quật mộ trùng ma”.

“Gia tài của ngoại” do đạo diễn Pat Boonnitipat cầm trịch. Nội dung phim xoay quanh chàng trai thất nghiệp tên M (Billkin Putthipong đóng). Mang ước mơ trở thành một streamer, M vùi đầu vào việc livestream chơi game, nhưng công việc không khả quan khi chỉ có vài người xem. Một ngày, M nghe tin bà ngoại mắc ung thư giai đoạn cuối. Cậu nhớ đến cô em họ Mui (Tu Tontawan đóng) được thừa kế biệt thự từ việc chăm sóc người ông. Lúc này, M mang hy vọng được bà cho căn nhà trước khi qua đời. Song, khoảng thời gian sống cùng ngoại giúp M nhận ra có những điều quý giá hơn cả tài sản.

Tác phẩm nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Trên Imdb, phi được chấm 8,4/ 10 điểm. Strait Times nhận xét phim thành công nhờ lượng người hâm mộ của Billkin đổ ra rạp, đồng thời phản ánh tình trạng già hóa dân số ở châu Á, khi người cao tuổi thiếu thốn sự chăm sóc. Trên chuyên trang phim ảnh MyDramaList, khán giả đánh giá dự án gợi nhiều cảm xúc, hài hước lẫn xúc động.

Thái Lan đang toan tính điều gì với ngành điện ảnh?

Không phải đến “Gia tài của ngoại”, phim Thái Lan mới tỏa sáng ở rạp Việt và nhiều nước trong khu vực. Khoảng 10 năm trở lại đây, hầu hết các phim của xứ chùa Vàng ra rạp tại Việt Nam đều đạt doanh thu khả quan, thậm chí thắng lớn.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và các thành viên Chính phủ tới rạp xem phim “Undertaker” thể hiện quyết tâm biến điện ảnh thành “quyền lực mềm”.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và các thành viên Chính phủ tới rạp xem phim “Undertaker” thể hiện quyết tâm biến điện ảnh thành “quyền lực mềm”.

Đơn cử, năm 2022, “Ngược dòng thời gian để yêu anh” đã tạo nên cơn sốt, đạt doanh thu 84,7 tỷ đồng - con số cao nhất từ trước đến nay cho phim điện ảnh Thái chiếu tại Việt Nam. Ra mắt năm 2019, phim “Yêu nhầm bạn thân” từng nắm giữ kỷ lục doanh thu phim Thái tại Việt Nam suốt 3 năm với con số 53,2 tỷ đồng. Trước đó, các phim như “Lừa đểu gặp lừa đảo” (2020, doanh thu 37,4 tỷ đồng), “Daeng: Hậu duệ tình người duyên ma” (2022, doanh thu 35 tỷ đồng), “Thiên tài bất hảo” (2017, doanh thu 24 tỷ đồng)… từng khuấy đảo phòng vé Việt.

Những năm gần đây, điện ảnh Thái Lan có sự chuyển đổi thích ứng với thị trường khá nhanh, thậm chí đứng top đầu trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh dòng phim khai thác các yếu tố văn hóa tâm linh làm nên thương hiệu điện ảnh Thái, gần đây các nhà sản xuất đầu tư đa dạng cho các thể loại để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả. Thống kê cho thấy, mỗi năm tại Thái Lan có ít nhất hơn 20 dự án của các nhà sản xuất lớn nhỏ được ra mắt với nội dung phong phú, trong đó có nhiều chủ đề được chú ý như: quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa thiểu số Thái Lan hoặc kêu gọi quyền lợi cho những người yếu thế.

Có thể kể đến phim ẩm thực “Hunger” - phim Thái Lan đầu tiên lọt vào danh sách 10 phim hay nhất toàn cầu trên Netflix, hay phim kinh dị điều tra “The Murderer”, đến không gian cổ trong “Once upon a star”. Kể cả “Undertaker” cũng mới mẻ với câu chuyện về cuộc sống và cái chết của những người làm dịch vụ tang lễ. Hàng loạt các phim: “4 Kings 2”, “You & me & me”, “I love you two thousand”, “Khun Pan 3”, “Pattaya heat”, “Solids by the seashore”, “Redlife”, “Doi boy”… đều thể hiện những ý tưởng độc đáo và mới lạ, tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành điện ảnh Thái Lan. Gần đây nhất, dòng phim Y (còn gọi phim boylove) đang được quan tâm. Chính phủ nước này đang nỗ lực biến dòng phim Y trở thành quyền lực mềm để quảng bá hình ảnh đất nước như cách người Hàn đã chinh phục thế giới bằng Kpop và Kdrama.

