Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng được đưa ra khuyến nghị giao dịch khá khởi sắc, thì bộ đôi lớn SAB và VNM lại có tuần giảm sâu. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu BSR vào khoảng 18.100 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 14,1 lần (theo EPS 2021F ~ VND 1.286). Đồng thời khuyến nghị mua cổ phiếu này.
Trái với khuyến nghị của MBS, dù mới đây, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 khả quan với lợi nhuận ghi nhận 1.856 tỷ đồng, vượt 113% kế hoạch cả năm, nhưng diễn biến cổ phiếu BSR tuần qua không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR chỉ tăng nhẹ 200 đồng (+1,36%) từ mức giá 14.700 đồng/CP lên 14.900 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu MBB nằm tại mức 39
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của MBB nằm tại khu vực xung quanh 30. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 39, cắt lỗ nếu ngưỡng 28.2 bị xuyên thủng.
Sau kỳ nghỉ lễ khá dài ngày, thị trường quay lại với 4 phiên giao dịch, trong đó đã chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi phần lớn các mã đều có những phiên giao dịch tích cực. Trong đó, bên cạnh thanh khoản tăng vọt, cổ phiếu MBB đã ghi nhận 2 phiên tăng, 1 phiên điều chỉnh nhẹ và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 1.250 đồng (+4,12%) từ mức giá 30.350 đồng/CP lên 31.600 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu HDB nằm tại mức 33.3
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HDB nằm tại khu vực xung quanh 28.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 33.3, cắt lỗ nếu ngưỡng 25.3 bị xuyên thủng.
Cổ phiếu HDB cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi đón nhận 2 phiên tăng khá mạnh, trong đó phiên 5/5 tăng sát trần và 2 phiên giảm nhẹ. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HDB tăng 2.750 đồng (+10,09%) từ mức giá 27.250 đồng/CP lên 30.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB
Quy định theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) quy định thương vụ mua lại tương tự cho biết pháp nhân sau thâu tóm vẫn vẫn tiếp tục hợp nhất vào VPB, số tiền thu được sẽ được hạch toán vào tài khoản vốn chủ sở hữu của VPB thay vì được ghi nhận trong kết quả kinh doanh. Trước đây, chúng tôi đã giả định FEC sẽ được bán cổ phần với mức định giá 2,3 tỷ USD (P/B 2020 là 3,5 lần). Vì vậy, chúng tôi có khuyến nghị mua đối với VPB.
Thông tin tích cực từ việc ĐHCĐ thường niên thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMBC CF – nhà đầu tư Nhật Bản và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ cho CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), qua đó giảm sở hữu tại FE Credit xuống còn 50%. Trị giá thương vụ bán 49% vốn FE Credit cho SMBC đạt gần 1,4 tỷ USD với định giá FE Credit 2,8 tỷ USD. Điều này đã giúp VPB tiếp tục có thêm tuần giao dịch khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VPB tăng 3.000 đồng (+5,13%) từ mức giá 58.500 đồng/CP lên 61.500 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị mua SAB với giá mục tiêu 224.000 đồng/CP
Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 224.000 đồng/CP cho SAB, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 43,3%.
Trái với khuyến nghị của VCSC, bất chấp thông tin kết quả kinh doanh quý I/2021 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 986 tỷ đồng, tăng trưởng 37,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cổ phiếu SAB đã có tuần giao dịch khá tiêu cực. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 14.100 đồng (-8,44%) từ mức giá 167.100 đồng/CP xuống 153.000 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VNM
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, chúng đưa ra mức giá hợp lý của VNM là 128.000 đồng/ cổ phiếu (tăng 37% so với giá hiện tại). Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Cũng như cổ phiếu lớn ngành bia, một trụ cột khác trên sàn HOSE cũng khiến nhà đầu tư mất vui là VNM khi tuần qua liên tiếp lùi sâu và về vùng giá thấp nhất trong khoảng 8 tháng qua. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VNM giảm 6.500 đồng (-6,95%) từ mức giá 93.500 đồng/CP xuống 87.000 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan NLG, BSC khuyến nghị chốt lãi khi giá tiếp cận ngưỡng 41.5
VCSC nâng khuyến nghị cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) lên khả quan từ phù hợp thị trường và nâng giá mục tiêu thêm 16% lên 44.000 đồng/CP chủ yếu do giá bán trung bình (ASP) giả định cao hơn cho dự án Mizuki Park, tăng tỷ lệ sở hữu thực tế đối với dự án Waterfront (tên thương mại mới là Izumi City) từ 35% lên 65%, tỷ lệ WACC thấp hơn và cập nhất mô hình định giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2022.
