Giáo hoàng Leo XIV xác nhận sẵn sàng chủ trì đàm phán mới về Ukraine tại Vatican

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni ngày 21/5 biết Giáo hoàng Leo XIV xác nhận sẵn sàng chủ trì vòng đàm phán tiếp theo nhằm chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine.

Thông cáo văn phòng Thủ tướng Italia nêu rõ: “Khi tìm thấy nơi Đức Thánh Cha sự xác tín về việc sẵn sàng tổ chức vòng đàm phán tiếp theo tại Vatican, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước cam kết không ngừng nghỉ của Giáo hoàng Leo XIV đối với hòa bình”.

Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho biết Giáo hoàng Leo XIV xác nhận với bà về việc Tòa thánh Vatican sẵn sàng trong việc đăng cai vòng đàm phán tiếp theo nhằm chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine. Giáo hoàng Leo, vừa được bầu cách đây hai tuần, hôm 14/5 từng khẳng định Vatican có thể đóng vai trò trung gian trong các cuộc xung đột toàn cầu, dù không nêu cụ thể về cuộc chiến tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Giáo hoàng Leo XIV vào ngày diễn ra Thánh lễ nhậm chức của ông tại Quảng trường Thánh Peter, Vatican. (Ảnh: Truyền thông Vatican/Reuters)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp Giáo hoàng Leo XIV vào ngày diễn ra Thánh lễ nhậm chức của ông tại Quảng trường Thánh Peter, Vatican. (Ảnh: Truyền thông Vatican/Reuters)

Trong một diễn biến liên quan, bà Meloni cũng cho biết đã có cuộc trao đổi với các lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận bước đi tiếp theo. Bà nói:“Các bên nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán mới hướng tới một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình cho Ukraine”.

Tổng thống Zelensky từng cảnh báo rằng Nga đang cố “câu giờ” để kéo dài chiến tranh, một ngày sau cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc gọi được cho là không thể hiện bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào từ phía Moskva.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng cáo buộc ông Putin “câu giờ” và không thực sự muốn tìm kiếm hòa bình.

Trong đánh giá thường kỳ công bố hôm 21/5, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng: “Muốn có đàm phán nghiêm túc và thiện chí, Nga cần công khai công nhận tính chính danh của Tổng thống Ukraine, chính phủ và Hiến pháp Ukraine, cũng như chủ quyền của quốc gia này”. Theo ISW, Moskva cũng cần đồng ý ngừng bắn trước khi đàm phán một thỏa thuận hòa bình toàn diện.

Liên minh châu Âu ngày 21/5 cũng thông qua gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga, tập trung vào “đội tàu bóng tối” vận chuyển dầu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết một gói trừng phạt thứ 18 đang được soạn thảo với các biện pháp mạnh tay hơn. Cùng lúc, Anh cũng công bố 100 lệnh trừng phạt mới nhắm vào quân đội, ngành năng lượng, tài chính và những cá nhân tham gia vào “cuộc chiến thông tin" chống lại Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết ông kỳ vọng Nga sẽ sớm đưa ra các đề xuất tổng thể về một lệnh ngừng bắn để Washington đánh giá mức độ nghiêm túc của Moskva. Ông Rubio phát biểu tại một phiên điều trần của Thượng viện: "Trong vài ngày tới – hy vọng là trong tuần này – phía Nga sẽ trình bày các điều kiện".

Trong ngày 20/5, ít nhất một dân thường thiệt mạng và 13 người khác bị thương trong các cuộc tấn công được cho là của Nga tại nhiều khu vực Ukraine, theo thông tin từ chính quyền địa phương.

ISW đánh giá lực lượng Ukraine gần đây đạt được bước tiến tại tỉnh Kursk cũng như gần Borova và Toretsk; trong khi quân đội Nga cũng ghi nhận tiến triển tại Kursk, Chasiv Yar, Toretsk và Novopavlivka.

Ngoài ra, theo AFP, quân đội Ukraine đang mở cuộc điều tra mới với lữ đoàn “Anne of Kiev” – đơn vị từng được huấn luyện tại Pháp – sau khi truyền thông cáo buộc một số chỉ huy liên quan tới hành vi sai phạm tài chính.

Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha cũng kêu gọi nhóm G7 hạ trần giá dầu thô vận chuyển đường biển của Nga từ 60 USD xuống 30 USD mỗi thùng. Ukraine đang tham dự các cuộc họp G7 diễn ra tại Canada trong tuần này.

Phương Anh (Tổng hợp )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giao-hoang-leo-xiv-xac-nhan-san-sang-chu-tri-dam-phan-moi-ve-ukraine-tai-vatican-ar944363.html