Điện Biên nỗ lực đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên đã và đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn.
Đổi mới cách làm, nâng cao chất lượng sản phẩm
Với mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đầu tiên tại huyện Nậm Pồ, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn được ra đời và vận hành theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch. Cùng sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, đến nay, HTX đang tích cực phối hợp xây dựng quy trình chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ theo quy định, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Bà Ngô Thị Hương, Thành viên Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, chia sẻ: “HTX chúng tôi đang định hướng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đầu tiên sẽ tập trung sản xuất theo như là những cây cà chua. Còn cây dưa leo độ khó cao hơn nên chúng tôi sẽ đầu tư nhà lưới, nhà màn để trồng và tưới hoàn toàn bằng tự động; tưới theo kiểu van, phun sương. Các loại cây sẽ được dùng phân hữu cơ để bón, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng các loại phân bón mà không được cho phép, làm sao để đưa sản phẩm sạch nhất đến tay người tiêu dùng”.
Nhằm hướng dẫn xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, vừa qua, Chi cục quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản tỉnh Điện Biên đã tiến hành khảo sát một số sản phẩm phẩm thế mạnh. Đó sẽ là những sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đặc sản, truyền thống có khả năng liên kết tạo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn tại một số huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm, Chi cục Quản lý Chất lượng và Phát triển thị trường nông sản tỉnh Điện Biên, cho biết: “Bước đầu chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá lựa chọn những cơ sở, sản phẩm chủ lực, có sản lượng tiêu thụ lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn trong địa bàn tỉnh trong năm 2024. Sau đó chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu đất, nước và các mẫu thành phẩm để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm.”
Bắt đầu tiếp cận với việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, nhiều nông dân còn gặp khó khăn bởi những thói quen truyền thống trong quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản khiến cho việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân đã và đang xem đây là một sự thay đổi cần sớm thực hiện.
Anh Nguyễn Tiến Nghĩa, HTX Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Hà Ân, huyện Mường Nhé, cho hay: “Để thay đổi được thói quen của bà con nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sản phẩm hữu cơ chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên khi HTX mở một số lớp tập huấn kiến thức, chỉ cho họ các lợi ích của việc này thì bà con đã hiểu và sẵn sàng để chuyển đổi sang dùng các sản phẩm phân bón, thuốc hữu cơ để đưa được sản phẩm sạch, an toàn ra thị trường”.
Kết quả khảo sát cho thấy, một số sản phẩm có tiềm năng phát triển và định hướng xác nhận đạt tiêu chuẩn chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: Chuỗi sản phẩm quả bí tươi tại Mường Nhé; Chuỗi rau, củ, quả tươi tại Nậm Pồ; Chuỗi hạt mắc ca và sản phẩm chế biến từ hạt cà phê tại huyện Tuần Giáo… Trên cơ sở kết quả này, Chi cục quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện điều kiện đáp ứng đảm bảo tiêu chí cấp xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đảm bảo theo quy định.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp sạch
Theo ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 là: "Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững dựa trên lợi thế địa phương, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái".
Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển trên, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất theo hướng nâng cao nâng cao chất lượng sản phẩm; Phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng; Đồng thời, tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế (nguồn lực về đất đai, hệ sinh thái, lực lượng lao động...) Để đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương xác định tăng cường phối hợp với các phòng, ban, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc thực hiện cải thiện các chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp ngành (DDCI). Mục tiêu nhằm kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Song song với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo ông Trần Văn Thượng, về phía các cơ quan quản lý cần kịp thời ban tham mưu ban hành, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đáng phải kể đến là cơ chế, chính sách về tập trung đất đai, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Ông Thượng khẳng định, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính. Đồng thời, sẽ rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
"Chúng tôi sẽ tích cực tham gia bổ sung tích hợp các quy hoạch ngành, sản phẩm vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mục tiêu là để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và tiếp cận với các cơ hội đầu tư. Ngành nông nghiệp cũng sẽ định hướng về những mặt hàng nông sản có thế mạnh, tiềm năng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong điều kiện có thể hỗ trợ cùng doanh nghiệp. Từ đó có những bước tham khảo cho các doanh nghiệp khi họ có ý tưởng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Trần Văn Thượng nhấn mạnh.