Theo The Nation, Chính phủ Thái Lan cho biết họ coi văn hóa không chỉ là "trang phục bên cửa sổ" và cam kết thực hiện làn sóng sáng kiến "quyền lực mềm" để phát triển gần chục ngành công nghiệp, từ điện ảnh, ẩm thực, âm nhạc và khiêu vũ đến muay Thái. Do đó, chính quyền tạo nhiều chính sách cơ chế cho phát triển điện ảnh. Cụ thể, Ủy ban Phát triển Quyền lực mềm Thái Lan đã phê duyệt tài trợ cho 10 dự án, trong đó có phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, kịch nói và phim hoạt hình.

Tháng 3/2024, Thái Lan cũng dự kiến thành lập Thailand Creative Culture Agency (TCCA) với vốn ngân sách lên đến 7 tỷ baht (200 triệu USD) với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh của địa phương. Cơ quan mới này dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025, nếu được Quốc hội phê chuẩn và được một số bộ cam kết tài trợ, Surapong Suebwonglee - Giám đốc Ủy ban Chiến lược quyền lực mềm quốc gia nói với Variety.

Một tiểu ban do bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, đứng đầu và báo cáo trực tiếp với thủ tướng, cũng đã được trao quyền để bắt đầu cải cách ngành công nghiệp phim truyện và phim tài liệu. Những thay đổi được mong chờ là: giảm bớt gánh nặng kiểm duyệt, thành lập một cơ quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc quay phim, cấp phép địa điểm, cũng như chương trình giảm giá lớn và có ý nghĩa hơn cho các sản phẩm điện ảnh trong nước, tài trợ để phát triển ngành công nghiệp địa phương.

Ông Chai Watcharong - người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan cho biết, nước này đặt mục tiêu lọt vào top 5 quốc gia hàng đầu châu Á được lựa chọn cho ngành công nghiệp điện ảnh. Thống kê của Văn phòng Điện ảnh Thái Lan (TFO), trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan thu được tới 3,192 tỷ baht (hơn 2.206 tỷ đồng) từ việc trở thành địa điểm quay phim của 186 bộ phim nước ngoài. Ông Chai chỉ ra rằng, chính sách giảm giá là yếu tố hàng đầu trong việc thu hút đoàn phim nước ngoài. Hiện tại Thái Lan đang áp dụng mức chiết khấu 15%, cộng thêm 5% cho các dự án sử dụng nhiều nguồn lực địa phương hoặc các dự án quảng bá.

Hiện tại Thái Lan đang áp dụng mức chiết khấu 15%, cộng thêm 5% cho các dự án sử dụng nhiều nguồn lực địa phương. Mức giảm tối đa là 150 triệu baht (hơn 103 tỷ đồng) cho mỗi dự án. “Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim nước ngoài quay ở Thái Lan và đặt mục tiêu biến quốc gia này thành một “địa điểm thân thiện với điện ảnh”, giúp thúc đẩy nền kinh tế, tạo thêm việc làm và dẫn đến phân phối doanh thu cho tất cả các lĩnh vực”, The Nation trích phát ngôn của ông Chai.

Tuy nhiên ngành điện ảnh nước này đôi khi lại bị kiềm chế bởi tư duy chỉ xem điện ảnh là công cụ để hỗ trợ ngành du lịch. Với chính sách mới từ đội ngũ quản lý, khâu kiểm duyệt có lẽ cũng đã có một số thay đổi. Thay vì có số lượng quan chức chính phủ chiếm đa số so với các thành viên trong ngành như tỉ lệ 4-3 trước đây, ủy ban kiểm duyệt đã được sắp xếp hợp lý hơn, với tỉ lệ chuyên gia trong ngành so với quan chức là 3-2. Cuối cùng lý tưởng nhất có thể là thay thế luôn hệ thống kiểm duyệt bằng hệ thống xếp hạng. “Chúng ta là công dân toàn cầu và công dân toàn cầu cần có tư duy toàn cầu. Biên giới văn hóa của chúng ta đã không còn phù hợp nữa”, ông Chalermchatri nói.

