Điện Biên Phủ - Đi giữa những tháng ngày lịch sử (Bài 1): Giữa lòng chảo nghe 'hò kéo pháo'
LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một dấu son chói lọi. Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm “Chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thành phố Điện Biên Phủ dường như không ngủ, ngày cũng như đêm, phố phường rợp bóng cờ hoa. Về thăm chiến trường năm xưa, các cựu chiến binh dù tuổi cao nhưng tinh thần vẫn cao hơn núi, nhiều du khách được sống lại những thời khắc hào hùng của cả dân tộc Việt Nam. Đi giữa những tháng ngày lịch sử, nghe vọng vang “hò kéo pháo” mà lòng rất đỗi tự hào, phơi phới dậy tương lai…
Bài 1: Giữa lòng chảo nghe “hò kéo pháo”
Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi…”. Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến “Hò kéo pháo” - một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Vân, người từng chứng kiến bao hiểm nguy, gian nan vất vả của bộ đội ta ngày đêm kéo pháo vượt núi, băng rừng phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với những lời ca sâu đậm, âm hưởng hào hùng vang lên trên các cụm di tích cứ điểm Điện Biên Phủ sau 70 năm vẫn dâng trào khí thế, du khách như được sống lại những ngày hào hùng của đất nước.
Sống lại ký ức hào hùng
Thăm lại chiến trường xưa khi đã 96 tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xúc động nói: “Nhiều đồng đội, đồng chí của tôi không còn nữa và mãi mãi nằm lại trên mảnh đất lịch sử này. Trong không khí chiến thắng, tôi lại vô cùng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam...”.
Đoàn cựu chiến binh tham quan di tích Đồi A1
Đại tá Nguyễn Hữu Tài vẫn còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ về chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm về trước. Ông kể: “Đơn vị tôi được lệnh kéo 12 khẩu pháo vào chiến trường bằng tay. Để kéo pháo vượt núi, người thì vặn tời, người ghì dây, người lại giữ càng xe, người chèn khi kéo lên, khi thả xuống, lúc tiến, lúc lùi… Tất cả phải được thực hiện đồng bộ theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Trải qua 9 ngày đêm kéo pháo liên tục vào đến phía tây của trận địa nhưng sau đó lại được lệnh kéo pháo ra. Để trấn an tinh thần của các chiến sĩ, đơn vị đã quán triệt ngắn gọn 3 nội dung: Quyết tâm tiêu diệt địch không thay đổi; tuyệt đối tin tưởng cấp trên; triệt để chấp hành mệnh lệnh”.
Ngày 13-3-1954, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt nhanh gọn 2 cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập). Ngày 30-3-1954, ta mở đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm, đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm. Ngày 1-5-1954, ta mở đợt tấn công thứ ba, đánh chiếm những cứ điểm còn lại. Ngày 6-5-1954, vào lúc 20 giờ 30 phút, quân ta cho nổ khối bộc phá 960kg trên Đồi A1. Ngày 7-5-1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tướng Đờ-cát Xtơ-ri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống…
Kéo pháo vào đã gian khổ nhưng kéo pháo ra còn khổ hơn. Do bị phát hiện, địch đã liên tiếp ném bom cày xới khắp các cánh rừng nhưng bộ đội ta vẫn dũng cảm vượt qua lưới lửa, quyết tâm đưa pháo ra an toàn dù không tránh khỏi thương vong. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, nhiều tấm gương đã hy sinh quên mình cứu pháo như Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện… càng thôi thúc các chiến sĩ Điện Biên sục sôi bước vào chiến dịch.
Đồi A1 in bóng chiến sĩ Điện Biên
Chị Nguyễn Thị Hồng, Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1 là một trận địa oanh liệt nhất trên chiến trường. Trong tổng số 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để công phá cứ điểm này, quân ta đã mất tới 39 ngày chiến đấu với bao hy sinh, mất mát, nhiều trận giao tranh ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Quân ta đã 5 lần tổ chức tấn công đánh bại 30 đợt phản kích của địch. Hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho chiến dịch đến ngày toàn thắng”.
Chị Nguyễn Thị Hồng (bìa trái), Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, giới thiệu cho du khách về trận đánh trên Đồi A1
Theo chị Hồng, là cứ điểm đặc biệt quan trọng của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nên hàng năm di tích Đồi A1 tiếp đón rất đông du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, nhất là vào dịp những ngày tháng 4 và tháng 5. Trong đó, nhiều nhất là khách đến từ châu Âu, các cựu chiến binh (CCB) và các em học sinh trên khắp cả nước về nguồn để ôn lại những chiến công hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Lấp lánh ánh huy chương trên ngực, ông Nguyễn Trung Thành, một CCB tỉnh Hưng Yên, khi lên thăm Đồi A1 cho biết: “Gần 70 hội viên chúng tôi đến với Điện Biên hôm nay được tận mắt thấy những chứng tích, nghe giới thiệu những trận đánh ác liệt như ở Đồi A1 càng cảm nhận được tinh thần quyết chiến, quyết thắng của chiến sĩ Điện Biên năm xưa quy mô như thế nào. Qua đó, chúng tôi càng tự hào hơn với những chiến công hiển hách của dân tộc ta cách đây 70 năm”. Còn ông Trần Văn Hải (Hội CCB huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) tham quan khu di tích không bỏ sót một hạng mục nào. “Lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa mới thấy hết được sự vĩ đại của quân và dân ta. Tất cả các cứ điểm nơi đây được Pháp xây dựng kiên cố như vậy nhưng chúng ta vẫn công phá được...”, ông Trần Văn Hải thán phục.
70 năm qua, tiếng súng đã dứt trên Đồi A1 nhưng từng tấc đất, ngọn cỏ vẫn còn in bóng người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Tiếng “hò kéo pháo” vẫn vọng vang theo mỗi bước chân du khách trên trận địa “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. (còn tiếp)
Đồi A1 được xem là “cổ họng” của Điện Biên Phủ, là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch. Nếu đánh chiếm được Đồi A1 thì toàn bộ cánh đồng Mường Thanh trong căn cứ của quân Pháp sẽ bị khống chế. Vì vậy, trận đánh Đồi A1 vô cùng ác liệt. Nơi đây, hiện còn lưu những dấu tích của trận đánh năm xưa, như hố bộc phá tạo ra từ khối thuốc nổ ngàn cân làm lung lạc ý chí của kẻ thù; hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên trên đỉnh đồi và hệ thống lô cốt của quân Pháp từng được coi là “bất khả xâm phạm”… Nơi đây vẫn còn nguyên chứng tích xác chiếc xe tăng Bazeille của Pháp đã bị 4 chiến sĩ của chúng ta bắn cháy vào rạng sáng ngày 1-4-1954 cùng ngôi mộ tập thể của 4 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102...