Điện Biên: Người trồng mắc ca và doanh nghiệp hưởng lợi từ chương trình khuyến công quốc gia
Đề án nhóm 'Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến quả mắc ca' từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 cho Công ty TNHH MTV Phúc Sơn; Công ty TNHH Đại Phú tại tỉnh Điện Biên nhằm tạo ra nguồn sản phẩm mắc ca có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, sản phẩm tạo ra đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Cùng với đó, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Mạnh dạn đầu tư máy móc nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia
Tại tỉnh Điện Biên Cây Mắc ca được đánh giá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, từ năm 2018 đến nay tỉnh Điện Biên đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây Mắc ca của 11 doanh nghiệp (Nhà đầu tư), với quy mô thực hiện trồng 85.815 ha. Hạt (nhân) Mắc ca có vị ngon ngọt, bùi, ngậy. Loại hạt này còn là nguồn cung cấp protein, khoáng chất, vitamin thiết yếu và đặc biệt là chất béo không có hại, rất được ưa chuộng trên thị trường.
Với đặc thù sản phẩm hạt Mắc ca sau thu hoạch nếu không kịp thời sơ chế và tách ẩm bảo quản kịp thời thì sản phẩm sẽ mất dần giá trị dinh dưỡng theo thời gian đó là lượng ẩm lưu trữ trong hạt Mắc ca sẽ gây phân hóa, mốc thối nhân cũng giống như hạt lạc bị mốc, hạt lúa bị ủ nước mà chưa kịp sấy khô. Nghiêm trọng hơn là sản phẩm có thể bị loại bỏ ngay khi không được sơ chế qua hệ thống máy tách ẩm (hạ ẩm) trong thời gian mới thu hoạch.
Từ những yêu cầu thực tiễn về kỹ thuật bắt buộc cần phải thực hiện trong khâu thu hoạch và chế biến quả Mắc ca, hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Phúc Sơn và Công ty TNHH Đại Phú đều có địa chỉ tại đội 7, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã quyết định phối hợp với Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan lập đề án nhóm xin hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả Mắc ca bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tại 02 Công ty để chế biến quả Mắc ca từ khâu sơ chế, bảo quản, chế biến. Với tổng kinh phí thực hiện đề án nhóm là 1 tỷ 015 triệu đồng.
Đề án nhóm khuyến công quốc gia mang lại hiệu quả kinh tế
Đối với Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tỉnh Điện Biên: Tổng mức đầu tư của đề án là 505 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng; Nguồn kinh phí của đơn vị thụ hưởng 305 triệu đồng, Công ty đã đầu tư Máy sấy (hong) đảo chiều gió; Model MSH2021; Công suất 1.5tấn/mẻ; Xuất sứ Việt Nam; Máy mới 100%.
Ông Dương Văn Thức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phúc Sơn tỉnh Điện Biên cho biết: Việc ứng dụng Máy sấy (hong) đảo chiều gió nhằm kiểm soát được độ ẩm của hạt mắc ca, bảo quản được lâu dài, chất lượng dinh dưỡng được đảm bảo, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến hạt mắc ca thành phẩm, tránh hạt bị giảm chất lượng hoặc mất mùa sau thu hoạch, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều lao động ở địa phương, đảm bảo sản phẩm quả Mắc ca đầu ra cho người dân và doanh nghiệp trồng Mắc ca trên địa bàn tỉnh và tăng doanh thu cho công ty.
Đối với Công ty TNHH Đại Phú tỉnh Điện Biên: Tổng mức đầu tư của đề án là 515 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng; Nguồn kinh phí của đơn vị thụ hưởng 315 triệu đồng. Công ty TNHH Đại Phú tỉnh Điện Biên ứng dụng máy sấy 24 khay (khay Inox lưới) nhằm tạo ra sản phẩm chế biến sâu tại chỗ chất lượng cao và đem lại thu nhập, lợi nhuận cao hơn cho người trồng Mắc ca và doanh nghiệp. Đặc điểm vượt trội về công nghệ là Máy được áp dụng công nghệ sấy chín tăng nhiệt chủ động bằng hệ thống lập trình điện tử đảm bảo điều chỉnh chính xác nhiệt độ, thời gian cho từng loại sản phẩm, đảm bảo tối ưu cho chất lượng sản phẩm, với máy sấy 24 khay sử dụng khay inox có thể sấy chín sản phẩm để bảo quản hoặc tiêu thụ ngay, hoặc ứng dụng vào sấy khô rau, củ, quả khác hay chế biến thực phẩm như trái cây sấy dẻo, mứt...mà không làm thay đổi chất lượng, màu sắc và mùi vị sản phẩm.
Ông Dương Minh Huấn - Giám đốc Công ty TNHH Đại Phú tỉnh Điện Biên chia sẻ về hiệu quả của đề án: Lợi nhuận mà Máy sấy 24 khay inox lưới, công nghệ khí nóng đối lưu tăng nhiệt chủ động chiếm khoảng 30% trong cơ cấu lợi nhuận. Vì vậy khi được hỗ trợ máy sấy 24 khay inox lưới thì một năm lợi nhuận của máy mang lại cho cơ sở là: 510 triệu đồng (Lợi nhuận/năm) x 30% = 153 triệu đồng/năm.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy việc đầu tư máy móc tiên tiến trong sản xuất chế biến quả Mắc ca tại hai Công ty là rất cần thiết, đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả cao về mặt kinh tế.
Giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động
Ông Phạm Xuân Trường - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết: Không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, Cây Mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, vì Mắc ca có thể trồng ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi có độ cao lên tới 1200m, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế XH còn nhiều khó khăn. Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025 xác định mục tiêu phát triển cây Mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương, nên những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đang tập trung đẩy mạnh phát triển diện tích loại cây này.
Việc ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến góp phần quan trọng vào chuỗi liên kết sản xuất quả mắc ca, dần hình thành quy trình bảo quản hạt mắc ca sau thu hoạch chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến hạt mắc ca thành phẩm đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị thơm ngon cho hạt mắc ca, góp phần tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh của sản phẩm mắc ca Điện Biên trên thị trường. Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.