Làng còn hay mất…

Tôi là dân sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Dù hơn 40 năm nay không sống ở quê nữa nhưng làng vẫn là chốn đi về của gia đình tôi. Hơn 40 năm nay, tôi phải chứng kiến làng tôi đang mất dần.

 Ảnh minh họa: Nina May

Ảnh minh họa: Nina May

Nhắc đến bãi tắm của làng. Làng tôi nhỏ như chiếc khoẳm bò ôm trọn lấy con sông Sinh thơ mộng. Mỗi năm đôi lần, nước sông dâng lên vào mùa mưa, ngập cả làng. Những dịp ấy người lớn thì lo còn trẻ con thì vui vô kể. Cá tôm nhiều, theo nước tràn bờ bơi đi khắp nơi.

Chúng tôi mang vó ra để bên cửa cống chỗ con kênh nối với sông thì thế nào cũng có cá ăn. Nhưng, cái tôi thích nhất là bãi tắm của làng. Một khúc sông êm đềm, nằm bên những cánh đồng lúa mà mùa lúa làm đòng thì xanh ngăn ngắt, mùa lúa chín vàng gió lay như sóng, phả mùi thơm vào tận làng.

Chiều xuống, đàn ông, trẻ con kéo nhau ra tắm đông vui lắm. Từ bãi tắm này, trẻ con cả làng đều biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Đàn bà ý tứ hơn thường tối muộn mới tắm sông. Những cuộc thi bơi của đám trẻ, những tiếng cười lan trên mặt sông trong buổi chiều tà vừa bình yên, vừa đầm ấm.

Phải đến khi tối sẫm mặt sông mới hết người. Thỉnh thoảng những cánh buồm của người chở hàng chạy qua như một nét điểm tô cho bức tranh quê thêm thơ mộng.

Hơn 40 năm sau, nhất là từ sau khi công cuộc Đổi Mới, dân quê tôi khá giả lên, nhà nào cũng xây giếng, khoan nước ngầm nên bến sông cũng vắng vẻ dần rồi không ai ra tắm sông nữa. Mùa thu năm ngoái về quê, nhớ bến xưa, tôi ra sông tắm.

Bãi xưa cát dẽ và sạch thế, bây giờ chỉ có bùn. Con sông xưa nước sạch đến mức người ta còn ra gánh nước về dùng, bây giờ nước cũng bị ô nhiễm nhiều. Dầm mình trong dòng sông xưa mà không còn chút cảm giác nào của mấy mươi năm về trước.

Nơi tôi hay ngồi ngắm sông ngày xưa, giờ cũng không còn. Nó chỉ còn là một bờ ruộng nhỏ, đi khéo mới không sa chân xuống ruộng. Tôi ngẩn ngơ tiếc một thời xa xưa.

Con ao lớn nhất làng ngày xưa mỗi khi ánh mặt trời khuất sau lũy tre cũng ồn ào, náo nhiệt bởi đó là nơi sinh hoạt của cả làng, giờ cũng không còn. Người ta đã lấp ao để lấy đất làm nhà ở. Cái ao to, chạy gần hết 2/3 làng, giờ nham nhở những khoanh đất chia lô của mỗi nhà.

Người nào có điều kiện thì xây nhà to, nhà nào khó hơn thì làm tạm cái nhà cấp 4 hoặc để trồng rau trái vụ. Tất cả các con đường trong làng đã đổ bê tông nhưng nước thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt đổ cả ra hai bên rãnh thoát nước lộ thiên, có chỗ tràn ra đường, bốc mùi tanh tưởi.

Cả làng không còn một bụi tre, một cây xoan, một vườn chè nào. Cổng làng cũng không còn. Tất cả cứ trống hơ, trống huếch như một cô gái mới lớn vô duyên, đắp lên người những bộ quần áo tân thời không hợp. Nét son phấn không làm cho cô đẹp lên mà lại càng lộ cái thô kệch, cái vất vả che đậy không khéo, nhìn rất tức mắt.

Ngày làng có việc mới thấy cái sự mưu sinh nó dữ dội thế nào. Trai tráng trong làng đi kiếm ăn trong Nam và các tỉnh xa gần hết. Làng có người chết, tìm mãi vẫn không đủ người khiêng. Làng bây giờ không yên vì hay mất trộm. Vặt cũng có mà lớn cũng có, thường xuyên, táo tợn đến không ngờ.

Hỏi ra mới biết, không ít tệ nạn xã hội đã theo chân những người trai quê tôi đi làm ăn xa, ở các nơi khác đem về làng. Ở đâu có cái gì thì quê tôi có cái đó. Có cái còn dữ dội hơn. Trộm cắp, cờ bạc, trai gái, nhậu nhẹt, bỏ vợ, chán chồng trở thành những chuyện thường ngày…

Về nhà mới được nửa buổi mà nghe đến năm sáu đám mới bỏ nhau trong vòng hơn năm. Con cái những nhà ấy trước đây có đến nỗi nào? Họ lấy nhau nhanh mà bỏ nhau cũng đơn giản. Thích thì lấy, không thích nữa thì bỏ. Đơn giản thế thôi. Nghĩ mà buồn.

Làng tôi bây giờ giàu hơn ngày xưa nhiều. Gần như không còn mái rạ nào mà nhà nào cũng xây mới, cái mái bằng, cái mái ngói đỏ au, cái lợp mái tôn giả ngói cầu kỳ. Nhà nào cũng có ti vi, nhiều nhà có xe máy, bữa ăn cũng tươm tất hơn xưa.

Một làng bé con con mà có đến ba bốn quán nhậu. Người ta sống giàu có hơn nhưng lại nghèo đi rất nhiều về quan hệ làng xóm, tình người, tình quê. Làng tôi vẫn nằm nguyên bên dòng sông xưa nhưng dòng sông đã khác, nó chỉ còn như một lạch nước uể oải chảy, nước sông đã có mùi.

Người làng tôi vẫn là người làng, là bà con nhưng sao như xa lạ. Cái hồn cốt của làng biến đi đâu mất, làng giờ chỉ còn có cái xác thôi. Biết làm sao đây, hở trời?

Phạm Quang Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-con-hay-mat-20250723181238836.htm