Diễn biến kịch tính vụ tàu ngầm Mỹ đánh chìm tàu sân bay bí mật của Nhật Bản - Kỳ 1
Tàu ngầm USS Archer-Fish của Hải quân Mỹ đã đánh chìm tàu sân bay Shinano của Nhật Bản vào ngày 29/11/1944, chỉ 17 giờ sau khi tàu này rời cảng. Đây là chiến công lớn nhất của một tàu ngầm trong Thế chiến II, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng hải quân Nhật Bản.
Kỳ 1: Shinano - Siêu tàu sân bay tuyệt mật của Nhật
Theo trang warfarehistorynetwork.com, khi năm 1944 sắp kết thúc, đế quốc Nhật Bản đang suy tàn tuyệt vọng tìm cách ngăn chặn lực lượng Mỹ đang tiến gần hơn đến các hòn đảo chính. Quân đội Mỹ dưới quyền tướng Douglas MacArthur đang kiên quyết giành lại Philippines. Những chiếc máy bay ném bom hạng nặng Boeing B-29 Superfortress đã bắt đầu chiến dịch hủy diệt các thành phố lớn của Nhật Bản. Nhưng có lẽ đáng sợ nhất chính là các tàu ngầm của Hải quân Mỹ, luôn hiện diện khắp nơi và đang càn quét tàu bè Nhật khỏi Nam Thái Bình Dương. Tuy vậy, nếu Hải quân Đế quốc có thể tạo ra được một con quái vật chiến hạm, thì có lẽ họ có thể tạm thời làm chậm bước tiến của kẻ thù. Biết đâu, siêu vũ khí nổi này có thể đảo ngược tình thế ở Philippines hoặc khiến cuộc tấn công dự kiến vào Okinawa phải ngưng lại.

Họa sĩ người Nhật Shizuo Fukui đã phác họa hình ảnh này về tàu sân bay xấu số Shinano vào năm 1952, sáu năm sau khi tàu chiến này bị đánh chìm. Ảnh: Trung tâm Lịch sử Hải quân Mỹ
Tàu sân bay Shinano ban đầu được thiết kế là tàu chiến thứ ba trong bộ ba thiết giáp hạm siêu lớn, cùng với Musashi và Yamato – mỗi chiếc nặng 70.000 tấn. Sau thất bại thảm hại tại trận Midway, nơi Nhật mất nhiều tàu sân bay, người Nhật Bản điều chỉnh kế hoạch đóng tàu Shinano để biến nó thành tàu sân bay lớn nhất từng được hạ thủy. Được đặt theo tên một tỉnh thời trung cổ ở Nhật, các kỹ sư đóng tàu kỳ vọng Shinano sẽ hoàn tất vào tháng 2/1945. Tuy nhiên, tình hình quân sự ngày càng tồi tệ khiến công việc phải gấp rút hơn. Công nhân tại xưởng đóng tàu phải làm việc 16 tiếng mỗi ngày để hoàn thành chiến hạm khổng lồ này.
Thuyền trưởng Abe Toshio, một sĩ quan tốt nghiệp học viện hải quân Nhật, được chỉ định chỉ huy Shinano. Ông là người sống sót sau thảm bại ở Midway, nơi ông từng chỉ huy một tàu khu trục. Ông là một sĩ quan chuyên nghiệp, nghiêm khắc, ít nói và không ngoại giao.
Đối thủ của Abe, Joseph Francis Enright, tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis năm 1933. Sau trận Midway, ông được giao chỉ huy tàu ngầm S-22 – một tàu cũ dùng để huấn luyện lính mới về chiến tranh dưới nước. Mùa xuân năm 1943, Enright được thăng cấp trung tá và nhận quyền chỉ huy tàu ngầm USS Dace. Trong chuyến tuần tra đầu tiên cuối năm đó, ông không hài lòng với chính bản thân mình: ông đã để lỡ hàng loạt mục tiêu quân sự và thương mại béo bở. Có lần, vì quá thận trọng và làm theo quy trình thay vì nghe theo bản năng tấn công quyết đoán, ông đã bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để đánh trúng tàu sân bay Shokaku. Ngày 11/12, ông quay trở lại Midway mà chưa bắn phát nào.
