Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 8/6

Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 8/6/2014.

Nga tấn công tên lửa vào phía Tây, xóa sổ kho xuồng không người lái của Ukraine. Các lực lượng của Nga đã tiến hành cuộc tấn công tên lửa Ukraine ngày 7/6, chủ yếu nhằm vào khu vực phía Tây nước này. Không quân Ukraine đã đưa ra cảnh báo về mối đe dọa của các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các khu vực Ternopil, Khmelnytskyi và Lviv, cũng như khu vực thủ đô ở vùng Kiev.

Không quân Ukraine đã dẫn ra mối đe dọa từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo của Nga, máy bay ném bom Tu-95MS và UAV Shahed. Nhiều vụ nổ đã được nghe thấy ở khu vực Khmelnytskyi vào lúc 4h15 phút (giờ địa phương). Cuộc tấn công đã gây ra một vụ cháy ở một cơ sở công nghiệp của vùng Kiev. Các nhân viên khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường để đánh giá mức độ thiệt hại.

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Ông Biden không cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công Moscow và Điện Kremlin. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với ABC News hôm 6/6, Tổng thống Joe Biden tuyên bố, Ukraine sẽ không được dùng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công Moscow hoặc Điện Kremlin.

“Các loại vũ khí do Mỹ cung cấp chỉ được phép sử dụng ở phạm vi biên giới giữa Nga và Ukraine, khi Nga đồng thời sử dụng vũ khí ở bên kia biên giới để tấn công các mục tiêu cụ thể ở Ukraine. Chúng tôi không cho phép Ukraine tấn công hơn 320km vào lãnh thổ Nga hoặc vào Moscow hoặc Điện Kremlin”, ông Biden nói.

Ukraine cần gì để đạt được vị thế mạnh hơn trên chiến trường? Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jonathan Finer cho biết không có vũ khí riêng lẻ nào có thể giúp Ukraine đánh bại Nga. Thay vào đó, Ukraine cần nguồn cung vũ khí liên tục. Có ý kiến cho rằng Kiev đang cần một hệ thống vũ khí có thể giúp họ đạt được đột phá và áp đảo các lực lượng của Nga. Tuy nhiên, theo ông Finer: "Đây không phải là kiểu xung đột như vậy".

Ông Finer cho biết ông kỳ vọng Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine nguồn cung đạn pháo và vũ khí phòng không liên tục, những vũ khí mà Kiev đang cần nhất.

"Nếu có hai thứ chúng ta có thể cung cấp với số lượng vô hạn cho Ukraine để đảo chiều xung đột thì đó là đạn pháo và vũ khí phòng không", ông Finer giải thích.

Ukraine tuyên bố tìm ra lỗ hổng chết người trên xe tăng mai rùa của Nga. Đoạn video mới do Ukraine công bố dường như cho thấy khoảnh khắc một máy bay không người lái chứa chất nổ của nước này lao vào chiếc xe tăng Nga được trang bị giáp bảo vệ chống UAV.

Đoạn video ngắn do Lữ đoàn Cơ giới số 93 của Ukraine ghi lại cho thấy UAV tự sát góc nhìn thứ nhất đang lao về phía xe tăng Nga tại một địa điểm không xác định dọc chiến tuyến. Chiếc UAV lao vào xe tăng gây ra vụ nổ “nhấn chìm” mục tiêu. Hình ảnh được ghi lại từ một chiếc UAV khác

“Lực lượng Nga đã tạo ra một chiếc xe tăng mai rùa nhưng quên đóng cửa sập và những người điều khiển UAV của Ukraine không bỏ lỡ những cơ hội như vậy”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hôm 5/6.

Pháp viện trợ tiêm kích cho Ukraine và cho rằng chưa đến lúc đàm phán với Nga. Phát biểu trên truyền hình ngày 6/6 nhân kỷ niệm 80 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào các vùng biển Normandy, Tổng thống Pháp Macron cho rằng hiện nay vẫn chưa đến lúc cho đàm phán với hòa bình với Nga liên quan đến xung đột Ukraine.

Nhân dịp này, ông Macron đã công bố gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine với việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Mirage 2000-5 do Pháp sản xuất đi kèm chương trình đào tạo phi công Ukraine kéo dài khoảng 6 tháng bắt đầu từ mùa hè 2024. Ngoài ra, sẽ có thêm 4.500 binh sĩ Ukraine được huấn luyện tại Pháp trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo Pháp không loại trừ khả năng gửi chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine nhưng quyết định này chỉ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận tập thể.

NATO chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine về khả năng tác chiến điện tử của Nga. NATO và Ukraine đang lên kế hoạch ký thỏa thuận mở rộng hợp tác về công nghệ quốc phòng và trao đổi thông tin tình báo. Trợ lý Tổng thư ký NATO - David van Weel cho biết thỏa thuận sẽ đề ra các tiêu chuẩn mới về trao đổi thông tin giữa Ukraine và NATO. Thỏa thuận sẽ được hoàn tất trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.

Một trong những mục tiêu của thỏa thuận là giúp Ukraine trở thành nhà cung cấp công nghệ quy mô lớn sau xung đột. Đối với NATO, mục tiêu là nhân rộng một số ví dụ về triển khai và áp dụng nhanh chóng công nghệ quân sự.

Cường kích Su-34 Nga nã bom vào vị trí quân Ukraine. Trang Zvezda TV dẫn đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho hay, các cường kích Su-34 của không quân nước này đã tham gia hoạt động hỗ trợ đường không cho các đơn vị thuộc Cụm quân Trung tâm đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Các cuộc không kích nhằm vào nhiều cứ điểm và nhân lực đối phương đã được thực hiện trong khu vực do Cụm quân Trung tâm phụ trách. Nhờ có thiết bị UMPK, các loại bom cũ đã trở thành bom thông minh, và cho phép các cuộc không kích (của Su-34) có thể tiến hành từ khoảng cách an toàn. Sau khi xác nhận mục tiêu đối phương bị phá hủy, các tổ lái đã điều khiển máy bay về căn cứ an toàn”, thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-86-post1100133.vov