Diễn biến đáng chú ý ở bộ máy công an, quân đội Trung Quốc
Hàng loạt quan chức từng làm với ông Tập Cận Bình ở Phúc Kiến được đề bạt vào các vị trí chủ chốt của công an, quân đội trước thềm Đại hội XX của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình từng có thời gian công tác ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Tại cả hai tỉnh này, ông Tập đều xây dựng được đội ngũ nhân sự dưới quyền đến nay vẫn hết lòng ủng hộ ông.
Trong bối cảnh Đại hội XX đảng Cộng sản Trung Quốc đang đến gần, mọi con mắt của giới quan sát đều hướng về những biến động nhân sự liên quan tới hai nhóm quan chức đến từ Phúc Kiến và Chiết Giang, theo Nikkei Asia.
Sự nổi lên của nhân sự từ Phúc Kiến
Đến nay, đã bắt đầu có những dấu hiệu biến động nhân sự đáng chú ý. Một loạt quan chức từng công tác ở Phúc Kiến bắt đầu được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt trong ngành công an và quân đội.
Trong diễn biến mới nhất, ghế Bộ trưởng Công an đã thuộc về Vương Tiểu Hồng, người trước đó là Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Vương đồng thời trực tiếp phụ trách cơ quan an ninh nội bộ của Bộ Công an, đơn vị bảo vệ các quan chức cấp cao của chính phủ, nắm được di chuyển của mọi yếu nhân trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc.
Hai ông Tập và Vương bắt đầu gắn bó trong thời gian nhà lãnh đạo Trung Quốc công tác tại Phúc Kiến hơn 30 năm trước. Bằng chứng cho mối thân tình có thể quan sát qua một tấm hình cũ. Trong bức ảnh, ông Tập và ông Vương vai kề vai, cùng mỉm cười.
Tháng trước, Trung Quốc cũng đã đặt tên cho tàu sân bay mới nhất của nước này cái tên "Phúc Kiến". Các chuyên gia cho rằng đây là bằng chứng thể hiện sự yêu thích của ông Tập với tỉnh nơi ông từng công tác trong 17 năm.
Sự nghiệp của Vương Tiểu Hồng có bước thăng tiến đáng chú ý năm 2015 khi ông được bổ nhiệm làm Phó thị trưởng Bắc Kinh, đồng thời đứng đầu công an thành phố, dù rằng ông chưa từng có kinh nghiệm công tác ở thủ đô.
Với sự ủng hộ của người lãnh đạo cao nhất, ông Vương dần loại bỏ các chướng ngại vật và tiếp quản thành công bộ máy công an Bắc Kinh.
Với việc được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Công an, câu hỏi đặt ra là liệu ông Vương có hay không bước chân vào Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc với 25 thành viên.
Với các nhà lãnh đạo ở mọi quốc gia, việc giành được sự trung thành từ người đứng đầu cơ quan an ninh sẽ mang lại nhiều bảo đảm.
Sự quan trọng của cơ quan an ninh với chiếc ghế lãnh đạo là điều có thể dễ dàng nhận thấy, rõ nhất từ vụ án của Bạc Hy Lai 10 năm trước.
Cú ngã ngựa của Bạc khởi đầu từ Vương Lập Quân, Giám đốc Công an Trùng Khánh và là thân tín của ông Bạc. Sau khi toan tính chính trị bất thành, lo sợ tính mạng bản thân bị đe dọa, ông Vương Lập Quân bí mật bỏ trốn vào tòa nhà Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô xin quy chế tị nạn.
Khi đó, Vương Lập Quân mang theo bằng chứng cho thấy vợ của ông Bạc, bà Cốc Khai Lai, đã đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood ở Trùng Khánh. Bằng chứng vụ giết người sau đó được chuyển cho nhà chức trách Trung Quốc. Cả Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân đều đang chịu án tù.
Vương Lập Quân không phải ngoại lệ, các quan chức an ninh cấp cao thường nắm trong tay những bí mật của giới chính trị gia mà họ thân cận. Đây là lý do các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia không có lựa chọn nào khác ngoài cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí liên minh với người đứng đầu cơ quan an ninh.
Tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo luôn tìm cách nắm trong tay cả "súng" và "gươm". "Súng" là biểu tượng cho quân đội, trong khi "gươm" đại diện cho ngành công an với chức năng bảo vệ trật tự xã hội.
Đến nay, đã có nhiều quan chức từ Phúc Kiến trong ngành quân đội. Trước đó, ông Miêu Hoa đã được bổ nhiệm vào chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân ủy Trung ương. Đây là cơ quan phụ trách giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội.
Ông Miêu là một trong các ủy viên của Quân ủy Trung ương. Đáng chú ý, Quân ủy Trung ương Trung Quốc, vốn gồm 11 ủy viên, hiện mới chỉ có 7 người.
Ông Miêu là người gốc Phúc Kiến. Khi ông Tập giữ chức chủ tịch tỉnh, ông Miêu đang phục vụ tại sư đoàn 31 đóng quân ở thành phố Hạ Môn. Người tiền nhiệm của ông Miêu tại Tổng cục chính trị là Trương Dương, quan chức ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo.
Nhóm Chiết Giang yên ắng
Trong khi đó, chưa có nhiều diễn biến đáng chú ý với nhóm quan chức từng dưới quyền ông Tập đi lên từ Chiết Giang. Những gương mặt chủ chốt như ông Lý Cường - Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Trần Mẫn Nhĩ - Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, hay Thái Kỳ - Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, vẫn ngồi yên tại chỗ.
Lý Cường một thời được coi là ứng cử viên thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhưng dường như cơ hội của ông đã tiêu tan do sai lầm trong ứng phó Covid-19 ở Thượng Hải.
Người dân Thượng Hải không hài lòng với giới lãnh đạo thành phố sau hàng tháng trời phong tỏa, chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đứt gãy. Thậm chí còn có đồn đoán ông Lý sẽ bị cách chức, điều đến nay chưa xảy ra.
Năm 2007, không lâu trước khi diễn ra Đại hội đảng, ông Tập đột ngột được chuyển từ Chiết Giang về giữ chức Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Vài tháng sau, ông Tập được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị. Từ đó, ông tiến một mạch lên ghế lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Trong tình hình này, nhiều khả năng vị trí lãnh đạo 4 thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Thiên Tân sẽ không có thay đổi, ít nhất tới sau Đại hội XX.
Các cấp dưới một thời của ông Tập như Lý Cường, Thái Kỳ, Trần Mẫn Nhĩ sẽ phải đợi tới phút chót mới có thể biết tương lai họ sẽ đi đâu, về đâu. Dù cùng đi lên từ Chiết Giang, ba ông này lại đồng thời là đối thủ của nhau bởi không phải tất cả đều có thể được bầu vào Thường vụ Bộ chính trị, sẽ có người bị gạt ra.