Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 16/6

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 16/6/2024.

Ukraine lên tiếng về điều kiện đàm phán hòa bình của Tổng thống Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng những điều kiện mà Tổng thống Nga Putin đưa ra để chấm dứt xung đột là “tối hậu thư” đối với Kiev và do đó không thể chấp nhận được.

“Tôi có thể nói gì? Những tối hậu thư này không khác gì những thông điệp trước đây”, Tổng thống Zelensky phát biểu với mạng truyền hình Sky TG24 khi tham dự cuộc họp G7 ở miền Nam Italy.

Trợ lý của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak, cũng cho rằng ý tưởng của Tổng thống Nga Putin không “thực tế”. Theo ông Podoliak, nhà lãnh đạo Nga “không đưa ra đề xuất hòa bình thực sự” và thể hiện “không muốn kết thúc chiến tranh”.

Binh sĩ Nga trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Sputnik

Binh sĩ Nga trên chiến trường Ukraine. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Putin tiết lộ số binh sỹ Nga tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/6 cho biết khoảng 700.000 binh sĩ Nga đang tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Con số này đã tăng gần 100.000 so với tuyên bố đưa ra tháng 12/2023, khi đó ông Putin nói rằng có khoảng 617.000 quân nhân tham gia.

Bình luận trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong cuộc gặp với các cựu chiến binh tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt. Những người này hiện đang đăng ký vào một chương trình chuyên biệt do nhà nước hỗ trợ nhằm đào tạo các quan chức nhà nước.

Ông Putin tiết lộ Nga từng sẵn sàng rút khỏi Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga từng sẵn sàng rút quân khỏi khu vực Kherson và Zaporizhzhia ngay từ đầu chiến dịch ở Ukraine với điều kiện Kiev đồng ý đảm bảo Moscow được tự do kết nối giữa đất liền Nga với bán đảo Crimea. Để đảm bảo sự chắc chắn, Moscow và Kiev sẽ phải ký một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thỏa thuận sau đó sẽ phải được hoàn tất với sự tham gia của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như người dân địa phương và công chúng Nga.

Ông Putin cho hay, vào đầu tháng 3/2022, khi quân đội Nga đang tiến vào miền Nam Ukraine, một chính trị gia cấp cao nước ngoài đại diện cho phương Tây đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo phương Tây nói trên tới Kiev để trình bày đề xuất của Moscow với chính phủ Ukraine, đề xuất này đã bị từ chối.

Nga tuyên bố chưa bao giờ có ý định kiểm soát Kiev. Trong cuộc gặp với các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga hôm 14/6, Tổng thống Putin lưu ý rằng Ukraine và phương Tây vẫn tiếp tục "suy đoán" về ý định của quân đội Nga khi họ áp sát ngoại ô Kiev vào cuối tháng 2/2022.

Ông Putin nhấn mạnh: "Không có quyết định nào về việc tiến vào thành phố 3 triệu dân". Theo Tổng thống Putin, bước tiến của quân đội Nga về phía Kiev "không gì khác là một hoạt động nhằm thuyết phục Ukraine đàm phán hòa bình". "Quân đội ở đó để thúc đẩy phía Ukraine tham gia đàm phán, cố gắng tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được và bằng cách này chấm dứt các hoạt động của Ukraine nhằm vào Donbass từ năm 2014".

Các sân bay chủ chốt của Ukraine bị tấn công dữ dội. Theo Tân Hoa xã và AviaPro, các lực lượng Nga, gồm cả không quân chiến lược ngày 14/6 đã tiến hành cuộc tấn công lớn vào các sân bay chủ chốt của Ukraine. Đó là các sân bay ở vùng Bila Tserkva ở gần Kiev, ở Mirgorod tại vùng Poltava và Starokonstantinov ở vùng Khmelnitsky.

Dữ liệu ban đầu cho thấy, máy bay không người lái Geranium-2 đã được triển khai trong cuộc tấn công và đâm trúng mục tiêu đã định. Hậu quả là các cơ sở hạ tầng quan trọng được quân đội Ukraine dùng để chứa và bảo trì máy bay đã bị hư hại hoặc bị phá hủy.

Đức cung cấp hàng loạt khí tài ‘khủng’ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Đức ngày 14/6 cho biết: “Là một phần của gói viện trợ quân sự mới, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn vũ khí, bao gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân, thiết bị kỹ thuật và hệ thống pháo binh”.

Theo báo cáo, Ukraine sẽ nhận được 3 hệ thống HIMARS, 20 xe chiến đấu bộ binh Marder và 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5, cũng như các xe bọc thép Bergepanzer 2 (1 chiếc), xe rà phá bom mìn Wisent 1 (4 chiếc), xe bọc thép Pionierpanzer 2A1 Dachs (2 chiếc).

Gói viện trợ quân sự mới cũng bao gồm 1 hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM, 1 hệ thống phòng không tầm ngắn IRIS-T SLS cùng 21.000 viên đạn cỡ 155 mm. Ngoài ra, gói này còn có súng trường tấn công, đạn cho vũ khí hạng nhẹ và các thiết bị phụ trợ thay thế.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-166-post1101734.vov