Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 21/1
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 21/1/2025.
Ukraine phát triển hệ thống phòng không đối phó với tên lửa Oreshnik của Nga: Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết nước này đang nỗ lực phát triển hệ thống phòng không nhằm đối phó tên lửa Oreshnik của Nga.
“Thời Xô viết, chúng tôi tự sản xuất được tất cả thiết bị điều khiển cho các hệ thống phòng không, nghĩa là Ukraine hoàn toàn có năng lực để tạo ra những hệ thống như vậy và chúng tôi đang làm việc để tạo ra một hệ thống phòng không nội địa”, ông Syrskyi trả lời phỏng vấn TSN ngày 19/1.
Theo ông Syrskyi, Ukraine đặt mục tiêu sản xuất một hệ thống phòng không ngang tầm với Patriot của Mỹ. Viên tướng cho biết, hiện chỉ có một vài hệ thống phòng không trên thế giới có thể đánh chặn được Oreshnik.
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu: Xung đột Nga - Ukraine là cuộc đấu về UAV, sự cạnh tranh không ngừng giữa công nghệ UAV và công nghệ chống UAV.
Nhiều hệ thống chống UAV hoạt động bằng cách gây nhiễu cho tín hiệu vô tuyến dùng để điều khiển UAV. Do vậy, Nga và Ukraine đang tăng cường sử dụng các UAV chống nhiễu dựa trên việc liên lạc bằng cáp sợi quang trọng lượng nhẹ. UAV cáp quang gần như vô hiệu hóa tác chiến điện tử chống UAV. Trước thực tế này, cả Nga và Ukraine lại cùng vắt óc tìm cách để phát hiện ra được UAV cáp quang.
Kiev tuyên bố Nga thực hiện khoảng 1.000 vụ tập kích vào Ukraine trong một tuần: Cụ thể, Tổng thống Ukraine Zelenksy cho biết, tuần qua Nga đã sử dụng hơn 660 quả bom lượn, 550 UAV và gần 60 quả tên lửa để tập kích Ukraine. Phía Ukraine cũng cho biết, họ đã bắn hạ 33 tên lửa, gồm tên lửa hành trình, và hơn 300 UAV của Nga.
Ông Trump sẽ không buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận tồi với Nga?: Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói rằng sẽ làm điều đó "trong 24 giờ" sau khi tuyên thệ, hoặc thậm chí trước lễ nhậm chức của mình. Tuy nhiên, khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, rõ ràng lời hứa đó sẽ không thể thực hiện.
Gần 3 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hiện vẫn chưa thấy hồi kết cho cuộc xung đột tồi tệ nhất của châu Âu kể từ Thế chiến II. Giao tranh diễn ra ác liệt trên một chiến tuyến dài, với lực lượng Nga tiến hành một cuộc tấn công dữ dội ở phía Đông Ukraine còn các lực lượng của Kiev cố gắng giữ các vùng lãnh thổ chiếm được ở khu vực Kursk của Nga.
Ukraine kẹt trong thế thiếu quân, phải điều nhân sự từ lực lượng không quân sang lục quân: Vừa qua rộ lên thông tin Ukraine phải điều bớt nhân sự từ không quân sang lục quân để phục vụ hoạt động tác chiến trên mặt đất. Tình trạng này phản ánh thế khó của Ukraine về mặt nhân lực vào lúc này và đã gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là những lo ngại bên phía không quân Ukraine về việc duy trì năng lực tác chiến của họ.
Thông qua truyền thông, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, Oleksandr Syrskyi, mới đây đã lên tiếng giải thích về hoạt động điều chỉnh này. Ông cho biết, Ukraine chỉ điều một số nhân sự hậu cần, không trực tiếp chiến đấu từ không quân sang lục quân chứ không điều những quân nhân có trình độ cao, quan trọng đối với hoạt động của máy bay Ukraine.
Tổng thống Nga huy động viên tướng hàng đầu để đối phó với Ukraine tại Kursk: Đầu tháng 1/2025, quân đội Ukraine đột ngột mở cuộc tấn công mới vào Berdin và làng Bolshoye Soldatskoye ở phía Tây tỉnh Kursk do họ kiểm soát.
Sự kiện này được cho là đã khiến Tổng thống Nga Putin phải điều một trong những viên tướng giỏi nhất của mình tới đây. Cụ thể, chỉ vài giờ sau cuộc đột kích lần 2 của Ukraine, Tổng thống Putin đã cử tướng Yunus-bek Bamatgireyevich Yevkurov đến mặt trận Kursk trực tiếp chỉ huy, cho thấy Nga rất đề phòng Ukraine tại Kursk.