Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 21/5

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 21/5/2025.

Bản ghi nhớ về hòa bình giữa Nga và Ukraine khó được ký kết: Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump ngày 19/5, Phát ngôn viên điện Kremlin Peskov cho biết hiện chưa thể đặt ra thời hạn hoàn tất bản ghi nhớ giữa Nga và Ukraine về thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn.

Pháo binh Nga trên chiến trường. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Pháo binh Nga trên chiến trường. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Ngày 19/5, Tổng thống Zelensky tuyên bố việc hai nước ký kết một bản ghi nhớ sẽ góp phần vào lộ trình chấm dứt xung đột, đồng thời gợi ý Ukraine sẽ có thể phác thảo tầm nhìn của mình sau khi nhận được những đề xuất liên quan từ Nga.

Trong khi đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cho biết chưa thể đặt ra thời hạn để hoàn tất các văn bản trên do tính chất phức tạp và yếu tố then chốt vẫn là nội dung của thỏa thuận. Ông Peskov nhấn mạnh nội dung chính mà phía Nga sẽ đề cập trong các thỏa thuận là phải loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân gây ra xung đột tại Ukraine.

Ông Trump tiết lộ mối quan hệ khó khăn với Tổng thống Ukraine: Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông hy vọng sẽ có tiến triển sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, nhưng không chắc liệu người đồng cấp Ukraine, ông Zelensky có thực sự cam kết chấm dứt xung đột hay không.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm 19/5, Tổng thống Mỹ Trump thừa nhận rằng quá trình hòa giải giữa Nga và Ukraine vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó một phần đến từ mối quan hệ không mấy dễ dàng với lãnh đạo Ukraine.

“Tổng thống Zelensky là một người mạnh mẽ, nhưng không phải là người dễ làm việc cùng. Tôi hy vọng ông ấy muốn kết thúc chuyện này”, Tổng thống Trump phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng sau các cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky.

Mệnh lệnh của ông Zelensky sau đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine: Tổng thống Ukraine Zelensky đã ra lệnh thành lập “nhóm đàm phán quốc gia mở rộng thường trực” sau cuộc gặp trực tiếp với Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định thành lập nhóm đàm phán quốc gia thường trực mở rộng được ông Zelensky công bố thông qua một bài đăng trên kênh Telegram chính thức hôm 19/5. Ông cũng khẳng định Ukraine sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với Nga ở cấp lãnh đạo.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia một cuộc gặp cấp cao để giải quyết những vấn đề then chốt. Ukraine không ngại đàm phán trực tiếp với Nga,” ông Zelensky nhấn mạnh.

Ông Trump vẫn còn nhiều vũ khí để thúc đẩy đàm phán Nga - Ukraine: Tối 19/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ, tập trung vào các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc trao đổi này được mô tả là "tích cực" và "xây dựng", mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng đáng kể.

Cho đến thời điểm này thì Tổng thống Trump vẫn còn khá nhiều vũ khí để có thể gây sức ép đối với cả Nga và Ukraine, gồm đòn bẩy thông qua đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc ngừng ủng hộ, công cụ thương mại (sau điện đàm với Tổng thống Nga, ông Trump tuyên bố, Nga muốn có các thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Mỹ sau khi xung đột chấm dứt) và khả năng Mỹ sẽ từ bỏ vai trò trung gian đàm phán.

Tổng thống Trump cho rằng Mỹ lẽ ra không nên can dự vào xung đột Ukraine: Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Ukraine sẽ “tốt hơn” nếu cuộc khủng hoảng này vẫn được xem là vấn đề nội bộ của châu Âu, thay vì kéo theo sự can dự sâu rộng của Washington.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng sau cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/5, Tổng thống Trump bày tỏ không hài lòng về mức độ can dự “điên rồ” của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh đây “không phải là cuộc chiến của chúng ta” và khẳng định chính quyền của ông đang nỗ lực thúc đẩy giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự.

“Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta. Đây không phải là cuộc chiến của tôi… Chúng ta đã tự đẩy mình vào một cuộc xung đột mà lẽ ra không nên dính líu tới”, ông Trump nói.

Tổng thống Nga Putin hé lộ chi tiết kết quả điện đàm với ông Trump: Tổng thống Nga Putin đã mô tả cuộc điện đàm ngày 19/5 với Tổng thống Mỹ Donald Trump là "có ý nghĩa và khá thẳng thắn".

Moscow sẵn sàng làm việc với Kiev để soạn thảo bản ghi nhớ về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng trong tương lai, Tổng thống Nga Putin cho biết sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ông mô tả cuộc trao đổi là có hiệu quả, "có ý nghĩa và khá thẳng thắn".

Cuộc điện đàm hôm qua (19/5) kéo dài hơn hai giờ và chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột Ukraine. Trong một bài phát biểu ngắn gọn với các nhà báo sau cuộc gọi, ông Putin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí rằng Nga sẽ đề xuất một bản ghi nhớ nêu rõ các nguyên tắc và thời gian cho một thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra, cũng như các vấn đề khác, "bao gồm cả lệnh ngừng bắn tạm thời tiềm năng, nếu các thỏa thuận cần thiết đạt được".

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột Ukraine "là điều quan trọng nhất đối với Nga".

Ông Zelensky kiên quyết không rút quân sau cuộc điện đàm Trump-Putin: Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 19/5 kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Nga Putin về việc rút quân Ukraine khỏi bốn khu vực hiện đang bị Moscow chiếm đóng một phần.

“Đây là đất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không rút lui khỏi lãnh thổ của mình… Điều đó chứng minh rằng phía Nga không thực sự muốn hòa bình. Nếu họ tiếp tục đưa ra những điều kiện mà họ biết rõ chúng tôi không thể chấp nhận, thì không thể có thỏa thuận nào", ông Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/5.

Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ giữa ông Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump mà không đạt được bước tiến nào trong việc thiết lập lệnh ngừng bắn toàn diện.

Australia cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine: Ngay khi bắt đầu cuộc hội đàm vào trưa ngày 19/5, Thủ tướng Australia Albanese đã đảm bảo với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng các xe tăng M1A1 Abrams mà Australia cam kết hỗ trợ cho Ukraine hiện "đang trên đường tới Ukraine".

Tuyên bố trên đã xóa bỏ những tin đồn về việc Australia chưa thể, hoặc không thể gửi các xe tăng này cho Ukraine như đã cam kết do một số vướng mắc với Mỹ.

Thủ tướng Albanese cũng khẳng định, Australia cam kết ủng hộ Ukraine và sẵn sàng "làm mọi điều có thể" để giúp tăng tối đa áp lực lên Nga, buộc Nga phải chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Ukraine, trong đó bao gồm cả việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và các thực thể liên quan cuộc xung đột Ukraine.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-215-post1200886.vov