Diễn biến thời tiết bất thường trong giai đoạn chuyển pha nóng sang lạnh
Giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và sắp tới sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina khiến thời tiết diễn biến bất thường, cực đoan.
Diễn biến mưa dông những ngày tới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra dự báo chi tiết diễn biến mưa dông những ngày tới. Đêm 16/5 và ngày 17/5 Bắc Bộ đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; ngày có mưa rào và dông vài nơi. Bắc Trung Bộ đêm 15/5 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to; sau có mưa rào và dông vài nơi. Các khu vực khác: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; ngày nắng, có nơi nắng nóng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhận định thời tiết từ đêm 17/05 đến ngày 25/05, cơ quan khí tượng cho biết, Bắc Bộ từ đêm 18-25/5 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ khoảng ngày 19-22/5 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Tây Nguyên và Nam Bộ từ đêm 17-25/5 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hôm nay, áp cao lạnh lục địa trên khu vực Trung Quốc tiếp tục tăng cường xuống phía bắc nước ta. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ. Những nhiễu động trên cao tiếp tục duy trì trên khu vực Nam Bộ.
Trong 2-10 ngày tới, áp cao lạnh lục địa trên khu vực Trung Quốc suy yếu dần. Từ khoảng ngày 17/5 hình thành rãnh thấp qua Bắc Bộ nối với áp thấp nóng phía tây. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ. Những nhiễu động trên gây mưa cho khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc biệt, từ khoảng 18-19/5, gió mùa tây nam hoạt động, khiến khu vực mưa kéo dài.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia,từ nay đến hết tháng 6/2024, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%. Từ tháng 7, tháng 8, ENSO sẽ chuyển dần sang trạng thái La Nina với xác suất từ 65-75%. Dự báo trên Biển Đông xuất hiện 3-5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong thời gian từ nay đến tháng 8/2024, trong đó khoảng 1 cơn đổ bộ vào đất liền. Trên phạm vi cả nước khả năng tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Mùa mưa lũ năm nay sẽ rất khốc liệt
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tại cho biết, sự bất thường của thời tiết đầu năm 2024 ở Việt Nam là do ảnh hưởng bởi giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và sắp tới sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina.
Như vậy, chỉ trong 1 năm, chúng ta phải trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Điển hình của chuyển pha trong giai đoạn giao mùa là đang ngày nóng lại bất ngờ xảy ra mưa phùn, ẩm ở miền Bắc, trong khi miền Nam thì đang ghi nhận tháng 2-3 và tháng 4 nắng nóng hơn so với những năm trước, trung bình nhiệt độ cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ.
El Nino và La Nina là hiện tượng thời tiết có từ hàng trăm năm trước. Vào thế kỷ 17, các nhà thám hiểm đại dương của Tây Ban Nha đã phát hiện những hiện tượng khác nhau của nền nhiệt độ trên bề mặt biển sẽ ảnh hưởng đến thời tiết và sản lượng cá ở các dòng biển ấm trên biển. Nhưng gần đây sự chuyển pha của khí hậu đột ngột hơn và mật độ dày hơn.
Chẳng hạn chu kỳ lặp lại của La-Nina và El Nino ở mấy thập kỷ trước thường 7-8 năm, có khi 10 năm và ít cực đoan. Nhưng giai đoạn gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu làm cho các pha của El Nino và La Nina ngắn hơn. Giai đoạn cuối năm 2020 đến giữa năm 2023 là giai đoạn La Nina thịnh hành. Dự báo, El Nino sẽ chấm dứt vào tháng 5 năm nay sau đó chuyển sang pha trung tính từ tháng 6 đến tháng 7.
Đến tháng 8/2024, La Nina được dự báo sẽ quay trở lại. Như vậy việc chuyển pha rất thường xuyên và không có giai đoạn trung tính, hoặc có trung tính nhưng chỉ trong một quãng ngắn. Hiện tượng nóng lên của toàn cầu làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn, gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa thất thường hơn. Sự thay đổi này có sự tác động rõ ràng của con người, chủ yếu nằm ở quá trình phát thải khí nhà kính làm Trái đất nóng lên, tác động đến quy luật của thời tiết. TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định thiên tai trong năm 2024 sẽ rất cực đoan.
Cũng theo TS Huy dự báo, tháng 6 mới có hiện tượng mưa nhiều ở miền bắc, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực thành phố Hồ Chí Minh và Lâm Đồng. Khi xảy ra mưa đầu mùa sẽ có các cơn mưa rào cục bộ, cực đoan, rất lớn trong phạm vi hẹp có thể tạo ra các nguy cơ ngập lụt cục bộ, nhất là khu vực Hà Nội, Vĩnh Yên, Thái Nguyên và Đà Lạt. Điều này xảy ra do hiện tượng bốc hơi cục bộ do nắng nóng ở đô thị, ngưng tụ gây mưa dông trong thời gian ngắn. Trong khi đó, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Bộ có thể đối diện với nắng nóng và hạn hán cục bộ trong giai đoạn này.
Giai đoạn cao điểm của La Nina là từ tháng 10 đến tháng 12, sẽ có lượng mưa trung bình chung cao hơn so với các năm trước. Cụ thể là khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên sẽ là những nơi mưa rất lớn trong năm nay.
"Tôi nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực biển Đông và đất liền của Việt Nam", TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.
Chuyên gia khuyến cáo, thời điểm kết thúc El Nino và bắt đầu La Nina trong năm nay cũng khá tương tự với năm 1964 - năm Giáp Thìn. Năm ấy lũ lụt rất lớn ở miền trung, hơn 10.000 người chết. Chúng ta cần cảnh giác và có phương án dự phòng để ứng phó với các điều kiện thời tiết cực đoan. Cho dù bây giờ cơ sở hạ tầng tốt hơn nhưng nếu mưa cực đoan vượt ngưỡng chống chịu của hạ tầng thì cũng rất khó ứng phó. Nếu không có dự báo xa mà chỉ dự báo ngắn ngày thì trở tay không kịp với những trận lụt lớn.
Những hình thái thiên tai cực đoan này có thể lấy đi các thành quả về phát triển kinh tế ở cả quy mô hộ gia đình, địa phương và ảnh hưởng đến GDP quốc gia. Chính vì vậy, chúng ta cần có quá trình đánh giá nghiêm túc về kịch bản biến đổi khí hậu, kịch bản thiên tai cực đoan và có quá trình đầu tư đúng mức cả về hạ tầng kỹ thuật và kiến thức để ứng phó thiên tai trong hoàn cảnh mới.