Diễn biến nặng, phức tạp của bệnh nhân COVID-19 đang điều trị ở Hà Nội
Bác sĩ Võ Đức Linh, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tổn thương phổi của bệnh nhân (BN) BN793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) hiện rất nặng và phức tạp hơn trường hợp BN812 trước đây.
Sau khoảng 2 tuần điều trị, tổn thương phổi của người bệnh vẫn đang diến biến nặng lên. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bội nhiễm thêm các vi khuẩn, nấm.
"Đến hôm qua 24/8, phổi của bệnh nhân tiếp tục xấu đi, cơ hô hấp yếu dẫn đến suy hô hấp nặng, phải chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản" - bác sĩ điều trị cho biết.
Theo các bác sĩ, tình trạng diễn biến xấu của bệnh nhân có thể do virus SARS-CoV-2 hoặc do người bệnh suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm... Các bác sĩ đang nỗ lực tìm nguyên nhân chính để xử lý.
Hiện tại, bệnh nhân đã được dùng kháng sinh và kháng nấm bên cạnh việc duy trì thở máy, theo dõi sát tình trạng hô hấp, huyết động…
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực cho biết thêm, về tiên lượng, các bác sĩ chưa thể khẳng định điều gì với trường hợp này: “Bệnh nhân vừa được đặt ống thở máy, quan trọng nhất là trong những ngày tới có đáp ứng thở máy hay không. Song song với việc điều trị, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân để kịp thời khu trú”.
Ngoài BN793, hai trường hợp nặng khác là BN812 và BN867 đều đang có những diễn biến rất tích cực.
BN812 (nam, 63 tuổi, nhân viên giao pizza tại cửa hàng số 106 Trần Thái Tông) từng là ca COVID-19 nặng nhất miền Bắc khi phải thở máy xâm nhập. Đến nay, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và chuyển sang thở oxy qua gọng kính.
"Thể trạng bệnh nhân đang tương đối ổn, đã ăn uống được, ngủ tốt, tình trạng nhiễm trùng có xu hướng giảm, phổi tiến triển tốt hơn.
Ngày 21/8, người này có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Hướng điều trị thời gian tới của người bệnh là tiếp tục dùng kháng sinh đủ liệu trình. Sau đó, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng nhiễm trùng để xem xét dừng kháng sinh và theo dõi tình trạng tổn thương phổi để dừng thở oxy kính" - bác sĩ Linh thông tin thêm.
BN867 (nam 63 tuổi, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) là trường hợp có tiến triển rõ rệt nhất. Người bệnh đã dừng thở oxy, hiện chỉ thở khí phòng. Bệnh nhân ăn uống tốt, ngủ tốt, không sốt, phổi có xu hướng tốt lên. Tuy nhiên, ngày 21/8, người này có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 trở lại.
Các bác sĩ cho biết đang tiếp tục theo dõi sát tình trạng tổn thương phổi của người bệnh và chờ kết quả SARS-CoV-2 âm tính.
Lịch trình chi tiết ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng vừa được công bố
Bệnh nhân số 1.020: P.H.T (Giới tính: Nam; Sinh năm: 1994; Địa chỉ phòng trọ: đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Quê quán: thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nghề nghiệp: Lao động tự do
Tiền sử dịch tễ trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nghi ngờ
- Bệnh nhân sống một mình tại phòng trọ ở đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
- Bệnh nhân là người nhà của bệnh nhân P.H.T (là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng). Ngày 4-8-2020, bệnh nhân P.H.T được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, anh T có kết quả xét nghiệm dịch hầu họng (+) với SARS-CoV-2 vào ngày 19-8-2020 (Bệnh nhân số 996).
+ Từ ngày 10-8 đến 18-8-2020, bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để chăm sóc bệnh nhân số 996. Tại đây, bệnh nhân được cách ly cùng phòng với bệnh nhân 966 và một số người trong đó có các bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Đà Nẵng.
+ Ngày 18-8-2020, bệnh nhân được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 1), gửi đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng xét nghiệm với SARS-CoV-2 và cho kết quả xét nghiệm (-) với SARS-CoV-2.
Lịch trình cụ thể 3 ngày trước khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nghi ngờ đến nay:
- Ngày 19-8 và 20-8-2020, sau khi bệnh nhân số 996 có kết quả xét nghiệm dịch hầu họng (+) với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển đến phòng khác thuộc khu cách ly của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
- Ngày 21-8 và 22-8-2020, bệnh nhân được chuyển đến cách ly ở 1 phòng riêng của Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
- Ngày 23-8-2020, tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mệt mỏi và chảy nước mũi nên được lấy mẫu dịch hầu họng (lần 2) gửi đến Bệnh viện Phổi Đà Nẵng xét nghiệm. Tại đây, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nghi ngờ với SARS-CoV-2.
- Ngày 24-8-2020, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gửi mẫu xét nghiệm của bệnh nhân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng để xét nghiệm khẳng định và đến trưa cùng ngày có kết quả xét nghiệm (+) với SARS-CoV-2.
Hiện tại, bệnh nhân được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.