Trong khi đó, theo BSC, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 36.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 41.5. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 34.0.
Vừa qua, Nam Long đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2020, đây là một trong nhân tố giúp cổ phiếu NLG giao dịch khởi sắc trong thời gian gần đây. Trong tuần vừa qua, cổ phiếu NLG đã đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 4/5 tăng mạnh lên sát trần, 1 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng 2.500 đồng (+6,89%) từ mức giá 36.300 đồng/CP lên 38.800 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị mua PET với giá mục tiêu 24.200 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PET của Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí với giá mục tiêu 24.200 đồng/CP trên cơ sở (i) tiềm năng tăng trưởng cao từ ngành ICT, (ii) Kết quả kinh doanh tăng mạnh nhờ phân phối các sản phẩm của Apple, và (iii) giá dầu tăng cao hỗ trợ mảng cung ứng vận tải thiết bị và cung cấp dịch vụ hậu cần cho ngành dầu khí. Doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức 2020 trong quý II/2021 với 1.000 đồng/CP.
Không được như kỳ vọng của MBS, sau 2 phiên đầu tuần tăng vọt vượt mức giá 21.000 đồng/CP, cổ phiếu PET đã quay đầu điều chỉnh. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PET tăng 700 đồng (+3,5%) từ mức giá 20.000 đồng/CP lên 20.700 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà MBS đưa ra là 24.200 đồng/CP, thị giá hiện tại của PET còn thấp hơn 14,46%.
* MBS khuyến nghị mua KSV với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP với giá mục tiêu 40.500 đồng/CP trên cơ sở: (i) Giá kim loại công nghiệp (Đồng, thiếc…) đang tăng vọt và được dự báo tiếp tục ở mức cao do nguồn cung hạn chế và nền kinh tế thế giới phục hồi, (ii) Hoạt động sản xuất kinh doanh của KSV sẽ dần tốt lên trong những năm tới nhờ các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động và các công ty con bắt đầu hoạt động có lãi, và (iii) TKV dự kiến thoái vốn nhà nước tại KSV xuống mức 65% từ 98,06% nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và tăng thanh khoản cho cổ phiếu.
Cổ phiếu KSV tiếp tục có thêm tuần giao dịch khởi sắc bởi thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh khi ghi nhận lợi nhuận quý I/2021 đạt 151, gấp tới 6 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, trong đó 2 phiên cuối tuần tăng trần và 1 phiên giảm ngày 5/5, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KSV tăng 5.700 đồng (+24,78%) từ mức giá 23.000 đồng/CP lên 28.700 đồng/CP.
* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu HLD nằm tại mức 35.5
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 nên cổ phiếu sẽ tiếp tục củng cố đà tăng.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HLD nằm tại khu vực xung quanh 29.5- 30. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 35.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 28.2 bị xuyên thủng.
Dù có chút rung lắc và nhịp điều chỉnh nhẹ, nhưng tuần qua cổ phiếu HLD vẫn duy trì đà tăng điểm. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 1 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HLD tăng 1.000 đồng (+3,23%) từ mức giá 31.000 đồng/CP lên 32.500 đồng/CP.
* MBS khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu MWG
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 152.600 đồng, trên cơ sở: (i) nhu cầu đối với nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng, làm cải thiện mạnh doanh thu chuỗi Bách hóa xanh trong khi biên lợi nhuận gộp được cải thiện, và (ii) Điện máy xanh supermini trở thành động lực tăng trưởng cho mảng bán lẻ điện tử tiêu dùng.
Cổ phiếu MWG đã có những nhịp hồi nhưng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái giảm điểm trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 700 đồng (-0,5%) từ mức giá 140.900 đồng/CP xuống 140.200 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTD
Chúng tôi vẫn duy trì P/E mục tiêu là 8.7x giống các báo cáo lần trước, do đó giá trị hợp lý của cổ phiếu CTD là 69.200 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Nhận định của PHS thiếu chuẩn khi tuần qua cổ phiếu CTD diễn biến không mấy tích cực bởi tác động của thông tin kết quả kinh doanh quý I/2021 ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh 56%, xuống còn 54,4 tỷ đồng. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng nhẹ ngày 5/5 và 3 phiên giảm, trong đó phiên cuối tuần ngày 7/5 giảm mạnh về sát mức giá sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTD giảm 5.600 đồng (-8,72%) từ mức giá 64.200 đồng/CP xuống 58.600 đồng/CP.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dien-bien-co-phieu-can-quan-tam-tuan-qua-post268686.html