Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 12/5
Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 12/5/2025.
Tổng thống Nga Putin đề xuất đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine. Phát biểu từ Điện Kremlin sáng 11/5, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
“Chúng tôi đề nghị chính quyền Kiev nối lại đối thoại vào ngày 15/5 tới tại Istanbul”, Tổng thống Putin nói. Theo ông Putin, mục tiêu của sáng kiến này không chỉ nhằm tạm thời ngừng bắn để tái vũ trang, mà là để “giải quyết tận gốc xung đột” và “thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững”.
Ông Putin cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong ngày 11/5 về khả năng tổ chức cuộc gặp, đồng thời nhấn mạnh đề xuất của Nga đã được “đặt lên bàn”, giờ là lúc phía Ukraine và những nước hỗ trợ họ phải ra quyết định.

Ảnh: ABC News
Châu Âu và Ukraine thông qua tuyên bố kêu gọi lệnh ngừng bắn toàn diện 30 ngày. Theo tuyên bố được thông qua ngày 10/5 tại Kiev, lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Ukraine nhất trí rằng, cần có lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong ít nhất 30 ngày kể từ ngày 12/5, nhằm tạo không gian cho các nỗ lực ngoại giao, tập trung vào thiết lập các nguyên tắc an ninh, chính trị và nhân đạo cho hòa bình.
Lệnh ngừng bắn phải được thực thi trên không, trên biển và trên bộ, không bị ràng buộc bởi bất kỳ điều kiện nào. Nếu Nga đưa ra các điều kiện, điều này sẽ được coi là nỗ lực tiếp tục xung đột và cản trở ngoại giao. Việc thực thi lệnh ngừng bắn cần có sự giám sát hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với Mỹ và được sự ủng hộ từ châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Ukraine cũng nhất trí cho rằng, trong trường hợp Nga không chấp nhận lệnh ngừng bắn, các lệnh trừng phạt nghiêm khắc sẽ được áp dụng đối với các lĩnh vực ngân hàng và năng lượng, đặc biệt nhắm vào nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và đội tàu ngầm của Nga.
Lý do Ukraine bác đề xuất lập vùng phi quân sự 30km với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10/5 đã thẳng thắn bác bỏ đề xuất thiết lập vùng phi quân sự trong xung đột với Nga, cho rằng ý tưởng này hiện không còn giá trị thực tiễn.
Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox News ngày 7/5, Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg cho biết Kiev từng đề xuất thiết lập một vùng phi quân sự do Ukraine và Nga đồng quản lý. Theo ông Kellogg, đề xuất này bao gồm việc mỗi bên rút quân cách xa 15 km, tạo ra một khu vực đệm 30 km do quan sát viên từ các nước thứ ba giám sát.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 10/5, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine không phải là bên đưa ra đề xuất đó, phủ nhận thông tin mà Đặc phái viên Mỹ đưa ra.
Tổng thống Ukraine cũng nêu rõ những phức tạp liên quan đến việc thiết lập vùng phi quân sự, bao gồm các yếu tố chiến tuyến, hậu cần và rủi ro an ninh. Hơn nữa, việc thiết lập vùng đệm như vậy có thể khiến Kiev đánh mất quyền kiểm soát với các thành phố chiến lược.
Mỹ phê duyệt chuyển 100 tên lửa Patriot từ Đức sang Ukraine. Một quan chức quốc hội Mỹ ngày 9/5 cho biết Washington đã đồng ý cho Đức chuyển giao 125 tên lửa pháo binh tầm xa và 100 tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. Các vũ khí do Mỹ sản xuất không thể được xuất khẩu mà không có sự phê duyệt từ chính phủ Mỹ, cho dù là xuất khẩu từ một quốc gia khác sở hữu chúng.
Ukraine hiện chỉ có 8 hệ thống Patriot, trong đó 2 hệ thống chưa được đưa vào hoạt động. Một hệ thống Patriot bổ sung đang trên đường đến Ukraine từ Israel như một phần trong cam kết trước đó. Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược cho các hệ thống Patriot, mặc dù các thông tin chi tiết về kho tên lửa của hệ thống này chưa được công khai vì lý do an ninh.
Phản ứng của Nga trước đòn trừng phạt mới của phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Nga đã quen với các chính sách của phương Tây và biết cách giảm thiểu tác động tiêu cực từ các đòn trừng phạt.
“Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt của phương Tây và không lo lắng về các biện pháp trừng phạt mới. Chúng tôi biết mình sẽ làm gì khi các lệnh trừng phạt được công bố và làm thế nào để giảm thiểu tác động của chúng. Nga đã học được cách chống lại sức ép từ phương Tây. Vì vậy, việc đe dọa chúng tôi bằng các lệnh trừng phạt là vô ích”, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh ngày 10/5.
Ngày 9/5, chính phủ Anh đã công bố gói trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga, tập trung vào mạng lưới vận chuyển dầu của Moscow, với mục tiêu giảm doanh thu từ năng lượng của Nga. Các biện pháp mới này đã đưa vào danh sách đen tới 100 tàu chở dầu mà phương Tây cho là thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga, những tàu cũ hoạt động ngoài hệ thống bảo hiểm của phương Tây.
Lãnh đạo NATO nói về khả năng kết nạp Ukraine khi đàm phán với Nga. Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, Ukraine chưa bao giờ được hứa hẹn về việc gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu này như một phần của bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào với Nga.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, các nước thành viên đã nhất trí việc kết nạp Ukraine, nhưng đó là về lâu dài, không phải khi các cuộc hòa đàm đang diễn ra. Ông Rutte lưu ý thêm, NATO và Ukraine vẫn duy trì hợp tác chặt chẽ và liên minh có một trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden, Đức để điều phối viện trợ quân sự cho Kiev. NATO cũng đang phối hợp với Kiev để tổ chức huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Ukraine.
Nga có thể sắp phóng thử tên lửa đạn đạo Oreshnik. Nga sẽ hạn chế hoạt động tại khu vực bãi thử tên lửa Kapustin Yar trong hai ngày 12 và 13/5 để phục vụ việc phóng thử tên lửa đạn đạo Oreshnik. Theo trang tin quân sự Militarnyi, lệnh hạn chế áp sẽ dụng đối với tất cả các chuyến bay trên không phận Kapustin Yar, từ 6h - 16h (giờ địa phương) ngày 12 và 13/5.
Đây không phải lần đầu tiên lệnh hạn chế chuyến bay trên không phận Kapustin Yar trùng với thời điểm lực lượng quân đội Nga tăng cường hoạt động. Trước đó, một lệnh cấm bay tương tự đã được áp dụng từ 4h - 20h ngày 21-23/11/2024, trước cuộc tấn công đầu tiên của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik nhằm vào mục tiêu quân sự của Ukraine.
Ukraine nêu điều kiện đàm phán trực tiếp với Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/5 cho biết Ukraine sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga nếu Moscow xác nhận thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững bắt đầu từ ngày 12/5.
“Lệnh ngừng bắn là bước đi thiết yếu đầu tiên để chấm dứt xung đột. Việc Nga bắt đầu nghĩ đến việc kết thúc xung đột là một tín hiệu tích cực. Cả thế giới đã mong chờ điều này từ lâu. Bước đầu tiên để thực sự chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào là một lệnh ngừng bắn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.
“Chúng tôi mong đợi Nga xác nhận lệnh ngừng bắn toàn diện, bền vững và đáng tin cậy bắt đầu từ ngày 12/5, và Ukraine đã sẵn sàng gặp mặt”, ông Zelensky nói thêm.