Kiev chơi nước cờ mới: Chấp nhận nhượng bộ có giới hạn, quyết bảo vệ chủ quyền

Giới lãnh đạo Ukraine đã soạn thảo một đề xuất phản hồi đối với kế hoạch của Tổng thống Trump - một kế hoạch vốn đã bị chỉ trích vì nhượng bộ quá nhiều trước Nga. Bản phản hồi này tiếp tục giữ vững một số điều kiện, nhưng hé lộ khả năng nhượng bộ ở những vấn đề vốn lâu nay được coi là không thể thỏa hiệp.

Tổng thống Trump kêu gọi Kiev nỗ lực để đi đến một thỏa thuận. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Trump kêu gọi Kiev nỗ lực để đi đến một thỏa thuận. Ảnh: THX/TTXVN

Đề xuất phản hồi của Ukraine

Theo bản kế hoạch mà tờ New York Times thu thập được, Ukraine sẽ không bị áp đặt bất kỳ giới hạn nào về quy mô quân đội; "một lực lượng an ninh châu Âu" được Mỹ hậu thuẫn sẽ được triển khai trên lãnh thổ Ukraine để bảo đảm an ninh; và tài sản của Nga bị đóng băng sẽ được sử dụng để khắc phục những thiệt hại do chiến tranh gây ra ở Ukraine.

Ba điều khoản này nhiều khả năng sẽ bị Điện Kremlin bác bỏ ngay từ đầu. Tuy nhiên, một số phần khác trong kế hoạch của Ukraine cho thấy họ đang tìm kiếm một điểm chung. Chẳng hạn, trong tài liệu không đề cập đến việc Ukraine phải giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ theo đường biên giới năm 1991, cũng như không nhấn mạnh yêu cầu Ukraine gia nhập NATO - hai vấn đề mà Tổng thống Volodymyr Zelensky từ lâu vẫn khẳng định là "không thể đem ra đàm phán".

Trong một bài đăng trên mạng xã hội sau khi hạ cánh xuống Rome, ông Trump cho biết Nga và Ukraine "rất gần với một thỏa thuận" và thúc giục hai bên gặp trực tiếp để "hoàn tất".

Tổng thống Trump nói chuyện với các phóng viên trên chiếc Không lực Một khi ông đi dự tang lễ của Giáo hoàng Francis ngày 25/4/2025. Ảnh: New York Times

Tổng thống Trump nói chuyện với các phóng viên trên chiếc Không lực Một khi ông đi dự tang lễ của Giáo hoàng Francis ngày 25/4/2025. Ảnh: New York Times

Ông Trump đã bay tới Rome ngày 25/4 để dự lễ tang Giáo hoàng Francis vào ngày 26/4. Tại Rome, Tổng thống Mỹ đã có cuộc gặp người đồng cấp Ukraine, Zelensky – một sự kiện mà giới chức Nhà Trắng sau đó tuyên bố là “rất hiệu quả”.

Theo người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Zelensky, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô kéo dài khoảng 15 phút, và họ đã đồng ý tổ chức một cuộc gặp thứ hai vào cuối ngày 26/4 (theo giờ địa phương).

Cuộc gặp diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng giữa Nhà Trắng và giới lãnh đạo Ukraine về các khía cạnh của một thỏa thuận hòa bình có thể có với Nga. Ông Zelensky đã bác bỏ một đề xuất của Nhà Trắng được công khai vào tuần này, theo đó Mỹ sẽ công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Bán đảo Crimea, nơi mà Điện Kremlin đã sáp nhập vào năm 2014. Hôm 23/4, ông Trump cáo buộc ông Zelensky là "kích động" và cho biết việc Kiev từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Nhà Trắng sẽ "kéo dài chiến trường giết chóc".

Nhưng bất chấp sự bất bình, dường như vẫn còn chỗ cho một số nhượng bộ giữa Washington và Kyiv, mặc dù lập trường của họ hầu như không được xác định rõ ràng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại cuộc gặp ở Moskva ngày 25/4/2025. Ảnh: AA/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại cuộc gặp ở Moskva ngày 25/4/2025. Ảnh: AA/TTXVN

Nhượng bộ về gia nhập NATO?

Trong đề xuất mới nhất của Ukraine, chẳng hạn, không có yêu cầu rằng việc Ukraine gia nhập NATO – điều mà Moskva kịch liệt phản đối – phải được bảo đảm, dù đây từ lâu là lập trường của ông Zelensky. Thay vào đó, văn bản chỉ nêu rằng: “Việc Ukraine gia nhập NATO phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa các thành viên của Liên minh.”