Nhờ sự quan tâm từ chính quyền dành cho ngành điện ảnh nước nhà, nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho các dự án phim phát triển. Major Cineplex Group và Workpoint Entertainment đã hợp tác để thành lập công ty sản xuất phim mang tên Carman Line Studio, trong đó có vốn đầu tư khoảng 100 triệu baht (hơn 69 tỷ đồng). BEC World, công ty mẹ của Channel 3 đã hợp tác với M Studio của Major Group để sản xuất bộ phim “Tee Yod 2” (tựa Việt: “Quỷ ăn tạng”) sau thành công vang dội của phần đầu tiên với doanh thu hơn 500 triệu baht (hơn 345,6 tỷ đồng) trong nước và 100 triệu baht (hơn 69 tỷ đồng) tại 20 quốc gia khác trên thế giới.

Gần đây, Nation Group (Thái Lan) liên doanh với các đối tác quốc tế như Black Dragon Entertainment, Transformation Film, Bung Fai Film để sản xuất các dự án phim. Shine Bunnag, Giám đốc điều hành của Nation Group, cho rằng chính sách đầu tư của chính phủ và sự phổ biến ngày của các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix là lý do Nation Group thay đổi chiến lược đầu tư và hợp tác, bởi điện ảnh Thái Lan có nhiều tiềm năng phát triển lâu dài.

Trông người mà ngẫm đến ta

Từ năm đầu 2000, trong khi điện ảnh Việt Nam đang khủng hoảng, nhiều bộ phim Thái vừa thành công ở sân nhà, vừa đem chuông đi đánh xứ người gây tiếng vang. Đến nay, khi Thái Lan đang nỗ lực “phát triển quyền lực mềm” trong lĩnh vực điện ảnh và gặt hái thành tựu nhất định, điện ảnh Việt vẫn đang loay hoay “vượt khó”.

Kể cả khi khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được ban hành vào năm 2022, được kỳ vọng tạo hành lang thông thoáng cho sự phát triển điện ảnh nói chung, hợp tác làm phim với nước ngoài nói riêng, chúng ta vẫn chưa gỡ rối được việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, kiểm duyệt phim, thu hút các đơn vị sản xuất phim quốc tế lựa chọn để ghi hình và sản xuất phim. Đơn cử, luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 có bổ sung Điều 42 về thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam nhưng cụ thể chính sách ưu đãi lại chưa hề được đề cập.

Về quỹ điện ảnh - một yếu tố quan trọng trong phát triển điện ảnh, kể cả Luật Điện ảnh năm 2022 đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích, nguyên tắc hoạt động của quỹ thì đề án thành lập quỹ - dù trình Chính phủ nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. “Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề cản trở khi hợp tác làm phim với nước ngoài như thiếu các chính sách hỗ trợ về thuế, xuất cảnh, nhập cảnh hay cả việc xét duyệt kịch bản phim”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định.

Để gỡ rối các điểm nghẽn trong ngành điện ảnh, hướng tới ngành công nghiệp điện ảnh đặt trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, điện ảnh cần phải chú trọng vào 4 yếu tố: tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh điện ảnh.

“Trong đó, nhà làm phim tài năng tầm cỡ là nguồn lực quan trọng. Để có được đội ngũ này, chúng ta cần rất nhiều điều, cả về môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ. Học hỏi ở các quốc gia khác thông qua hợp tác làm phim, cử người tham gia các khóa đào tạo, tổ chức nhiều hơn nữa các liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam, tham gia các liên hoan phim quốc tế, có thêm các chính sách để khuyến khích đầu tư sáng tạo điện ảnh, bớt đi những cái nhìn khắt khe và cũ với điện ảnh... chính là cách chúng ta xây dựng nguồn lực quan trọng nhất cho điện ảnh”, ông Bùi Hoài Sơn nói.

Bạch Dương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dien-anh-thai-lan-nhin-tu-con-sot-gia-tai-cua-ngoai-i734836/