Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc
Ngày 27-3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: 'Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại', hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Tại hội thảo, ban tổ chức đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các nhà khoa học ở các cơ quan Bộ Quốc phòng, các đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội tập trung phân tích khá đầy đủ và toàn diện mọi mặt của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù tiếp cận ở các vấn đề, khía cạnh khác nhau, nhưng các tham luận đều khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, nhiều tham luận đi sâu phân tích và khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả 3 lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Trong đó, điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.
Kết luận hội thảo, Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị khẳng định, Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Với chiến thắng đó, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneva, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tiếp tục phát huy giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta phải luôn kiên định đường lối, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững chắc; chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân”; chăm lo bảo đảm, nâng cao đời sống nhân dân và giáo dục cho thế hệ trẻ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, quân đội cần phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng đúng đắn; tổ chức triển khai xử lý thắng lợi các tình huống có thể xảy ra, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ.