Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Bên cạnh diễn biến thị trường trong vùng tích lũy và quay đầu điều chỉnh sau 5 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị trong tuần qua cũng không đạt được kỳ vọng, thậm chí nhiều mã giảm giá.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của GMD nằm tại mức 26.7

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại khu vực xung quanh 21.5. Mục tiêu chốt lãi của GMD nằm tại mức 26.7, cắt lỗ nếu ngưỡng 20.5 bị xuyên thủng.

Bên cạnh những thông tin tích cực như kết quả kinh doanh khả quan sau 7 tháng, cùng việc chia cổ tức bằng tiền mặt 10%, cổ phiếu GMD tiếp tục có tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng 1.200 đồng (+5,36%) từ mức giá 22.400 đồng/CP lên 23.600 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho TDM với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho TDM với giá mục tiêu 28.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng, bao gồm lợi suất cổ tức 5%.

Một trong những thông tin đáng chú ý đối với TDM là Công ty này đã đăng ký mua thêm hơn 14 triệu cổ phiếu Biwase nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu tại BWE là 38,5% sau khi tổ chức này phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Diễn biến cổ phiếu TDM tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ.

Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 9/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TDM tăng nhẹ 200 đồng (+0,83%) từ mức giá 24.050 đồng/CP lên 24.250 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua FPT với giá mục tiêu 61.500 đồng/CP

Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu FPT vào khoảng 61.500 đồng dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 14,6 lần (theo EPS 2021F khoảng 5.160 đồng). Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu FPT.

Trái với khuyến nghị của MBS, diễn biến cổ phiếu FPT tuần qua không mấy thuận lợi. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá ngày 10/9 và 1 phiên tăng ngày 8/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 850 đồng (-1,7%) từ mức giá 50.000 đồng/CP xuống 49.150 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu CVT nằm tại mức 20.8

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CVT nằm tại khu vực xung quanh 18. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 20.8, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.5 bị xuyên thủng.

Bên cạnh việc vắng thông tin hỗ trợ, diễn biến cổ phiếu CVT tuần qua vẫn duy trì những phiên biến động trong biên độ hẹp. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CVT tăng nhẹ 200 đồng (+1,09%) từ mức giá 18.350 đồng/CP lên 18.550 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GVR với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 19,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,9%.

Tuần qua, GVR thông báo ngày 23/9 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Thông tin tích cực này đã giúp cổ phiếu GVR có tuần giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động.

Thống kê với việc đón nhận duy nhất 1 phiên giảm nhẹ ngày đầu tuần 7/9 và 4 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GVR tăng 850 đồng (+7,08%) từ mức giá 12.000 đồng/CP lên 12.850 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 14.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của GVR còn thấp hơn 8,21%.

* VCSC khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 143.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 20,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.

Những thông tin tích cực về khối lượng hàng hóa thông cảng trong tháng 8 vừa công bố, cổ phiếu SCS đã có những phiên tăng giao khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS tăng 4.600 đồng (+3,86%) từ mức giá 119.200 đồng/CP lên 123.800 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 143.200 đồng/CP, thị giá hiện tại của SCS còn thấp hơn 13,55%.

* PSI khuyến nghị theo dõi DPM với giá mục tiêu 24.762 đồng/CP

Phương pháp chiết khấu dòng tiền DCF: Với phương pháp này, chúng tôi dự phóng dòng tiền trong các năm tới của doanh nghiệp, sử dụng FCFF để tiến hành chiết khấu dòng tiền về hiện tại. Giá mục tiêu là 24.762 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị theo dõi cổ phiếu DPM.

Cổ phiếu DPM tiếp tục tiến bước trong tuần giao dịch thứ 2 của tháng 9. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 2 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DPM tăng 800 đồng (+4,98%) từ mức giá 16.050 đồng/CP lên 16.850 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của ANV nằm tại mức 21

Các chỉ báo xu hướng hiện đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của ANV. Tuy vậy, chỉ báo RSI đang ở trong vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của ANV nằm tại khu vực xung quanh 18.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 21, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.5 bị xuyên thủng.

Mặc dù không có thông tin hỗ trợ trong tuần qua, nhưng cổ phiếu ANV đã có tuần giao dịch khởi sắc, đặc biệt là 2 phiên giao dịch tăng vọt ngày đầu tuần. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ANV tăng 1.650 đồng (+9,79%) từ mức giá 16.850 đồng/CP lên 18.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 65.016 đồng/CP

BSC duy trì khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 2020 là 65.016 đồng/cp, upside 6,6% so với giá ngày 1/9/2020.

Cổ phiếu PNJ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc và tiếp tục duy trì trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ giảm 1.100 đồng (-1,82%) từ mức giá 60.600 đồng/CP xuống 59.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua PTB với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 61.200 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài với giá mục tiêu 12 tháng là 61.200 đồng trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ (i) hưởng lợi từ CTTM Mỹ - Trung, trong đó Mỹ áp thuế 25% đối với các sản phẩm gỗ từ TQ, và (ii) cơ hội thâm nhập sâu vào các thị trường trong khối CPTPP & EU sau khi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và VPA/FLEGT có hiệu lực.

Sau vụ việc cháy nhà máy phần nào ảnh hưởng tới diễn biến giá cổ phiếu PTB, tuần qua, cổ phiếu này đã có những nhịp hồi phục. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 10/9, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB tăng nhẹ 600 đồng (+1,19%) từ mức giá 50.400 đồng/CP lên 51.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua MWG với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 129.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 129.000 đồng, trên cơ sở: (i) nhu cầu đối với nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi Bách hóa xanh trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện, và (ii) kinh doanh đồng hồ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính trong chuỗi Thế giới di động, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Không được như kỳ vọng của MBS, phiên giảm điểm khá sâu ngày đầu tuần khiến MWG chưa thể lấy lại thăng bằng dù đã có những nhịp hồi phục sau đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm 700 đồng (-0,74%) từ mức giá 94.100 đồng/CP xuống 93.400 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế đối với VCS ở vùng giá 65

Như vậy, nhà đầu tư có thể mở vị thế ở vùng giá 65.0 và chốt lãi quanh ngưỡng giá 76.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 60.0.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCS tăng nhẹ 600 đồng (+0,9%) từ mức giá 67.000 đồng/CP lên 67.600 đồng/CP.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post250046.html