Theo đề nghị của chính mình, Enright bị bãi nhiệm quyền chỉ huy. Sau đó ông được thăng cấp chỉ huy trưởng và chuyển sang công việc bàn giấy – làm phó chỉ huy căn cứ tàu ngầm tại Midway. Một cách đầy trớ trêu, sự nghiệp của ông trên biển được cứu vãn nhờ... một ván bài poker.
Tâm trạng ông tụt dốc không phanh vào cuối mùa hè năm 1944. Mẹ ông bất ngờ qua đời ở Mỹ, còn ông thì bị kẹt trong vị trí hành chính không đóng góp gì đáng kể cho cuộc chiến. Ông đã viết thư cho chỉ huy căn cứ Midway, Đô đốc Charles Lockwood, để xin được trở lại chỉ huy tàu ngầm, nhưng không nhận được hồi âm. Cho đến khi ông tham gia một ván poker khuya cùng một cấp dưới của Lockwood là Đại tá Pace – người rất ấn tượng với lối chơi mạnh bạo và quyết đoán của ông. Kết thúc ván bài, Pace hỏi Enright: “Joe, nếu chỉ huy tàu ngầm, anh sẽ làm như cách chơi poker không?”
“Vâng, thưa ngài”, Enright đáp.
“Được rồi Joe, tôi thích tinh thần của anh. Tàu ngầm trống tiếp theo sẽ là của anh”.
Ngày 24/9/1944, Enright được rời khỏi bàn giấy và giao quyền chỉ huy tàu ngầm USS Archer-Fish, vừa hoàn tất chuyến tuần tra thứ tư. Ông đi cùng con tàu mới từ Midway về Trân Châu Cảng, nơi tàu được bảo trì toàn diện, nạp đầy nhiên liệu và thay thế một phần thủy thủ đoàn. Dưới quyền chỉ huy mới, tàu bắt đầu chuyến tuần tra thứ năm vào ngày 30/10/1944. Một cuộc phiêu lưu ngoạn mục đang chờ đón họ.
Điều gần như quan trọng bằng hỏa lực của Shinano chính là mức độ bí mật khi con tàu này được chế tạo. Nếu người Mỹ phát hiện sự hiện diện của Shinano tại ụ tàu số 6 của xưởng hải quân Yokosuka, nằm ở bờ Tây vịnh Tokyo, họ chắc chắn sẽ điều B-29 đến ném bom phá hủy trước khi người Nhật kịp hạ thủy. Và nếu tàu được hoàn thành và đưa vào hoạt động mà không bị quân Đồng minh phát hiện, sự xuất hiện bất ngờ của tàu gần Philippines sẽ là cú sốc lớn cho quân Mỹ.
Shinano được đóng bên trong một khu vực rào bê tông có mái che khổng lồ. Ụ tàu hoàn toàn cấm người không phận sự. Cảnh sát mật Kempei của đế quốc tuần tra nghiêm ngặt công trường, bảo đảm không công nhân nào rời khỏi khu vực – nơi họ làm việc và sinh sống suốt bảy ngày mỗi tuần. Những người vi phạm bị đe dọa giam giữ hoặc xử tử nếu tiết lộ sự tồn tại của con tàu. Máy ảnh bị cấm tuyệt đối. Shinano là chiến hạm lớn duy nhất trong thế kỷ 20 không bị chụp ảnh chính thức khi đang được đóng.
Con tàu là một vũ khí đáng gờm. Tàu được bọc giáp dày 20 cm cả trên và dưới mực nước. Trên tàu trang bị 16 khẩu pháo cao xạ cỡ 127 mm, 145 khẩu pháo 25 mm và 12 bệ phóng rocket cỡ 120 mm, có thể bắn loạt tới 30 quả. Tàu này còn rất nhanh. Bốn tuabin hơi nước chính tạo ra công suất trục 150.000 mã lực, cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 50 km/h. Hệ thống nhiên liệu nhiều khoang giúp tàu tầm hoạt động đến 16.000 km. Với lượng giãn nước tối đa 71.890 tấn, Shinano là tàu sân bay lớn nhất từng được chế tạo tính đến thời điểm đó. Phải đến năm 1961, khi tàu sân bay USS Enterprise chạy bằng năng lượng hạt nhân được hạ thủy, mới có con tàu vượt qua Shinano về kích thước.