Malaysia muốn tư nhân hóa nhà quản lý sân bay nhưng gặp khó vì lý do bất ngờ

Kế hoạch tư nhân hóa Tổng công ty Quản lý cảng hàng không quốc gia Malaysia Airports Holdings Berhad (MAHB) đang vấp phải tranh cãi, biểu tình tại nước này.

Lý do bất ngờ

Theo báo Bưu điện Hoa Nam, chuyện bắt đầu khi một liên danh giữa quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP), quỹ tài sản có chủ quyền của Malaysia Khazanah Nasional và các tổ chức khác đã đề nghị mua lại Malaysia Airports Holdings Berhad (MAHB) với điều kiện tư nhân hóa nhà điều hành sân bay này với giá 3,9 tỷ USD.

Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích từ một số đảng cầm quyền và phe đối lập ở Malaysia.

Lý do là vì GIP có quan hệ với công ty đầu tư đa quốc gia BlackRock. Công ty Mỹ này đã đầu tư lớn vào Israel - quốc gia đang tiến hành cuộc chiến chống lại phong trào Hamas ở Dải Gaza trong khi đó Malaysia vốn ủng hộ với người Palestine.

Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur (Ảnh: The Star).

Cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur (Ảnh: The Star).

Trước làn sóng biểu tình rầm rộ, quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP) khẳng định nhà đầu tư BlackRock sẽ không tham gia vào hoạt động tư nhân hóa các sân bay Malaysia.

GIP cho biết, dù BlackRock đầu tư nhưng đội ngũ lãnh đạo hiện tại sẽ giữ toàn quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm về định hướng chiến lược, hoạt động của GIP cũng như các công ty mà GIP đã đầu tư, theo Bernama - hãng thông tấn nhà nước Malaysia đưa tin.

Tổng công ty quản lý cảng hàng không quốc gia Malaysia Airports Holdings Berhad (MAHB) đang vận hành toàn bộ 38 sân bay ở Malaysia và một sân bay quốc tế là Sabiha Gokcen ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, không chỉ ở trong nước, khả năng thỏa thuận này cũng có thể gặp khó ở Thổ Nhĩ Kỳ vì hiện nay mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Israel đang căng thẳng.

Để được thông qua, thỏa thuận này cần cơ quan quản lý ở Malaysia và các khu vực khác (bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ) chấp thuận.

Dự kiến, phiên họp quốc hội Malaysia sắp tới sẽ chứng kiến các cuộc tranh luận nảy lửa, theo CNA.

Dẫu vậy, các nhà quan sát cho rằng khả năng cao thỏa thuận vẫn được thông qua.

Chia sẻ với báo CNA, một quan chức Bộ Tài chính Malaysia cho biết: "Chuyến tàu này đã rời ga" hàm ý dự án sẽ được thực hiện.

Những người ủng hộ kế hoạch tư nhân hóa cho rằng, nếu tham gia, quỹ GIP có thể cung cấp chuyên môn tài chính và kỹ thuật cần thiết để nâng cao tính cạnh tranh cho MAHB.

Thực tế cảng hàng không quốc tế Kuala Lumpur - tài sản chủ lực thuộc quyền quản lý của MAHB nhưng chỉ đứng thứ 71 trong bảng xếp hạng sân bay Skytrax 2024, cho thấy hạ tầng này cần được đầu tư nâng cấp đáng kể.

Hồi tháng 3 năm nay, Chính phủ của ông Anwar đã gia hạn hợp đồng vận hành và thuê đất của MAHB lên 45 năm (đến năm 2069) so với 25 năm như trước.

Đây là một động thái, theo CNA, nhằm tạo điều kiện cho việc lập kế hoạch tài chính tốt hơn và mở rộng sân bay.

Hàng không giá rẻ sẽ ra sao?

Công cuộc tư nhân hóa sân bay nếu diễn ra tại Malaysia có thể tác động đáng kể đến các hãng hàng không giá rẻ hoạt động chủ yếu ở Đông Nam Á.

Ảnh hưởng tích cực là sân bay tư nhân có thể được quản lý tốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn với dịch vụ được nâng cao, có lợi cho cả hãng hàng không lẫn hành khách.

Các hãng hàng không giá rẻ có thể quay vòng máy bay nhanh, thụ hưởng dịch vụ mặt đất hiệu quả với cơ sở vật chất tốt hơn. Qua đó, giúp giảm chi phí hoạt động và nâng cao sự hài lòng từ hành khách.

Việc tư nhân hóa thường giúp tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay, dẫn đến các nhà ga và đường băng được hiện đại hóa.

Một chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ ở sân bay KLIA, Malaysia.

Một chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ ở sân bay KLIA, Malaysia.

Cơ sở hạ tầng được nâng cấp cũng hỗ trợ cho sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, như thế, các hãng này có thể bay được nhiều chuyến hơn, giảm tắc nghẽn và trễ giờ.

Những nhà khai thác tư nhân thường đưa ra mức phí cạnh tranh để thu hút nhiều hãng hàng không, bao gồm cả các hãng hàng không giá rẻ. Hãng loại này cũng có thể giảm phí hạ cánh và phí xử lý chuyến bay, dẫn đến chi phí giảm qua đó có thể bán giá vé cạnh tranh.

Song ảnh hưởng tiêu cực là việc tư nhân hóa có thể dẫn đến việc phí sân bay và các khoản phí khác bị tăng vì các nhà khai thác tư nhân luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận đầu tư. Như thế, các hãng giá rẻ dùng mô hình chi phí thấp sẽ khó có thể tiết kiệm chi phí.

Các hãng hàng không giá rẻ phải đối mặt với áp lực thích nghi với sự thay đổi khi sân bay được giao cho tư nhân quản lý.

Và rất có thể các hãng hàng không giá rẻ phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tình hình mới để duy trì sự phát triển và vị thế cạnh tranh - nhờ giá phù hợp - trên thị trường.

Ngọc Trân

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/malaysia-muon-tu-nhan-hoa-nha-quan-ly-san-bay-nhung-gap-kho-vi-ly-do-bat-ngo-192240620095346682.htm