Trong các cuộc đàm phán tại London và Paris, các quan chức Mỹ nhắc lại rằng ông Trump có ý định phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng họ cũng nói với các đối tác Ukraine rằng lập trường này sẽ không ràng buộc các tổng thống Mỹ trong tương lai nếu họ có quan điểm khác.

Về cấu trúc quân đội Ukraine trong tương lai, Nhà Trắng cũng đứng về phía Ukraine chứ không phải Nga. Kremlin đã yêu cầu lực lượng vũ trang Ukraine – hiện là quân đội lớn nhất và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhất châu Âu ngoài Nga – phải bị áp đặt những giới hạn nghiêm ngặt về quy mô và năng lực. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã nói với Ukraine rằng họ sẽ không ủng hộ những giới hạn như vậy.

Ngoài ra, dù ông Trump và ông Vance tuần này tỏ ý sẵn sàng công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, nhưng phía Mỹ cũng nhiều lần nhấn mạnh với Ukraine rằng họ sẽ không yêu cầu Kiev phải làm như vậy, cũng không kỳ vọng các nước châu Âu sẽ theo Mỹ.

Tuy vậy, bất chấp tuyên bố của ông Trump rằng “chúng ta đã rất gần” với một thỏa thuận, trên thực tế con đường phía trước dường như vẫn còn rất dài. Các bên đều nhất trí rằng trước khi có thể bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc nào, Nga và Ukraine phải ngừng bắn. Nhưng một lệnh ngừng bắn vẫn còn vô cùng xa vời.

Chỉ vài giờ sau khi ông Trump chỉ trích ông Zelensky vì không ủng hộ đề xuất hòa bình của Nhà Trắng tuần này, Nga đã phát động một cuộc tấn công vào Kiev, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương. Cuộc tấn công này đã khiến ông Trump hiếm hoi lên tiếng chỉ trích ông Putin.

Nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ?

Kể từ khi xung đột bắt đầu năm 2022, quân đội Nga đã kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Ukraine, chủ yếu ở vùng Donbas phía đông, cùng với một dải đất ở phía nam nối lãnh thổ Nga với Crimea. Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ không từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào trong số này.

Trong đề xuất của mình, phía Ukraine tuyên bố đất nước họ nên được “khôi phục hoàn toàn” chủ quyền lãnh thổ, nhưng không nêu rõ điều đó có nghĩa cụ thể là gì. Dù ông Zelensky từ lâu đã nói rằng mục tiêu cuối cùng của chính quyền ông là giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine theo ranh giới khi tuyên bố độc lập năm 1991 (bao gồm cả Crimea), nhưng đề xuất mới nhất của Kiev dường như cố tình tránh đề cập cụ thể đến vấn đề này.

“Tình trạng lãnh thổ có thể được thảo luận sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn đầy đủ và vô điều kiện”, đề xuất của Ukraine chỉ nêu ngắn gọn như vậy.

Các quan chức chính quyền Trump đã mô tả mục tiêu đẩy quân đội Nga ra khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ Ukraine mà ông Zelensky đề ra là “không thực tế”; đề xuất của Mỹ sẽ chấp nhận việc Nga kiểm soát thực tế các khu vực này, trong khi Ukraine và châu Âu phản đối.

Dù điều này sẽ là một nhượng bộ đau đớn đối với Ukraine, nhưng cho tới nay, chính quyền Trump vẫn từ chối nhượng bộ toàn bộ các yêu sách lãnh thổ của Nga. Chẳng hạn, Nhà Trắng đã bác bỏ yêu cầu của Nga đòi Ukraine phải rút khỏi toàn bộ bốn tỉnh mà Nga đã sáp nhập.

Một người tham gia đàm phán cho biết lập trường của Nhà Trắng là: đó là “một yêu cầu phi lý và không thể đạt được mà Mỹ sẽ không ủng hộ”. Tuần này, ông Vance nói rằng Mỹ sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán nếu hai bên không đồng ý “đóng băng” đường ranh giới lãnh thổ theo hiện trạng.

Các quan chức Mỹ sau đó giải thích rằng dù tổng diện tích lãnh thổ do Nga kiểm soát trong các cuộc đàm phán tương lai khó có thể thay đổi nhiều, nhưng phía Ukraine đã làm rõ rằng họ sẽ đề xuất các cuộc trao đổi lãnh thổ để cải thiện vị trí phòng thủ của mình. Các quan chức chính quyền Trump đã cam kết riêng với Ukraine rằng họ sẽ đấu tranh để đạt được các cuộc hoán đổi này, nhưng cũng thừa nhận rằng họ không thể bảo đảm Nga sẽ đồng ý.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/kiev-choi-nuoc-co-moi-chap-nhan-nhuong-bo-co-gioi-han-quyet-bao-ve-chu-quyen-20250426202859168.htm