Điện ảnh tri ân: Những thước phim sống mãi cùng lịch sử

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), Viện Phim Việt Nam đã tổ chức Chương trình chiếu phim miễn phí tại rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) từ ngày 21 đến 23/7. Khép lại sau ba buổi công chiếu, chương trình để lại trong lòng khán giả nhiều cảm xúc lắng đọng qua bốn tác phẩm điện ảnh kinh điển mang đậm chất cách mạng, góp phần ghi lại dấu ấn lịch sử bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Chiếu phim miễn phí nhân 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ảnh: ST

Chiếu phim miễn phí nhân 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ. Ảnh: ST

Đầu tiên là Người thầy giáo thương binh, bộ phim tài liệu của đạo diễn Nhất Hiên sản xuất năm 1971. Phim đã giành Giải Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ hai nhờ khắc họa chân thực hình ảnh người thầy, người lính, vượt lên thương tật để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Bộ phim Hồi chuông màu da cam (đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung), kể về số phận đau đớn của một cựu binh chế độ cũ từng tham gia rải chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Phim không chỉ gây tiếng vang tại Việt Nam mà còn được vinh danh tại Liên hoan phim quốc tế Caclovari với giải Bông hồng Lidixe, đồng thời giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ bảy.

Phim Vành trăng khuyết (đạo diễn Trần Phương, sản xuất năm 1996) khai thác đề tài hậu chiến thông qua hành trình tái hòa nhập cộng đồng của một thương binh trở về từ chiến trường. Bộ phim truyền tải thông điệp sâu sắc về nghị lực sống, lòng trung thành và phẩm chất cao đẹp của người lính cụ Hồ trong thời bình.

Khép lại là bộ phim Đừng đốt (2009, đạo diễn Đặng Nhật Minh), tái hiện hành trình tìm lại và trao trả cuốn nhật ký thiêng liêng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Phim không chỉ ca ngợi tinh thần bất khuất và tình yêu nước của thế hệ trẻ thời chiến, mà còn thể hiện sức mạnh của sự bao dung và tinh thần hòa giải. Đừng đốt đã giành Giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 và chiến thắng 6 hạng mục tại Cánh Diều Vàng 2010…

Phim Đừng đốt tái hiện hành trình tìm lại và trao trả cuốn nhật ký thiêng liêng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: ST

Phim Đừng đốt tái hiện hành trình tìm lại và trao trả cuốn nhật ký thiêng liêng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Ảnh: ST

Việc công chiếu các bộ phim này trong tháng 7 không chỉ có ý nghĩa giáo dục to lớn, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà qua đó, tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Qua các tác phẩm điện ảnh góp phần khắc họa hình ảnh, tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, chiến sĩ là vô giá, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn và thực hiện có hiệu quả phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"./.

THẢO CHI

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dien-anh-tri-an-nhung-thuoc-phim-song-mai-cung-lich-su-41848.html